(Mặt trận) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước, với Chính phủ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị; tiếp thu và phản hồi góp ý, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết việc phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2016, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.
Chính phủ kiến tạo là gì?
Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải làm tốt công tác quản lý nhà nước; sử dụng tốt các công cụ kiến tạo phát triển như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ kiến tạo phải dũng cảm, đương đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính phủ kiến tạo còn phải là một mô hình Chính phủ hiệu quả, tinh gọn và liêm chính từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương; phải sử dụng tốt từng đồng thuế của người dân, vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ phát triển. Chính phủ liêm chính, kiến tạo phải là một Chính phủ không có tham nhũng, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân thì không chỉ dừng lại ở Trung ương, còn ở địa phương thì không chuyển biến. Tại Hội nghị cải cách hành chính toàn quốc (8/2016), Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu: “Liệu tinh thần này có vượt qua được cấp tỉnh xuống đến cấp cơ sở không? Chính quyền cơ sở có phục vụ nhân dân, doanh nghiệp hay không? Hay lại hành dân, xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân. Chúng ta có quyết tâm xây dựng được lớp cán bộ liêm chính không?”. Thủ tướng nêu ra thực trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, quan liêu, không sát dân, không phục vụ được phát triển... Từ những yếu kém, tồn tại đó, Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hành chính, từ công tác cán bộ đến phương pháp làm việc, điều hành. Thủ tướng cho biết, Chính phủ mong muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển. Vậy tinh thần đó được chỉ đạo thế nào? Điều mà chúng ta đang nói về liêm chính, hành động, kiến tạo là ở Chính phủ Trung ương, còn ở các cấp, các ngành, đến các địa phương, từ tỉnh đến huyện đến xã, những nơi trực tiếp với dân có chuyển biến không? Ở dưới là đội ngũ cán bộ, công chức sát dân, sát doanh nghiệp mà nhũng nhiễu thì sẽ cản trở sự phát triển.
Như vậy, xét về bản chất của Chính phủ kiến tạo: Đó là Chính phủ của dân, do dân, vì dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Chính phủ kiến tạo
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò như thế nào vào việc tham gia xây dựng Chính phủ kiến tạo? Trước hết với ý nghĩa là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về những vấn đề quan trọng của đất nước gửi đến Quốc hội, Chính phủ để Quốc hội, Chính phủ kịp thời đề ra chủ trương, chính sách phù hợp định hướng cho sự phát triển đúng đắn của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị tổng kết việc phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2016, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Tham gia với chính quyền các cấp tổ chức vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước về nếp sống tự quản ở khu dân cư. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật; góp ý vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật. Tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí, xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí. Kiến nghị Nhà nước có hình thức bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước, với Chính phủ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị; tiếp thu và phản hồi góp ý, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các hoạt động giám sát: Theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch không chồng chéo; không làm trở ngại hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giám sát.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các hoạt động phản biện xã hội. Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đó là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của cơ quan nhà nước. Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc. Nội dung phản biện xã hội về sự cần thiết; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của dự thảo văn bản; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và tổ chức.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính; từng bước khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức, bệnh thành tích trong các hoạt động của tổ chức mình. Phối hợp với Chính phủ thực hiện Chương trình công tác hàng năm; thực hiện Nghị quyết liên tịch phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Như vậy với chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân, đất nước.
Vũ Minh