Tìm giải pháp ngăn chặn suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên

(Mặt trận) - Ngày 21/8, Hội đồng Công tác quần chúng Trung ương tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham dự.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Quang cảnh Hội nghị

Góp ý vào dự thảo xây dựng đề án, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị  quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự suy thoái” trong nội bộ đã được chúng ta thực hiện tốt. Tuy nhiên, việc này không thể làm ở một vài điểm mà cần được làm thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Hơn 3 năm sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, 218, MTTQ Việt Nam cũng đã vận dụng tốt các nội dung đã được quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Không dừng lại ở đó, tại Điều 27 của Luật MTTQ Việt Nam cũng đã quy định về hình thức giám sát; Điều 34, quy định hình thức phản biện và hội nghị liên tịch 3 bên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tạo cơ chế pháp lý quan trọng để Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Theo người đứng đầu Mặt trận, trong tờ trình có nói đến chức năng thanh kiểm tra, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc này phải cân nhắc lại vì Mặt trận chỉ có chức năng giám sát chứ không có chức năng thanh, kiểm tra đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên vì việc này không đúng với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và quy định của pháp luật. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ được kiểm tra đối với tổ chức và cá nhân thuộc tổ chức của mình về việc chấp hành Điều lệ, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện chức năng giám sát và phản biện.

Góp ý xây dựng đề án, theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nếu đề án này được thực hiện sẽ góp phần phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; phát hiện gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để nhân rộng, biểu dương. Đồng thời hạn chế được những thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, cảnh báo, phòng ngừa những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm với nhân dân.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, thực hiện. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho một lực lượng rất đông, họ chính là tai, là mắt của Đảng, Nhà nước. Từ trước tới nay, rất nhiều vấn đề được nhân dân phát hiện đã được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phản ánh, Đảng, Chính phủ đã tiếp thu, xử lý”, ông Môn nói

Ở góc độ khác, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Dự thảo đã quy định rõ phạm vi giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở và Ban Công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội của các tổ chức chính trị - xã hội ở khu dân cư. Tuy nhiên, khi thực hiện giám sát, đối với đối tượng cùng cấp thì chỉ nên kiểm tra, còn đối tượng là cấp dưới thì mới tổ chức giám sát.

Về phạm vi kiểm tra, dự thảo quy định MTTQ Việt Nam và  các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chỉ tham gia việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên. Việc này cần phải được mở rộng phạm vi kiểm tra. Ông Cường gợi ý, có thể kiểm tra thêm về mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng như việc chấp hành các chủ trương đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là lập trường tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên.  

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nếu chiếu theo các văn bản hiện hành thì vẫn còn nhiều băn khoăn trong chức năng kiểm tra, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt chức năng tham gia, kiểm tra sẽ góp phần phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, từ trước tới nay đã có rất nhiều cuộc kiểm tra trong phạm vi nào đó nhưng rất ít mời Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, hoặc nếu mời tham gia cũng chỉ mang tính hình thức.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc hoàn thiện đề án này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, trong khi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng và khá phổ biến.

Để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm với nhiệm vụ thì việc thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 “Những ý kiến này sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa để tiếp tục họp bàn, hoàn thiện trước khi trình Ban Bí thư”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.