Phú Thọ: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tổ chức bầu cử thành công

(Mặt trận) - Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tỉnh Phú Thọ triển khai theo đúng trình tự quy định, đảm bảo tiến độ về thời gian theo luật định.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Đoàn công tác kiểm tra việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử và hồ sơ người ứng cử đại biểu HĐND các cấp tại thị xã Phú Thọ, ngày 19/3. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN 

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Phú Thọ cho biết Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương. MTTQ cấp huyện, cấp cơ sở tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá tình hình công tác tổ chức, triển khai, thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bầu cử; làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời, bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, là Ngày hội lớn của nhân dân.

Thực tế cho thấy, do có nhiều văn bản hướng dẫn, một số cán bộ tại địa phương chưa có kinh nghiệm trong phục vụ bầu cử nên còn lúng túng, chậm trễ. Đặc biệt tại các xã sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận mới được kiện toàn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng tham mưu, đặc biệt là tại các khu dân cư. Nhiều địa phương có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất nên có nhiều người nhập cư, người lao động và công nhân, gây khó khăn cho việc rà soát lập danh sách cử tri...

Trước thực trạng này, cùng với việc tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền để cán bộ Mặt trận nắm vững quy định về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, MTTQ các cấp đã tăng cường tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, khẩu hiệu và tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động, lồng ghép thông qua các hội nghị tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu cho biết, đến nay, tỉnh đã triển khai các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử chặt chẽ, chủ động, khẩn trương, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai và đúng quy định. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu đều được thực hiện chủ động theo Kế hoạch của Ủy ban bầu cử.

Tỉnh đã thành lập 3 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, 16 Ban Bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 97 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.604 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Phú Thọ đã hoàn thành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lập danh sách chính thức 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội; 113 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 722 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 8.557 người ứng cử HĐND cấp xã, đảm bảo đúng trình, tiến độ, hướng dẫn của Trung ương. 100% xã phương, thị trấn lập xong danh sách cử tri theo từng khu vực và niêm yết danh sách cử tri đúng thới gian quy định, với tổng số cử tri trên địa bàn là 1.090.299 người, trong đó 171.606 cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ và có phương án xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; chủ động tuyên truyền phản bác những thông tin xấu, bịa đặt ảnh hưởng đến bầu cử; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cơ quan cấp trên đối với cấp dưới; quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là liên quan tới người ứng cử...