(Mặt trận) - Theo quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013; khoản 1, Điều 12 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì đối tượng giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội gồm: hoạt động của cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức nhà nước và đại biểu dân cử. Những quy định trên cho thấy phạm vi, đối tượng giám sát của các tổ chức này là rất rộng. Thực tế, cho đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân thực hiện vai trò giám sát chủ yếu ở hai lĩnh vực “dân chủ” và “dân sinh”; lựa chọn những vấn đề mà người dân đang quan tâm và còn bức xúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Nguồn: Đại Đoàn Kết Online
Kết quả giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội
Thứ nhất, thực hiện vai trò tham gia giám sát cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân)
Thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, trong những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cố gắng, chủ động tổ chức nhiều hoạt động giám sát như giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng,...
Trong các kỳ họp định kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp (6 tháng và cuối năm), các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị chính quyền cùng cấp quan tâm giải quyết những vấn đề thuộc về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và cả quyền dân sự, chính trị của người dân như: giải tỏa đền bù, tái định cư, vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, khám, chữa bệnh, học phí, bầu các chức danh chủ chốt của chính quyền cấp xã,.... Ngoài ra, các tổ chức này còn giám sát việc giải quyết những kiến nghị của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt ra trong kỳ họp Hội đồng nhân dân trước và nhắc lại tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tiếp theo nếu chính quyền chưa giải quyết (hoặc đã và đang giải quyết, nhưng chưa phản hồi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Một trong những nội dung giám sát được quan tâm thực hiện trong thời gian vừa qua là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các cơ quan nhà nước mà chủ yếu là Ủy ban nhân dân các cấp. Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã nghiên cứu kỹ để thực hiện chức năng giám sát và thể hiện chính kiến của mình khi kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực hoạt động của từng tổ chức.
Ngoài việc xử lý bình thường như nghiên cứu, lập phiếu chuyển, tại một số địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố còn tổ chức phòng tiếp dân với sự tham gia của một số luật sư nhằm trợ giúp pháp lý, giải thích pháp luật, hướng dẫn người dân khiếu nại đúng nơi có thẩm quyền. Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố còn trực tiếp tiếp dân để nghe người dân trình bày nội dung muốn khiếu nại, tố cáo mà không thể trình bày đầy đủ trong đơn, trên cơ sở đó có ý kiến, kiến nghị với chính quyền hoặc giải thích lại cho người dân nếu chính quyền đã giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Với những trường hợp chưa “thấu tình, đạt lý”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mời Ủy ban nhân dân đến làm việc và nghe trình bày trực tiếp để có ý kiến giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Đặc biệt trong giám sát việc bảo đảm quyền của người nghèo và của các nhóm yếu thế khác (người già, người khuyết tật,...), các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đóng vai trò nổi bật, kể cả trong việc đề xuất chủ trương, tổ chức thực hiện, như xây dựng những căn nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo, lớp học tình thương, hay trạm y tế thôn, bản,..., nhất là tại 62 huyện nghèo.
Thứ hai, thực hiện vai trò tự giám sát
Các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức giám sát nhiều công trình, dự án tại các địa phương mang tính chất phản biện xã hội, chẳng hạn việc giám sát dự án lọc nước Hồ Tây ở Hà Nội và dự án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân tại thành phố Hồ Chí Minh(1),.... Ở Hà Nội, sự giám sát và phản biện của Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam đã phát hiện các yếu tố không hợp lý của Dự án lọc nước Hồ Tây. Kết quả là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã không tiến hành thực hiện dự án tốn kém và không hợp lý này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã mời các chuyên gia, bác sĩ từng công tác trong ngành y tế tham gia phản biện. Kết quả, đề án này phải dừng lại do khó có thể đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của đại đa số người dân, nhất là dân nghèo và dân cận nghèo.
Việc giám sát đối với đại biểu dân cử được các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm nhằm bảo vệ quyền chính trị của người bầu cử, trong đó chủ yếu là giám sát việc tham gia tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Qua giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua Mặt trận Tổ quốc, thường có văn bản chính thức gửi Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, góp ý với các đại biểu Hội đồng nhân dân vắng nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhìn chung, các đại biểu Hội đồng nhân dân đã tiếp thu, điều chỉnh theo khuyến nghị qua việc giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển kinh tế, việc bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân ngày càng trở nên bức thiết. Trước tình hình trên, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân đã chủ động và tích cực thực hiện giám sát đối với những việc như giải tỏa đền bù, tái định cư, chăm lo đời sống của người dân tại nơi ở mới trong quá trình thực hiện các dự án giao thông, dự án công nghiệp và đô thị, ... Vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội cũng được đề cao và giữ vị trí ngày càng quan trọng trong việc giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp - khu chế xuất; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; giải quyết các vụ đình công của công nhân tại các khu công nghiệp và công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự, ....
Thứ ba, thực hiện vai trò vận động nhân dân giám sát ở cơ sở
Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng(2) quy định: người dân được khuyến khích theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư. Một trong những hoạt động giám sát cơ bản của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đoàn thể trong giai đoạn hiện nay, như các quy định trong Chương II của Quy chế - là tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng (Điều 7 đến Điều 11) ở cấp xã.
Các tổ chức chính trị - xã hội thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền: hướng dẫn, động viên cộng đồng tích cực thực hiện quyền giám sát đầu tư theo quy định của quy chế trên; tổng hợp, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các nội dung giám sát. Có hai cách thức thực hiện vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát đầu tư cộng đồng là: Thứ nhất, giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo yêu cầu của cộng đồng; Thứ hai, giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân.
Nhìn chung, hiệu quả nổi bật trong việc tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội là:
- Bảo vệ quyền có nhà ở, quyền chăm sóc y tế, quyền học tập của một bộ phận người nghèo, người có công với nước, người dân tộc thiểu số; bảo vệ quyền an sinh xã hội của phần lớn người dân thuộc diện thu hồi đất để xây dựng các công trình giao thông, khu công nghiệp, đô thị.
- Làm rõ việc gây cản trở, thậm chí xâm phạm đến quyền công dân, quyền con người do lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở; thu chi các loại quỹ, thuế, lệ phí; cấp các loại giấy phép, chứng thực xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; sử dụng ngân sách và các khoản đóng góp của nhân dân.
- Phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong một số văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị một số nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
- Phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội.
- Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và của chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức giải quyết những công việc trực tiếp liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
- Giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân, trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, không tôn trọng dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.
- Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, và trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Hạn chế, nguyên nhân và giải pháp
Về hạn chế, tuy có nhiều văn bản pháp luật đề cập đến vai trò và trách nhiệm giám sát của Mặt trận nhưng vẫn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có biện pháp chế tài thích hợp với việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết kết quả giám sát do Mặt trận Tổ quốc kiến nghị; thậm chí nếu có giải quyết thì chỉ mang tính chiếu lệ, từ đó làm cho người dân mất niềm tin vào nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị của mình là Mặt trận Tổ quốc.
Nguyên nhân của hạn chế: Một mặt, trong hầu hết các văn bản pháp luật hiện nay, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ mới dừng ở quy định có tính nguyên tắc về quyền năng giám sát, chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về cơ chế, chính sách, về quyền và trách nhiệm của chủ thể bị giám sát và chủ thể giám sát, về điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát, cơ chế tiếp nhận, giải quyết, xử lý vi phạm và trả lời cho chủ thể giám sát. Mặt khác, ở những lĩnh vực hoạt động giám sát tuy có cơ chế đầy đủ, rõ ràng, hoặc pháp luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện, nhưng việc xem xét, xử lý của cơ quan đối tượng giám sát không thực hiện đúng các quy định về thời hiệu giải quyết vụ việc, về việc trả lời kiến nghị.
Về giải pháp
- Quốc hội sớm ban hành Luật về giám sát của nhân dân, nhằm tạo hành lang pháp lý để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước.
- Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các nghị định, nghị quyết liên tịch giữa hai bên nhằm thực hiện Quy chế về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó cần có cơ chế bảo vệ những tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và người dân thực hiện giám sát nhằm bảo đảm quyền công dân.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động giám sát; chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới thực hiện tốt Luật Thanh tra nhân dân, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về giám sát đầu tư của cộng đồng, Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Quá trình thực hiện cần được tổng kết kinh nghiệm, có kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm thực hiện tốt các văn bản pháp luật quy định về hoạt động giám sát của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.
--------------------------------
(1) Theo http://www.mattran.org.vn, truy cập ngày 5-5-2014
(2) Xem: Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (được ban hành theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ)
Theo Thanh Hòa/Tạp chí Cộng sản