Xác định công tác giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

(Mặt trận) - Để trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2013-2021, làm cơ sở xây dựng Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, ngày 25/5, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bắt tay đại biểu tham dự Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực  Ban Dân vận Trung ương; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương; một số chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm; Ủy viên các Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nam.

 Chủ trì Hội thảo

Đề ra nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để Nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, là hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

“Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và khẳng định rõ vai trò của MTTQ trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, khoản 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân”. Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức… chịu sự giám sát của Nhân dân”. Từ Hiến pháp năm 2013, các Văn kiện Đại hội Đảng, gần đây nhất là Văn kiện Đại hội XIII và nhiều văn bản khác tiếp tục ghi nhận, khẳng định và nhấn mạnh rất rõ yêu cầu phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế - xã hội liên quan đến đời sống Nhân dân”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu thông tin.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu đề dẫn tại Hội thảo 

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng cho biết, tại Kết luận số 19 ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV chỉ rõ: “Phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.”. Như vậy có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và xác định công tác giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, kể từ khi ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị khóa XI, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội so với giai đoạn trước.

Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp cách tiến hành giám sát, phản biện xã hội như hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc; Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

 Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và kể cả một số cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn chưa đầy đủ,  chưa thống nhất, chưa đúng bản chất của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đôi khi, chưa phân biệt được về chủ thể, nội dung, tính chất giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và giám sát của MTTQ Việt Nam; chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và mối liên hệ mật thiết giữa việc triển khai tốt công tác giám sát, phản biện xã hội đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình.

Hiến pháp năm 2013, chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, đầy đủ nhưng thiếu nhiều cơ chế thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội; Công tác tác hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ còn chưa bài bản, chưa kịp thời, đầy đủ. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn chưa đồng đều, chưa có bộ máy cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác giám sát, phản biện xã hội...

"Chính bởi vậy, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” để tiếp tục lắng nghe các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương cho ý kiến thảo luận để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện các nội dung tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Từ thực tế triển khai, đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng đưa ra ý kiến nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, nâng cao lực, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

 Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật phát biểu tại Hội thảo

Đưa ra giải pháp để nâng cao hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức tư tưởng trong hệ thống chính trị, trong xã hội về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay với tính chất là thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

“Kiến nghị nhà nước ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội. Luật giám sát của nhân dân. Trong đó quy định mở rộng chủ thể của Mặt trận Tổ quốc là các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia giám sát. Ban hành Quy trình giám sát và phản biện xã hội; Quy định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức đối với việc phản hồi các kiến nghị sau giám sát và phản biện; Quy định chế tài đối với những vi phạm các quy định về giám sát, phản biện xã hội”, ông Đỗ Duy Thường nói.

Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chủ động, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, chính quyền xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm; đồng thời tập trung giám sát, phản biện xã hội những chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các chương trình, dự án, đề án về kinh tế, xã hội của địa phương…

Đặc biệt trong quá trình hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp phải huy động sự tham gia của nhân  dân, đoàn viên, hội viên, phóng viên của các cơ quan truyền thông nhà nước, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát. Để làm được điều này cũng cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, am hiểu nhiều lĩnh vực công tác; năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề; kỹ năng thực hành công tác giám sát và phản biện xã hội…

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm với ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, cần đánh giá lại lực lượng của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp để từ đó xây dựng các chương trình giám sát, phản biện xã hội một cách thực chất, không hình thức; vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam và tận dụng vị thế chính trị của chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam vào các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Đặc biệt cần sớm tổng kết các chương trình phối hợp giám sát giữa Mặt trận và một số cơ quan nhà nước trước đây.

Nêu ra đề xuất về số lượng các chương trình giám sát và cách làm, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng cần xác định các chương trình triển khai sao cho vừa sức, không dàn trải, lấy chất lượng làm chính. Theo đó, ở cấp Trung ương mỗi năm chỉ triển khi 2 - 3 chương trình giám sát; Cấp tỉnh triển khai 1 - 2 chương trình/năm; Cấp huyện: 01 chương trình/năm; Cấp xã: tập trung hướng dẫn chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát. Phạm vi giám sát cũng chỉ nên tập trung vào các chương trình, dự án, đề án được đầu tư xây dựng trực tiếp tại cộng đồng, có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở cộng đồng.

“Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tế mỗi địa phương để lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ định hướng chứ không áp đặt”, ông Nguyễn Văn Pha nêu rõ.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ động đề nghị các tổ chức thành viên phối hợp từ khâu xây dựng các chương trình, kế hoạch phản biện xã hội. Đặc biệt cần cải tiến nội dung và hình thức phản biện xã hội như lâu nay vẫn làm - chủ yếu là hình thức hội nghị, tăng cường các hình thức lấy ý kiến dưới dạng tham vấn công chúng, tham vấn chuyên gia để nội dung phản biện thực sự phản ánh hơi thở của cuộc sống chứ không phải sản phẩm của phòng lạnh.

Quang cảnh Hội thảo 

Từ thực thế triển khai tại địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, thời gian qua, hoạt động giám sát, góp ý của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp còn nhiều bất cập; Việc tiếp thu các ý kiến của nhân dân thông qua đối thoại còn mang tính hình thức, có nơi còn duy ý chí và mang tính áp đặt; Việc tiếp nhận và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chưa thực sự hiệu quả, còn để tồn đọng kéo dài, có nơi để xảy ra đơn thư, khiếu kiện vượt cấp; một số nơi còn thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, né tránh vai trò, trách nhiệm của cá nhân; Việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên ở nơi cư trú còn mang tính hình thức, còn biểu hiện nể nang, chưa phát hiện kịp thời, dẫn đến cán bộ, đảng viên vi phạm, bị lỷ luật; Việc thực hiện sau kết luận, giám sát, góp ý của MTTQ các cấp chưa hiệu quả, có những việc chính quyền các cấp chưa quan tâm giải quyết, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn kéo dài gây bức xúc trong nhân dân…

Đưa ra giải pháp để khắc phục những tồn tại nêu trên, ông Đàm Văn Huân cho rằng, cần tăng cường sự lãng đạo của các cấp ủy đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó cấp ủy các cấp cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc giữa cấp ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về công tác giám sát, phản biện xã hội; có Nghi quyết về công tác lãnh đạo chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của mặt trận; cần thiết cụ thể hóa bằng việc xây dựng Luật giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó cấp ủy Đảng cần chỉ đạo hệ thống chính trị tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến dân chủ cơ sở, giám sát, PBXH; Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng viên và tổ chức đảng; thực hiện tốt quy chế làm việc giữa Đảng với MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác giám sát.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân phát biểu tại Hội thảo 

“Cần nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy. Cấp ủy các cấp cần chú ý lựa chọn những đảng viên có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, biết tập hợp quần chúng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để lãnh đạo toàn diện công tác của tổ chức cơ sở đảng. Nhất là thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp Tỉnh; thí điểm mô hình Phó bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch MTTQ các cấp; đồng thời có cơ cấu phó chủ tịch MTTQ các cấp tham gia cấp ủy các cấp để tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với MTTQ.”, ông Đàm Văn Huân nói.

Cũng theo ông Đàm Văn Huân, giải pháp tiếp theo là cần chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp và tạo điều kiện cho công tác giám sát, PBXH, đặc biệt là tiếp thu, thực hiện các kiến nghị sau giám sát; Chỉ đạo hệ thống chính trị, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội theo hướng trọng tâm, thực chất, hiệu quả…

 Ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, để phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội thì cần nâng cao hiệu quả phối hợp và thống nhất hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Theo đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp chủ động xây dựng chương trình cả nhiệm kỳ, cụ thể hóa thành kế hoạch từng năm nhằm hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động về hoạt động giám sát và phản biện xã hội với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác có liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể; hằng năm đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm, có khen thưởng động viên kịp thời.

“Cần kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh, các Ban tư vấn của Uỷ ban MTTQ cấp huyện và cấp xã; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, văn hoá, giáo dục, kinh tế, tài chính... tham gia các hoạt động phản biện xã hội.”, Ông Lê Đức Kỳ nói.

Ông Lê Đức Kỳ cũng cho rằng cần bố trí nguồn lực cho MTTQ các cấp đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thông qua việc cấp ủy các cấp quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ; Có các giải pháp, cơ chế về tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu MTTQ các cấp…

Ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội thảo 

Để tiếp tục duy trì và thực hiện các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho rằng, MTTQ các cấp cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và hướng dẫn của MTTQ Việt Nam cấp trên, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm, phát huy tất cả các hình thức giám sát, PBXH; tập trung giám sát thông qua Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, giám sát cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở; theo dõi chặt chẽ, đeo bám, đôn đốc việc giải quyết, trả lời thực hiện kiến nghị sau giám sát, PBXH đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

“Cần phát huy vai trò, trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các trí thức, các chuyên gia, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền”, ông Nguyễn Hưng Vượng nêu rõ.

Cũng theo ông Nguyễn Hưng Vượng, cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương tiếp tục quan tâm đảm bảo điều kiện về tài chính, vật chất thực thi công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích cán bộ Mặt trận.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sớm ban hành Luật về hoạt động giám sát của nhân dân, trong đó có quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam vì hiện nay các văn bản của đảng, nhà nước phần lớn chỉ quy định chung về phạm vi, đối tượng, phương pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, còn thiếu các quy định cụ thể về các thức tổ chức thực hiện các hình thức giám sát và phản biện dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là việc giám sát tổ chức đảng và người đứng đầu, cũng như xác định dự thảo văn bản cần phản biện xã hội và trách nhiệm của các bên trong phản biện các dự thảo văn bản.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận Hội thảo 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh nội dung của Chỉ thị phải tăng cường nhận thức của các cấp ủy tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng chuyên đề giám sát, phản biện xã hội tránh hiện tượng dàn trải, rời rạc, từ đó phát huy được tiếng nói của Mặt trận đối với hoạt động này.

“Chỉ thị của Ban Bí thư cần chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan thực hiện kiến nghị của các cuộc giám sát phản biện xã hội và những kiến nghị nào không thực hiện được phải có phản hồi”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Cùng với việc phải đổi mới về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ Mặt trận có năng lực, có phẩm chất, bản lĩnh ngang tầm nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng khẳng định, Chỉ thị của Ban Bí thư quan tâm đến lãnh đạo chỉ đạo xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động. Trong đó quan tâm đến việc sửa đổi luật MTTQ Việt Nam, kiến nghị Nhà nước ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội, Luật giám sát của nhân dân; Quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, từ những ý kiến của đại biểu tham dự các Hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, Ban Soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo Đề án, Tờ trình, Chỉ thị để trình Đảng đoàn MTTQ Việt Nam; đồng thời gửi nội dung các Dự thảo xin ý kiến các ban, ngành, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội để hoàn thiện các văn bản này trước khi trình Ban Bí thư theo đúng tiến độ thời gian đề ra.