Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện

(Mặt trận) - Trong các ngày 14 -15/6, tại Kiên Giang, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện”.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Dự và chủ trì Hội thảo có TS. Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ThS. Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; TS. Lê Bá Trình - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; ông Trần Văn Hùng - Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo Giáo hôi Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

TS. Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui mừng khi lần đầu tiên Hội thảo cấp quốc gia về “Phát huy vai trò của Phật giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện” được tổ chức.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể phát động; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực y tế cơ sở, giáo dục mầm non, hoạt động trợ giúp xã hội, dạy ngh,... của Đảng, Nhà nước.

“Trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của Phật giáo tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thu hút được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng để cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp xã hội ngày càng tốt đẹp”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết.

Tuy nhiên, để Phật giáo Việt Nam đóng góp tốt hơn nữa việc tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải có các giải pháp tích cực, đồng bộ giữa công tác quản lý, hỗ trợ của các ngành chức năng Nhà nước; sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp Giáo hội và chất lượng tổ chức và hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công việc.

Chính vì vậy, Hội thảo lần này nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trách nhiệm của chức sắc, tín đồ, các cấp Giáo hội, các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị và tìm ra các giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, an sinh xã hội, góp phần thiết thực vào các hoạt động hướng đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo; đồng thời tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, lý luận với thực tiễn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo.

“Hội thảo tìm các giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia hiệu quả thực hiện xã hội hoá công tác an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, góp phần thiết thực vào các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc vào cuối năm 2017”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Theo Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thông qua Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, trong những năm qua, với truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước luôn gắn bó, đồng hành trong mọi hoạt động của đất nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, triển khai thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Đồng thời, GHPGVN đẩy mạnh các hoạt động bảo trợ xã hội, với hạnh nguyện “Từ bi, cứu khổ độ sinh”. Trong cả nước đã có 125 cơ sở Tuệ Tĩnh đường và hàng trăm phòng thuốc nam phát thuốc miễn phí, cùng hàng trăm cơ sở Phật giáo tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội, với hàng nghìn đối tượng bảo trợ xã hội như: trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, người già không nơi nương tựa,...

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và triển khai tốt hơn các hoạt động an sinh xã hội nói chung, hoạt động trợ giúp xã hội và xã hội hoá công tác từ thiện xã hội nói riêng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam phối hợp với UBTW MTTQ Việt Nam và Bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn các cơ sở Phật giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội nhưng chưa được cấp phép thành lập, nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ, dịch vụ trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo và nhân rộng công tác xã hội hoá từ thiện xã hội trong cộng đồng Phật giáo trên cả nước.

 Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu đã nêu những kiến nghị tâm huyết nhằm đẩy mạnh công tác xã hội, từ thiện trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Đà Nẵng, Uỷ ban Mặt trận thành phố đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố xây dựng các chương trình cụ thể như "Phật giáo Đà Nẵng với an sinh xã hội"; hay "Phật giáo Đà Nẵng với Chương trình thành phố 4 an"... Những chương trình cụ thể này đã có tác dụng động viên tuyệt đại đa số tăng, ni và phật tử tham gia tích cực và hiệu quả; công tác vận động xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo đã tạo sự gắn bó giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ; đồng thời tổ chức tuyên dương các điển hình trong các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì (trong đó có công tác bảo trợ xã hội) nhằm nhân rộng điển hình tiên tiến, để cho công tác xã hội từ thiện được lan toả rộng khắp, góp phần làm vơi bớt những khó khăn, bất vả cho các mảnh đời bất hạnh.

Ông Hải cho rằng, để phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên của Mặt trận trong đó có Giáo hội Phật giáo tham gia tốt công tác an sinh xã hội nói chung, bảo trợ xã hội nói riêng; Mặt trận Tổ quốc cần có đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà cụ thể là cần những cán bộ có "tâm" và có "tầm", có uy tín nhất định để làm công tác vận động, nhất là vận động các chức sắc tôn giáo tham gia. Đồng thời, Mặt trận phải tham mưu cho cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan đề góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc, giúp cho các tổ chức, cá nhân trong đó có Phật giáo tham gia tốt công tác bảo trợ xã hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng Hội thảo.

Đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia hoạt động dạy nghề của Phật giáo, theo bà Võ Thị Loan, Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh nhiều lần tìm đến bà con người dân tộc sinh sống tại các huyện miền núi, đời sống chưa cao, trình độ dân trí còn thấp, một số ít thanh thiếu niên hàng ngày tụ tập chơi bời lêu lổng, rượu chè vì không có nghề nghiệp để giúp đỡ và động viên các cháu tìm nghề nghiệp để sinh sống, học thêm một nghề để có tương lai. Đồng thời khi nhận được thông báo tuyển sinh từ Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân - thuộc Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị, Mặt trận ở cơ sở phối hợp với chính quyền động viên nhân dân địa phương mình theo học. Nhận thấy các cháu khuyết tật rất đáng thương, rất cần sự khuyến khích của xã hội nên đã vận động các cháu cố gắng tham gia học nghề, vừa để vơi đi phần nào mặc cảm, vừa có nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân.  

“Trên 80% học viên ra trường đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao giải quyết được phần nào khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ cha mẹ, bớt tình trạng thất nghiệp, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, bà Loan chia sẻ.

Để công tác dạy nghề trong thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, bà Loan đề nghị Mặt trận các cấp cần có những đề xuất, kiến nghị đối với chính quyền địa phương trong việc ban hành các chính sách về vay vốn để người lao động, các học viên của Trung tâm sau khi học nghề được vay vốn, được thuê đất, thuê mặt nước và các phương tiện lao động khác sau khi học nghề để đầu tư sản xuất, mở rộng ngành nghề. Tăng cường sự liên kết giữa Trung tâm Dạy nghề Phùng Xuân và doanh nghiệp trên địa bàn tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho học viên. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh trong việc hướng dẫn, quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của Trung tâm Dạy nghề Phùng Xuân. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tạo cơ hội giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình và phương pháp học tập giữa các tổ chức tôn giáo trong hoạt động dạy nghề. Trong đó đặc biệt chú trọng việc kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với Trung tâm cũng như các cá nhân tiêu biểu tham gia công tác dạy nghề của Trung tâm.

Đề cập đến hướng phát triển công tác từ thiện của Phật giáo Việt Nam, TS. Thích Phước Đạt cho rằng, cần nhận thức rõ Ban Từ thiện Xã hội, các cơ sở từ thiện của Trung ương và địa phương thực sự là trung tâm kết nối sự yêu thương, thông qua sự liên kết mọi thành phần trong xã hội để cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Hiện nay, hầu hết các tự viện Phật giáo trên cả nước đều hưởng ứng công tác từ thiện, xây nhà tình thương, tổ chức nuôi dạy trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đã có những trung tâm từ thiện Phật giáo ra đời với quy trình nuôi dưỡng và đào tạo khép kín từ lứa tuổi học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông. Tuy nhiên, các trung tâm từ thiện Phật giáo có chức năng đào tạo và giảng dạy văn hoá cũng như dạy nghề cho con em có hoàn cảnh khó khăn cần có sự hỗ trợ đắc lực của ngành Giáo dục trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ từ các sở giáo dục, các trường. Từ nhu cầu đó, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo chương trình Cử nhân Phật học, có khoa Mầm non và Công tác xã hội với mô hình liên kết. “Trong vài năm tới sẽ có đội ngũ tăng ni làm công tác từ thiện với chuyên môn hoá tại các trung tâm từ thiện Phật giáo trong cả nước”, TS. Thích Phước Đạt khẳng định.

Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo thăm Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Hương Diệp