Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

(Mặt trận) - Công tác chăm sóc người có công là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người đã hy sinh và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị dự khởi công xây dựng Nhà tình nghĩa cho gia đình ông Hồ Ấm Lương, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phượng Hồng

Những năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp ở tỉnh Quảng Trị đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác người có công với cách mạng. Nhờ vậy, nhiều người có công và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn được quan tâm, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây cũng chính là động lực để người có công và gia đình người có công khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, sức khỏe; luôn phát huy tinh thần cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, góp phần đáng kể vào xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 120.178 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó 18.898 liệt sĩ, 11.477 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.442 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4.135 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hàng chục ngàn người có công với cách mạng; tỉnh đang chi trả trợ cấp cho 20.964 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi hàng tháng. Nhiều năm qua, xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, do đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương thực hiện công tác người có công với cách mạng và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với các địa phương trên cả nước, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã luôn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với gia đình liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở giải thích, hướng dẫn, giới thiệu thêm chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng thông qua các buổi tiếp dân đột xuất và thường xuyên; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản pháp luật mới, giải đáp các câu hỏi, những thắc mắc về chế độ chính sách đối với người có công... Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác người có công được nâng lên. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cũng đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người có công và thân nhân của họ, nhất là việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Quan tâm đúng mức đến chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở; ưu đãi trong giáo dục - đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm. Thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công cách mạng kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ. Chăm lo nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ; tích cực tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Trong 10 năm (2007 - 2016), toàn tỉnh đã xác nhận 14.546 đối tượng người có công, trong đó: 155 liệt sĩ; 289 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 161 bệnh binh; 609 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945; 7 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2.531 người có công giúp đỡ cách mạng; 3.174 người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 1.598 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 4.820 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương; phong tặng và truy tặng 1.485 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn là 3.285 tỷ đồng. Công tác khen thưởng được triển khai kịp thời đối với các địa phương, cá nhân làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Đến nay, toàn tỉnh có 123/141 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Công tác chăm sóc người có công gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", hàng năm, ngoài phần kinh phí Trung ương cấp, các địa phương trong toàn tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đóng góp để xây dựng, tu bổ nghĩa trang, nhà bia và các phần mộ liệt sỹ. Đến nay, có 98% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tỉnh tổ chức điều dưỡng cho trên 7.680 lượt người có công, trong đó điều dưỡng tập trung trên 1.200 lượt người, góp phần nâng cao sức khỏe và tinh thần cho người có công. Từ năm 2007 - 2016, toàn tỉnh vận động được trên 32,932 tỷ đồng để xây tặng nhà tình nghĩa và hỗ trợ cho 2.184 trường hợp khó khăn đặc biệt về nhà ở, trong đó: hỗ trợ xây mới 11.077 nhà, sửa chữa 1.107 nhà. Ngoài ra, hỗ trợ 10.700 triệu đồng cho 214 trường hợp là cán bộ lão thành cách mạng theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg, ngày 3/2/2000 về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở và hàng ngàn trường hợp được hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà, đất ở. Tính đến nay, Quảng Trị đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ 88.940 triệu đồng để thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn này, tỉnh đã tiến hành hỗ trợ, xây dựng mới 1.230 nhà, hỗ trợ sửa chữa 2.347 nhà cho người có công với cách mạng.

Cùng với đó, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" nói chung và công tác xây dựng, tôn tạo, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ trong những năm qua được Đảng, chính quyền, Mặt trận và các cấp trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện và được toàn dân hưởng ứng tham gia với tất cả tình cảm và tinh thần trách nhiệm. Toàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, 7 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 60 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã và 3 nghĩa trang cấp thôn quản lý. Đã quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ 54.600 mộ liệt sĩ, trong đó 7.978 mộ liệt sĩ là con em của tỉnh Quảng Trị và 46.622 cán bộ, chiến sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài kinh phí Trung ương cấp, những năm qua tỉnh đã huy động trên 55 tỷ đồng để nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, xây đài tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ, sửa chữa tôn tạo mộ liệt sĩ và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác. Song song với việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, công việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được quan tâm. Từ năm 2006 đến năm 2016, toàn tỉnh đã phát hiện, cất bốc, quy tập được 1.247 mộ liệt sĩ, trong đó mộ liệt sĩ quy tập từ nước bạn Lào là 480 mộ, quy tập trong tỉnh 767 mộ. Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tổ chức cuộc vận động chương trình "Hoa dâng mộ liệt sĩ". Cuộc vận động đã thu hút sự quan tâm, tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, các tập thể cá nhân và đã huy động được 4.100 triệu đồng. Từ nguồn này, tỉnh đã thực hiện 4 đợt dâng hoa, dâng hương tại 54.600 mộ liệt sĩ trong 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn tỉnh được tu bổ, nâng cấp khang trang sạch đẹp với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng; các trung tâm tỉnh, huyện đều đã có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nhiều công trình đã trở thành trung tâm hoạt động văn hoá, lễ hội của nhân dân địa phương. Dịp 27/7 hàng năm, các cấp uỷ đảng, chính quyền của tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động phong phú thiết thực để ghi nhớ công ơn, sự đóng góp to lớn của những người đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho Tổ quốc như: Thăm hỏi, tặng quà, động viên, chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; thắp nến tri ân; tổ chức đưa đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sĩ; huy động các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội và toàn dân tham gia đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà tình nghĩa.

Công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh được đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 10/3/2017, toàn tỉnh có 2.442 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 191 mẹ được phong tặng; hiện có 66 mẹ còn sống, trong đó có 66 mẹ đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, mỗi mẹ được phụng dưỡng bình quân 800 nghìn đồng/tháng. Nhiều hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên thường xuyên tình nguyện chăm sóc bố mẹ liệt sĩ; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con liệt sĩ thương binh, bệnh binh theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề. Phong trào vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được đẩy mạnh và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2007-2016, toàn tỉnh đã vận động được trên 85,768 tỷ đồng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân của liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh. Ngoài ra, cuộc vận động tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng tích cực. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh vận động được 1.051 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng trị giá trên 1,471 tỷ đồng để tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian tới, việc thực hiện chính sách đối với người có công tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Để công tác người có công đạt kết quả tốt hơn nữa và thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường thực hiện công tác chăm sóc người có công và đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực người công với cách mạng, đặc biệt là các chính sách mới như: Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH 13 ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng...

2. Đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", tập trung vào các chương trình như: hỗ trợ cải thiện nhà ở, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích động viên thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công ý thức tự vươn lên tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

3. Quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, nhất là khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện chăm lo cho người có công với cách mạng.

4. Phối hợp tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2017); xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và chính sách đối với người có công với cách mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" theo Nghị định 45/2006/NĐ-CP, ngày 28/4/2006 của Chính phủ về tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức tham gia ủng hộ quỹ.

5. Tham gia tổ chức hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ. Mặt trận và các tổ chức thành viên có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về đời sống cũng như nhà ở. Phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng.

Phượng Hồng - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị