Tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu bức thiết trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp ở nước ta hiện nay.
Tích tụ đất đai, tạo điều kiện tái cơ cấu nông nghiệp - Nguồn: dangcongsan.vn
Xu hướng tất yếu của sự phát triển lực lượng sản xuất theo cơ chế thị trường là xã hội hóa lao động, bao gồm cả xã hội hóa nông nghiệp, mà đặc trưng nổi bật là thay cho tình trạng phân tán trước kia, đã diễn ra một sự tập trung sản xuất chưa từng thấy trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp. Song tập trung sản xuất biểu hiện trước hết ở tập trung tư liệu sản xuất, đặc biệt là tập trung ruộng đất - tư liệu sản xuất quan trọng của nông nghiệp.
Thế nhưng ở nước ta hiện nay vẫn đang lan truyền hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Những người có khả năng mở rộng sản xuất nông nghiệp hay các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp thì mong muốn Nhà nước tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để dễ dàng tập trung ruộng đất. Nhưng những người e ngại việc tập trung ruộng đất sẽ làm nhiều người nông dân mất kế sinh nhai lại không tán thành, thậm chí còn đòi trao quyền sở hữu tư nhân vĩnh viễn về ruộng đất cho mỗi hộ nông dân(1).
Trong cuộc Hội nghị bàn về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 14-4-2017, có ý kiến cho rằng “Nông nghiệp hiệu quả không đồng nhất với quy mô lớn”. Tuy quy mô lớn trong nông nghiệp có một giới hạn nhất định và không ít trường hợp sản xuất nhỏ có thể cạnh tranh được với sản xuất lớn (V. I. Lê-nin hay viện dẫn ví dụ minh họa về trồng nho và trồng rau), nhưng nhìn chung trong những điều kiện như nhau thì sản xuất nông nghiệp thương phẩm quy mô lớn sẽ có ưu thế hơn nông nghiệp quy mô nhỏ. Phải nói “trong những điều kiện như nhau”, vì nếu tiểu nông thâm canh còn nông nghiệp quy mô lớn lại quảng canh, thì sản lượng trên một đơn vị diện tích của tiểu nông sẽ cao hơn. Trong một số bài báo, trong đó có bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, chúng tôi đã dẫn ra nhận xét của C. Cau-xki rằng, tiểu nông sở dĩ tồn tại được trong nền kinh tế hiện đại là do lao động quá độ và tiêu dùng không đầy đủ, còn Ph. Ăng-ghen thì nêu hình tượng “sản xuất hàng hóa lớn sẽ đè bẹp kinh tế tiểu nông như tàu hỏa đè bẹp xe cút-kít vậy”.
Tóm lại, phải kiên định nhận thức đúng về tính cấp thiết phải tập trung ruộng đất để xây dựng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Việc tập trung ruộng đất sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức linh hoạt, nhưng dù theo hình thức nào cũng phải tuân thủ nghiêm những điều sau đây:
Bảo đảm mục đích tập trung ruộng đất là để phát triển nông nghiệp thương phẩm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Không được “lách luật” để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, như chuyển thành khu đô thị hay khu, cụm công nghiệp. Trong thực tiễn đã có xảy ra hiện tượng này.
Thấy tính đặc thù của việc hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên môn hóa để phát huy hiệu quả sử dụng ruộng đất sau khi tập trung. Khi nghiên cứu sự phát triển của nền nông nghiệp thương phẩm ở Nga, V.I. Lê-nin đã nhận xét: “Do chính ngay bản chất của ngành nông nghiệp nên việc nó chuyển biến thành sản xuất hàng hóa đã diễn ra một cách đặc biệt, không giống với quá trình chuyển biến đó trong công nghiệp. Công nghiệp chế biến chia thành những ngành riêng biệt, tuyệt đối độc lập và chỉ chuyên chế tạo một thứ sản phẩm hay một bộ phận của sản phẩm mà thôi. Còn ngành công nghiệp nông nghiệp thì không chia thành những ngành tách biệt hẳn nhau, nhưng tùy trường hợp mà chỉ chuyên sản xuất một thứ hàng nào đó cho thị trường, còn những mặt khác của nông nghiệp thì thích ứng với thứ hàng chủ yếu đó (nghĩa là với thứ sản phẩm có tính chất hàng hóa đó). Cho nên các hình thức của nông nghiệp thương phẩm thật là hết sức khác nhau, không những khác từ vùng này đến vùng kia, mà còn khác từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp kia nữa”(2). Ví dụ, do tập trung chăn nuôi bò lấy sữa dẫn đến việc trồng các thứ cỏ, ngô hay cao lương... cho bò ăn; hình thành những xí nghiệp chế biến sữa và những cặn bã do việc làm pho-mát thải ra được dùng để vỗ béo gia súc nuôi để bán..., những công việc trên tạo điều kiện tìm việc làm cho những người đã giao quyền sử dụng đất(3).
Việc tập trung ruộng đất phải bảo đảm tự nguyện, cùng có lợi giữa người giao quyền sử dụng đất, đơn vị tiếp nhận và sử dụng ruộng đất sau khi tập trung và Nhà nước. Người giao quyền sử dụng đất phải được hưởng lợi ích kinh tế thỏa đáng và được tạo điều kiện để có thu nhập cho cuộc sống, không bị thất nghiệp. Đơn vị tiếp nhận và sử dụng ruộng đất đã tập trung phải được ổn định lâu dài để yên tâm thâm canh đầu tư và ứng dụng công nghệ cao nhằm thu lợi nhuận cao. Nhà nước tạo mọi thuận lợi cho việc tập trung ruộng đất và thu được mọi khoản theo quy định của pháp luật vào ngân sách.
Xác định quy mô sản xuất và quy mô tập trung ruộng đất từ nhu cầu có khả năng thanh toán trên thị trường. Phải điều tra kỹ năng lực kinh doanh và tiềm năng tài chính của đơn vị tiếp nhận quyền sử dụng đất, tránh tình trạng tập trung ruộng đất rồi bỏ hoang, hoặc sản xuất lớn nhưng không có điều kiện để chế biến và tiêu thụ, không tìm được thị trường, phải đổ bỏ hàng hóa và chịu thua lỗ khiến cả doanh nghiệp, người giao quyền sử dụng đất và Nhà nước đều chịu thiệt.
Dự báo trước hệ quả. Những cơ quan nhà nước có liên quan phải dự báo trước những hệ quả có thể xảy ra sau khi tập trung ruộng đất để có giải pháp thích hợp, không bị động, tránh gây ra những hậu quả xấu về xã hội, về môi trường,... Ví dụ, việc tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp thương phẩm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tất yếu dẫn đến dôi dư lao động, thừa lao động giản đơn, thiếu lao động lành nghề. Vậy ngoài trường hợp những người giao quyền sử dụng đất lại được tuyển dụng vào làm việc ngay trong đơn vị tiếp nhận và sử dụng ruộng đất tập trung, các cơ quan hữu quan của Nhà nước phải hỗ trợ việc đào tạo nghề cho những người lao động dôi dư để chuyển sang làm công nhân nông nghiệp hay công nhân trong công nghiệp và dịch vụ phi nông nghiệp./.
---------------------------------------
(1) “Giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân: Cách mạng trong sản xuất nông nghiệp”, Báo Tiền Phong, số 44, ngày 13-2-2012, và “Quản lý đất đai: Dễ làm sai, khó sửa”, Báo Tiền Phong, số 52, ngày 21-2-2012
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 3, tr. 384 - 385
(3) Trong bài “Tạo đà cho nông nghiệp công nghệ cao” đăng trên báo Hà Nội mới số 17233 ngày 11-2-2017, cho hay “Từ nay đến năm 2020 cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với khoảng 200 doanh nghiệp tham gia”, điều còn băn khoăn là, các khu nông nghiệp này có tuân theo tính đặc thù nói trên không hay dựa trên mô hình khu công nghiệp
GS. TS. Đỗ Thế Tùng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản