Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024-2029

(Mặt trận) - Sáng 1/8, tại Cung văn hóa tỉnh đã diễn ra phiên chính thức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Quang cảnh Đại hội

Dự Đại hội có ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hòa Bình; Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh; Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động Trần Văn Cường; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố; nguyên lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh các thời kỳ. Đoàn đại điểu Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình cùng 268 đại biểu tiêu biểu đại diện cho các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tham dự Đại hội.

10/11 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XV

Ông Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh khoá XV phát biểu khai mạc Đại hội. 

Đại hội đã thảo luận và thống nhất đánh giá, nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn thể hiện tinh thần quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, bám sát định hướng phát triển KT-XH địa phương, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đạt được những kết quả quan trọng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường, tạo nên sức mạnh to lớn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19.

MTTQ đã thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền vững mạnh. Tập trung triển khai có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động được đổi mới và nâng cao chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành nhu cầu thiết thực của người dân. Công tác an sinh xã hội ngày càng được mở rộng và thực chất, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng yếu thế với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

MTTQ các cấp cùng với các tổ chức thành viên đã có nhiều nỗ lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của mỗi thành viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân làm trọng tâm; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần giữ vững và nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

 Đại biểu tham dự Đại hội

Kết quả đã có 10/11 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XV đề ra, trong đó có những chỉ tiêu vượt gần 400% trong bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có trong tiền lệ của đại dịch Covid-19. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của MTTQ trong hệ thống chính trị; được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Nổi bật, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức 2.760 cuộc giám sát; 916 hội nghị phản biện xã hội. Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến trên 564.000 m2 đất, tham gia trên 1,1 triệu ngày công lao động; đóng góp, ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng… trị giá trên 125,5 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động ủng hộ được trên 99,6 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 1.867 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 415 nhà với số tiền trên 64,4 tỷ đồng; trao trên 28.600 suất quà Tết cho hộ nghèo trị giá gần 17,4 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế với số tiền trên 14,9 tỷ đồng. Ủy ban MTTQtỉnh đã ra Lời kêu gọi và phát động ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19; tiếp nhận gần 45 tỷ đồng tiền mặt, cùng trang thiết bị trị giá trên 37,7 tỷ đồng và kịp thời phân bổ, sử dụng trong công tác phòng chống dịch đảm bảo công khai, minh bạch; huy động sức người, sức của hỗ trợ các tỉnh phía Nam trên 476 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm và 3,2 tỷ đồng cho 10 tỉnh, thành phố khác…

Bên cạnh kết quả, Đại hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, yếu kém, rút ra 5 bài học kinh nghiệm. 

11 chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2024 - 2029

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Đại hội lẵng hoa và bức tranh Bác Hồ - Bác Tôn, biểu tượng vững chắc, truyền thống của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đề ra mục tiêu: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt để tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo trong Nhân dân; nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN. Thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác an sinh xã hội để mỗi người đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sơ; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ năng lực, phẩm chất, sáng tạo, tâm huyết, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

11 chỉ tiêu phấn đấu cụ thể hàng năm và cả nhiệm kỳ cũng đã được đề ra như: Hàng năm, phấn đấu 100% khu dân cư trong toàn tỉnh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cả phần lễ và phần hội; vận động, quyên góp ủng hộ xây dựng Quỹ "Vì người nghèo” toàn tỉnh đạt 10 tỷ đồng/năm; 100% hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được MTTQ các cấp hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết; MTTQ cấp tỉnh chủ trì tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát và MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ trì tổ chức ít nhất 1 chương trình, nội dung giám sát; MTTQ cấp tỉnh, 100% MTTQ cấp huyện, 95% MTTQ cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đơn vị yếu, kém; mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc tiêu biểu, điển hình, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng, phát triển KT-XH của địa phương, cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Đến cuối nhiệm kỳ, 100% khu dân cư đều hình thành tổ, nhóm hoạt động tự quản, góp phần xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; 100% MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động. Đến hết năm 2025, phối hợp xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh…

Với mục tiêu và các chỉ tiêu trên, Đại hội đã thống nhất đề ra 6 chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029. Trong đó có nội dung mới - chương trình số 6 "Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. 

Cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. 

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, Hòa Bình được biết đến là tỉnh miền núi, một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong tỉnh có nhiều dân tộc, trong đó dân tộc Mường là cư dân bản địa chiếm 64%, có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, với nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng đã kết tinh nên vẻ đẹp của vùng đất, con người Hòa Bình. Tự hào dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã dành được những thành tựu quan trọng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, Hòa Bình đang phấn đấu “đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước” theo Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 22/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tập trung đổi mới nhận thức, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, yếu kém; đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, năng lực tổ chức thực hiện đã góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân thực hiện chủ trương xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng văn minh, hiện đại. Với những kết quả trong hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên trong tỉnh đã góp phần quan trọng giữ vững địa bàn an toàn, thực hiện tốt mục tiêu kép về kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong phòng chống dịch COVID-19; Ổn định duy trì đà tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,81%; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, bền vững, đúng hướng; chú trọng kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững với phát triển văn hóa, xã hội, con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền.

"Những nỗ lực đó đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong đời sống xã hội, thực sự rất đáng trân trọng, phấn khởi, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để tỉnh Hòa Bình vững bước trên chặng đường tiếp theo", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ về những đóng góp cho công tác Mặt trận. 

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình trong nhiệm kỳ 2019-2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Từ thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn trong Nhân dân.

Nhấn mạnh công tác Mặt trận đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền địa phương mà nhất là các tầng lớp nhân dân, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, thời gian tới, đòi hỏi công tác Mặt trận tiếp tục thực hiện đầy đủ, toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định số 146-QĐ/TW ngày 14/5/2024 (quy định rất mới, có tính chất lịch sử) của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh (trong đó, thành viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh cũng được mở rộng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Mặt trận, trưởng các tổ chức chính trị xã hội, các đồng chí Tỉnh ủy viên tham gia Ủy ban Mặt trận). Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, (theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được nâng lên 1 bậc trong hệ thống các chức danh lãnh đạo).

"Những nghị quyết, chỉ thị nêu trên tiếp tục ghi nhận, khẳng định, cụ thể hóa vị thế của MTTQ Việt Nam và vị trí, vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng đó cũng là những yêu cầu, thách thức đặt ra ngày càng cao hơn đối với công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, tạo nền tảng và động lực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2030)", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị MTTQ tỉnh Hòa Bình cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với tình hình của tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.

"Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 6 chương trình hành động cũng như các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết, phù hợp với tình hình cụ thể của Tỉnh Hòa Bình. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.

 

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thấm nhuần quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm” cần thực hiện tốt yêu cầu “Cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân” làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.

Cùng với đó cần nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn nội dung góp ý, giám sát, phản biện xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; làm tốt việc góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực. MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động; hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan toả, sát hợp với thực tế. Nhiệm kỳ tới MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh cần tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động hướng tới xây dựng mỗi cộng đồng dân cư thật sự văn hóa, trong sạch, lành mạnh, tiến bộ; tập trung chăm lo tốt cuộc sống cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kịp thời biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, nhân tố mới, điền hình tiên tiến; tiếp tục củng cố, xây dựng, triển khai các mô hình tự quản tích cực, hiệu quả trong cộng đồng dân cư.

"Toàn hệ thống Mặt trận trong tỉnh cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Chủ động đề xuất tham mưu với cấp ủy, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, nâng cao vai trò chủ trì và hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên. Đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và uy tín, có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, cộng đồng trách nhiệm.", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị.

Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Đại hội. 

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đặt kỳ vọng lớn vào cách nghĩ mới, cách làm hay của MTTQ trong nhiệm kỳ mới

Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng và phát triển tỉnh "Đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước”. Với vai trò, trách nhiệm xã hội to lớn của mình, MTTQ và các tổ chức thành viên phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, tích cực đóng góp vào thực hiện thành các công mục tiêu cao cả đã đề ra.

Để công tác Mặt trận tiếp tục phát triển, có tác động sâu sắc, mang lại kết quả thiết thực, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đề nghị: Đặt tư tưởng "dân là gốc” làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở tất cả các cấp. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Đại hội. 

Tăng cường khối đại đoàn kết; mỗi cán bộ Mặt trận phải là hạt nhân đoàn kết. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn đặt niềm tin, kỳ vọng rất lớn vào cách nghĩ mới, cách làm hay của Mặt trận tỉnh trong nhiệm kỳ 2024 - 2029. MTTQ các cấp cần tiếp tục làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tiếp tục triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt triển khai thực hiện tốt 2 nội dung mới:Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025và chương trình xây dựng khu dân cư"Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.

Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt Đại hội. 

Đại hội đã hiệp thương cử 85 vị Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XVI đã hiệp thương cử các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực nhiệm kỳ 2024-2029. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XV được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XVI. Chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh gồm các đồng chí: Xa Đức Thọ, Sùng A Chênh, Triệu Việt Anh. Đại hội cũng đã hiệp thương cử 7 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.