(Mặt trận) - Công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ theo quy định của pháp luật; đồng thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tổ chức thành viên, sau đó báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội (ở Trung ương), thông báo tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp (ở địa phương) và gửi báo cáo đến cơ quan của Đảng, Nhà nước cùng cấp. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ những hạn chế, vướng mắc, bài viết đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.
|
Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam |
Trong những năm gần đây, kinh tế, vị thế đất nước ta đã có những bước phát triển rõ rệt; đời sống Nhân dân được nâng lên cả về giá trị vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta cũng nhận diện rõ bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có lúc, có nơi, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân chưa được bảo đảm. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc bảo đảm điều kiện để mọi người dân thực hiện quyền bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình, thì việc tìm kiếm các giải pháp để nâng cao năng lực tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh đến Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp... là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm thực hiện tốt 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra trong nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phán ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước là một nhiệm vụ tất yếu trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phán ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những cách thức thực hiện mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
Thực chất mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là cơ chế vận hành, quyết định hiệu quả sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả cơ chế này, Đảng cần không ngừng thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; Nhà nước không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mình để thực hiện đầy đủ, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương; Người dân thực hiện quyền làm chủ, có quyền bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, và các tâm tư, nguyện vọng đó được bảo vệ, tôn trọng và bảo đảm điều kiện thuận lợi để thực thi. Mục tiêu cuối cùng của tất cả các chủ trương, chính sách, pháp luật do Đảng và Nhà nước đặt ra và thực hiện là đem lại quyền lợi chính đáng cho Nhân dân và sự ổn định, phát triển của xã hội. Do vậy, việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thu thập, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng Nhân dân để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó phản ánh, kiến nghị và giúp Đảng và Nhà nước đề ra những chủ trương, đường lối, giải pháp cho cách mạng Việt Nam, cho công tác quản lý và phát triển đất nước được đúng đắn, hợp lòng dân là một nhiệm vụ tất yếu, là yếu tố căn bản tạo nên sự đồng thuận xã hội, là sợi dây kết nối vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần thực hiện hiệu quả mối quan hệ rường cột của hệ thống chính trị nước ta: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Nhiệm vụ này càng cấp thiết hơn khi Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đổi mới và nâng tầm cơ chế, mối quan hệ cốt lõi này, trong đó làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phán ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Việc Đảng, Nhà nước tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của người dân để phát huy những kết quả chỉ đạo, điều hành tích cực; kịp thời điều chỉnh, khắc phục những mặt còn khiếm khuyết, hạn chế trong xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật là việc cần được tiến hành thường xuyên, liên tục vì sự thay đổi, phát triển của nhu cầu con người, của xã hội là không ngừng, do đó, năng lực lãnh đạo, điều hành quản lý cũng cần không ngừng được hoàn thiện, nâng cao để đáp ứng.
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì Nhân dân còn gửi đến Mặt trận những mong muốn, kiến nghị góp ý về nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Đảng và Nhà nước. Đây là cách thức mà Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định pháp luật. Hoạt động này càng có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Do vậy, việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân vừa là quyền, vừa là trách nhiệm nhằm xây dựng và hoàn thiện một chính quyền, chính thể dân chủ ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thực trạng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng về tổ chức tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Trong các văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các nhiệm kỳ gần đây đều coi nhiệm vụ nắm bắt, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên, với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể được đề ra. Công tác này đã được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn đến Mặt trận các cấp. Trên cơ sở đó, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân từng bước đã đi nào nền nếp, chất lượng báo cáo tình hình Nhân dân và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua còn một số hạn chế, vướng mắc.
Thứ nhất, về vấn đề nhận thức, một số cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị, trong đó có cả cán bộ, công chức của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về chủ thể Nhân dân, vị trí trung tâm của Nhân dân trong phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền dân chủ, làm chủ của Nhân dân theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, từ đó chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở địa phương, đơn vị.
Đối với Nhân dân, mặc dù công tác tập hợp, tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đến Đảng và Nhà nước đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện trong thời gian dài, đã đi vào nền nếp và đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc các cấp, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy vẫn còn có một tỷ lệ lớn người dân biết không nhiều, thậm chí không biết đến chức năng, nhiệm vụ này của Mặt trận Tổ quốc (chiếm đến 37,4% số người được hỏi), đặc biệt ở đối tượng người kinh doanh, làm dịch vụ tự do (chiếm 51,2%) và đối tượng người trẻ, dưới 30 tuổi (62,5%)1. Do vậy, sự tin tưởng gửi gắm những ý kiến, kiến nghị của người dân để được phản ánh đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình và tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện quyền dân chủ qua hệ thống các cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn còn ở mức độ chưa cao.
Thứ hai, các quy định pháp luật về công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân hiện nay còn chưa thật đầy đủ, cụ thể, toàn diện để thực hiện bài bản về lĩnh vực công tác trọng tâm này của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù tính chất, tầm quan trọng của công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh đến Đảng và Nhà nước rất rõ và là một nội dung công tác trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc, song đến nay Hiến pháp chưa ghi nhận đây là một trong những chức năng biểu hiện rõ nhất vị trí, tính chất, vai trò của Mặt trận. Chức năng này mới chỉ được nêu ở cấp độ luật tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và quy định có tính nguyên tắc khung về công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, các văn bản hướng dẫn còn chưa hoàn thiện. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có một số quy định thực hiện công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, nhưng một số quy định chưa được hoàn thiện; các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác này cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về cơ chế thực hiện.
Thứ ba, chất lượng báo cáo tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của một số Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, thông tin phản ánh chưa kịp thời, thiếu trọng tâm. Qua khảo sát cho thấy: Hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn là hai kênh thông tin quan trọng và chủ đạo nhất trong việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (44,4% và 46,8%). Tuy nhiên, ý kiến, kiến nghị được tổng hợp theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới chỉ là ý kiến, kiến nghị của một số cử tri được chính quyền mời trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo định kỳ, không đầy đủ thành phần cử tri đại diện theo pháp luật.
Thứ tư, phương thức tổ chức thực hiện chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân chưa có quy định, quy trình cho cả hệ thống Mặt trận, dẫn đến tình trạng các địa phương chưa có sự thống nhất trong cách thức tập hợp, tổng hợp; việc ứng dụng công nghệ còn hạn chế, chủ yếu thực hiện tập hợp thủ công, thông qua các báo cáo; việc xử lý, phân loại các ý kiến, kiến nghị theo từng lĩnh vực chưa được đầu tư thích đáng, kinh phí thực hiện dành cho hoạt động này còn hạn chế, nhất là cơ sở. Một số hình thức hội nghị, phương thức lấy ý kiến, kiến nghị của Nhân dân do Mặt trận Tổ quốc chủ trì (hội nghị chuyên đề, diễn đàn, bàn tròn, báo chí, internet, khảo sát, điều tra xã hội học…) có hiệu quả, nhưng chưa được hướng dẫn thống nhất thành quy định cụ thể về các phương thức thực hiện. Ngoài ra, do quy định về quy chế cung cấp, phản ánh thông tin của một số địa phương nên việc tổng hợp, phản ánh theo hệ thống Mặt trận lên cấp trên cũng bị hạn chế, thiếu đầy đủ cả về số lượng và nội dung ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, nhất là đối với một số vấn đề, vụ việc bức xúc ở địa phương.
Thứ năm, việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị còn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và Nhân dân như: việc trả lời, giải quyết còn chậm, không đầy đủ, thậm chí không trả lời, không xử lý, cũng không giải trình nguyên nhân, không có cơ chế công khai cho Nhân dân biết... Qua khảo sát cho thấy: Đa số ý kiến của người dân được hỏi đều cho rằng việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân của các cơ quan được gửi ý kiến, kiến nghị phản ánh đến còn ở mức độ rất hạn chế. Chỉ có 36,2% ý kiến cho rằng các ý kiến, kiến nghị được tiếp thu và đóng góp nhiều cho xây dựng chính sách và có đến 57,4% ý kiến cho rằng kết quả xử lý, giải quyết còn mức độ, rất ít, thậm chí không biết thông tin về kết quả...
Việc theo dõi, giám sát, đôn đốc việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn thiếu cơ chế, quy định cụ thể, chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, kiên trì, có những kiến nghị qua nhiều kỳ vẫn chưa được giải quyết, trả lời dứt điểm... Qua khảo sát, đây là công tác bị đánh giá hạn chế nhất trong các nội dung công tác tiếp nhận, tổng hợp, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ sáu, công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với các tổ chức thành viên trong công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến của Nhân dân ở một số địa phương, cơ sở chưa thật chặt chẽ, đồng bộ và kịp thời; trong một số tình huống, sự việc còn bị động, lúng túng; cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân chưa có quy định cụ thể.
Thứ bảy, việc xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm, đội ngũ cộng tác viên nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến cử tri và Nhân dân chưa được triển khai đồng bộ, đầy đủ ở các địa phương. Tại nhiều địa phương, cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn này còn rất ít, năng lực còn chưa đồng đều và nhiều bất cập, phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Cơ chế hoạt động, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân chưa được đảm bảo đầy đủ.
Một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức, hệ thống và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp và quần chúng nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của các cơ quan trong hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung này không chỉ cần được quán triệt thường xuyên theo các kỳ quán triệt nghị quyết của Đảng mà cần nâng lên thành nội dung sinh hoạt chuyên đề của các cấp ủy Đảng cơ sở, trong hoạt động chuyên môn của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu các hình thức xử lý cụ thể đối với những cán bộ, đảng viên có vi phạm trong thực hiện quy định về tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền, chức trách được phân công đối với các ý kiến, kiến nghị của tổ chức và cá nhân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường quán triệt đến cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp phải thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhận thức được sâu sắc về vị trí, vai trò của tổ chức mình là nòng cốt trong việc tập hợp, động viên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo về Tổ quốc và trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân nhiệt tình, trách nhiệm tham gia đóng góp các ý kiến để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân (dưới nhiều hình thức, công cụ) để mọi người nắm vững quyền công dân trong việc phản ánh, kiến nghị là quyền cơ bản của mình do Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Nêu cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, Nhà nước và tham gia, đóng góp ý kiến có chất lượng, có trách nhiệm để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, cần có cơ chế biểu dương, ghi nhận những tổ chức, cá nhân tiêu biểu có những hoạt động, ý kiến có chất lượng tham gia vào quá trình xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, kiến nghị sửa đổi một số nội dung về chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng các cấp cần tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát về trách nhiệm, tầm quan trọng của việc lắng nghe, bảo vệ và thực hiện tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân của các cơ quan, tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị, không chỉ riêng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đề xuất với Đảng sớm ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về công tác này trong thời gian tới).
Trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến một số nội dung cụ thể sau:
Dưới góc độ Hiến pháp: Cần hiến định hóa chức năng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, trong đó có cả các hiến kế, để phản ánh với Đảng và Nhà nước (hiện đang mới chỉ được nêu ở cấp độ luật).
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có thêm các chương quy định về hoạt động tập hợp, phản ánh ý kiến Nhân dân (cùng với các chương khác quy định về hoạt động hiệp thương; hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành chính sách, pháp luật; và hoạt động đối ngoại nhân dân).
Nghiên cứu phân định rõ trách nhiệm tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến của Nhân dân đến Đảng và Nhà nước với việc thu thập, tổng hợp và báo cáo ý kiến, nguyện vọng của cử tri qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử đến cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp theo hướng: Trách nhiệm thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần quy về đầu mối các cơ quan thường trực Quốc hội, Hội đồng nhân dân tập hợp, tổng hợp các phản ánh của đại biểu và báo ra trước kỳ họp. Mặt trận Tổ quốc cần tập trung vào nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân (các giai cấp, tầng lớp nhân dân) để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Và việc này phải làm thường xuyên chứ không chỉ trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Để giúp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện các chức năng hiệp thương, phối hợp với cơ quan nhà nước tập hợp, phản ánh ý kiến và giám sát, phản biện xã hội, cần thiết phải lập ra các cơ cấu tổ chức thích hợp trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc như các Ban, Ủy ban chuyên đề bao gồm thành viên (mà chủ yếu là thành viên cá nhân tiêu biểu) theo lĩnh vực để nghiên cứu tổng hợp ý kiến Nhân dân và đề xuất ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc với Đảng và Nhà nước. Điều này, cần được xem xét trong quy định của Đảng về tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và thể chế hóa thành các quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đổi mới phương thức tổ chức và nội dung các hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cần nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử theo hướng tăng cường cả chiều sâu và chiều rộng của nội dung tiếp xúc cử tri. Mặt trận cần chủ động phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân xây dựng kế hoạch chi tiết (như: đối tượng mời được mở rộng, đảm bảo đủ đại diện thành phần cử tri theo luật, định hướng nội dung chuyên sâu, thời gian, điều kiện vật chất đảm bảo, phân công trách nhiệm tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, tiến độ thực hiện, truyền thông đầy đủ đến nhân dân trước, trong và sau các kỳ tiếp xúc…) và triển khai theo kế hoạch để đại biểu thực hiện tiếp xúc cử tri qua các phương thức đạt hiệu quả nhất.
Nâng cao hiệu quả các kênh thông tin lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (các Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc gửi cấp trên, hội nghị chuyên đề, diễn đàn, bàn tròn, qua báo chí, khảo sát, điều tra xã hội học…). Tăng cường việc lấy ý kiến và trao đổi thảo luận của các vị Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Đẩy mạnh hoạt động của các Hội đồng tư vấn, ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Bảo đảm bằng quy chế hoạt động đối với sự tham gia trách nhiệm của thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp khi bàn những vấn đề có liên quan để qua đó thể hiện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với Nhà nước trước các vấn đề đang đặt ra.
Hoàn thiện thể chế, tăng cường các cơ chế và nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn. Cần có cơ chế đầy đủ hơn về giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên đối với các cơ quan nhà nước về việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; quy định và thực hiện nghiêm túc việc thông báo định kỳ về kết quả giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện để Mặt trận biết và công khai đến Nhân dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, theo dõi kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Mặt trận Tổ quốc chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin để theo dõi việc tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân nhằm tránh bỏ sót, trùng lặp nội dung hoặc những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời, nhưng do người dân không tiếp cận được thông tin nên lại tiếp tục nêu các kiến nghị, phản ánh.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong tiếp nhận, chuyển tải và xem xét, xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
Việc nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp biểu hiện trước hết ở việc chính quyền các cấp bảo đảm điều kiện bố trí về cơ sở vật chất, nguồn lực để Mặt trận Tổ quốc thực hiện được đầy đủ, chất lượng các nội dung công tác của mình, trong đó có công tác tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương, quy định pháp luật nói chung về quản lý, sử dụng nhân sự, ngân sách, cơ sở vật chất, mỗi địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực phù hợp, đảm bảo cho Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt nội dung công tác này.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong hoạt động giữa chính quyền (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) với Mặt trận Tổ quốc; giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc, trong đó có các trách nhiệm cụ thể thực hiện việc cung cấp thông tin, phản ánh và xử lý thông tin về ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, của đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hằng năm cần tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện cơ chế phối hợp để rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quan hệ phối hợp nếu việc thực hiện không đạt kết quả yêu cầu.
Đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp tham gia công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đổi mới tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực sự mạnh để nâng cao chất lượng của việc tập hợp, tổng hợp và theo dõi, giám sát, đôn đốc việc cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Cần thiết phải chuyên nghiệp hóa theo vị trí việc làm, bố trí đủ cán bộ, công chức làm công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ. Trong bộ máy của cơ quan thường trực Mặt trận Tổ quốc các cấp cần có bộ phận thường trực tiếp nhận và phân tích các thông tin dân nguyện cũng như các vấn đề nóng liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp mà người dân quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn, mạng xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cần tăng cường tập huấn cho cán bộ các cấp về công tác này để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, bảo đảm chất lượng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và theo định kỳ tổng kết công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại hạn chế, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận trong việc thực hiện những chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân ủy thác, giao phó, trong đó có nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp và phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đến các cơ quan Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng, to lớn trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hiện dân chủ, xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh. Trước những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, nhằm phát huy những kết quả đạt được, nhất là khắc phục cho được những hạn chế, bất cập, trong thời gian tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục không ngừng thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mình, trong đó có công tác tập hợp, tổng hợp và phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh, trách nhiệm lịch sử được Đảng và Nhân dân giao phó.
Chú thích:
1. Các số liệu được dẫn trong bài viết lấy từ Báo cáo khảo sát, điều tra xã hội học thuộc Đề tài “Nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, năm 2021, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phùng Khánh Tài - ThS, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam