Vượt ‘chướng ngại’ nhờ dân vận khéo – Bài 2: Đẩy lui rác thải, tạo vẻ đẹp cảnh quan

(Mặt trận) - Rác thải luôn là vấn đề nan giải ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn. Các địa phương đều nhiều lần ra quân nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Tuy nhiên, từ việc vận động nhân dân, nhất là chị em phụ nữ tạo những đường hoa, vườn hoa, đường bích hoạ, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đẩy lùi được rác thải, rác tường, tôn tạo cảnh quan; đồng thời, lại không tiêu tốn ngân sách. Khi tìm ra hướng đi đúng, khi cán bộ đồng hành với nhân dân, thì hễ “vận” là dân “động”.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Khánh thành con đường bích họa tại ngõ 36 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân. 

Lấy cái đẹp “trị” cái xấu

Bất kỳ ai đi dọc triền đê Nguyễn Khoái thuộc địa bàn các phường Thanh Trì, Trần Phú, Lĩnh Nam (Hà Nội)… đều ngỡ ngàng khi thấy những vườn hoa nối nhau dài ngút tầm mắt. Cách đây vài năm, những tuyến đê này đều là nơi đổ rác thải, hoặc cây cối um tùm. Mọi việc đổi thay từ khi các đoàn thể, với vai trò chủ lực là Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội các cấp triển khai mô hình dân vận khéo “biến chân rác thành vườn hoa”, duy trì trật tự văn minh đô thị.

Điển hình trong đó phải kể đến địa bàn phường Thanh Trì. Những điểm nóng rác thải ở đê Nguyễn Khoái được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể nhiều lần ra quân dọn dẹp. Nhưng sau một thời gian, mọi việc lại đâu vào đấy.

Cuối năm 2017, phường Thanh Trì triển khai chỉnh trang mái đê, nhổ sạch cỏ dại, thu gom rác thải và trồng hoa. Khi triển khai, mọi người băn khoăn không biết liệu có đi vào “vết xe đổ” trước đây không. Hàng nghìn ngày công được huy động, cùng với đó, chị em phụ nữ đóng góp, vận động để mua các loại hoa trồng trên mái đê. Chỉ một thời gian ngắn sau, những luống hoa vươn lên xanh tốt. Mọi người bảo nhau nhắc nhở những người thiếu ý thức về việc đổ rác thải. Vườn hoa đẹp lên, cộng đồng ủng hộ. Mọi người trở nên tự giác đổ chất thải đúng nơi quy định. Từ nơi “muốn tránh”, tuyến đê trở thành nơi “muốn đến”.

Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Hoàng Thị Minh Huệ cho biết: “Nhờ sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể mà toàn bộ điểm đen trên địa bàn được xoá sạch. 2,5 km đê trở thành 2,5 km vườn hoa”. Với những mô hình dân vận khéo, quận Hoàng Mai đã trồng được 8,4 km “đê hoa”. Không chỉ tuyến đê, khắp các địa bàn quận Hoàng Mai đều xuất hiện những “vườn hoa mini” khi chị em phụ nữ triển khai như các vườn hoa tại phường Định Công, Thịnh Liệt, Đền Lừ…

Phong trào “đẩy lui rác thải” bằng những vườn hoa, xây dựng đô thị xanh, sạch đẹp cũng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn quận Long Biên. Khắp nơi đều có những mô hình hay như: Phường Giang Biên chăm sóc, cải tạo hoa, cây xanh trên phố Lưu Khánh Đàm, vườn hoa ao Ươm; phường Phúc Đồng xây dựng vườn hoa chợ Phúc Đồng, vườn hoa đường dẫn lên cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh; phường Long Biên có vườn hoa ở Tổ dân phố 23, cải tạo mái đê sông Hồng...

Những địa bàn phong trào “biến chân rác thành vườn hoa” phát triển còn phải kể đến Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm… Riêng quận Hà Đông xoá được khoảng 250 điểm đổ rác, biến thành vườn hoa và nơi sinh hoạt cộng đồng.

Cách đây hơn mười năm, Hà Nội biến tuyến đường đê thành đường gốm sứ. Điều đó đã gợi ý cho nhiều địa phương trang trí những bức tường bằng tranh. Phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) là một thí dụ điển hình. Những “ngõ bích hoạ” bắt từ sáng kiến của Chi bộ Tổ dân phố số 5 của phường. Tổ dân phố số 5 cũng từng là địa bàn rác thải và rác tường “hoành hành”. Chi bộ, tổ dân phố số 5 thống nhất chọn cách xóa chân rác bằng những bức tranh tường, triển khai vận động các đoàn thể, nhân dân trong tổ dân phố hưởng ứng.

Bà Lê Thị Quy, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 chia sẻ: “Không phải ai cũng đồng ý vẽ tranh lên tường nhà... Nhưng sau khi một số bức hình thành, mọi người thấy đẹp rồi nhiệt tình hưởng ứng bằng cách góp công, góp của. Chúng tôi thuê người vẽ nên các bức tranh cũng chất lượng hơn”.

Phường Quan Hoa có tới 5 bức tường tranh. Những bức tranh mang các chủ đề như không gian vườn hoa, phố cổ… đến cảnh sắc vùng quê với dòng sông, đồng lúa, mái đình đã làm các con ngõ thêm sống đống. Đó chỉ là một trong số rất nhiều “tuyến phố tranh” hay “con ngõ tranh” đẩy lui rác thải.

Đường quê “toả sáng”

Không chịu “thua chị kém em”, cảnh quan môi trường khu vực ngoại thành cũng có nhiều đổi mới trong thời gian qua. Do đặc thù ngoại thành, nhiều địa bàn chọn làm đẹp cảnh quan, môi trường bằng những đường hoa.

Tại huyện Đông Anh, từ năm 2016, Hội LHPN huyện đã phát động phong trào “mỗi xã một tuyến đường hoa”. Xã Bắc Hồng vốn là một xã nghèo của Đông Anh, Hội LHPN xã đã chọn tuyến đường liên xã Bắc Hồng - Vân Nội, nằm trên địa bàn thôn Mỹ Nội để làm điểm.

Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Nội đã huy động chị em dọn dẹp rác, gạch, phế thải rồi đổ đất màu. Chị em người bỏ tiền mua, người đi xin các loại hoa về trồng. Nhiều nhất là hoa mười giờ, hoa chiều tím. Chỉ một thời gian sau, cây bén rễ, hoa trổ bông, con đường quê bỗng trở nên “hút khách”, nhiều người đi ngang qua phải dừng lại chụp hình.

Từ tuyến đường này, chỉ riêng thôn Mỹ Nội có thêm hai tuyến đường nữa, tổng số đường hoa trên địa bàn lên tới hơn 2 km. Cùng thời gian ấy, phong trào “đường nở hoa” được triển khai rộng rãi khắp các thôn, xã trên địa bàn huyện Đông Anh. Những xã triển khai tốt có thể kể đến như: Đông Hội, Hải Bối, Vân Nội, Nam Hồng… Đến nay, Đông Anh duy trì được hơn 100 đoạn đường phụ nữ nở hoa, 12 đoạn đường bích họa…

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, để chủ động về nguồn cây, hoa giống, Hội LHPN huyện Đông Anh đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện triển khai thực hiện mô hình “Vườn ươm” tại 24 xã, thị trấn, mỗi vườn ươm có diện tích từ 500m2 đến hơn 1.000m2.

Không chỉ những huyện ven đô như Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức… những huyện “vùng xa” của Hà Nội cũng thay đổi diện mạo từ những “đường hoa”. Xã Minh Tân (Phú Xuyên) nổi tiếng với những đường hoa mười giờ. Công cuộc “làm mới” diện mạo làng quê bắt đầu từ năm 2016. Ai cũng nghĩ sẽ không dễ triển khai ở vùng quê nghèo. Nhưng khi người dân hiểu ý nghĩa, hễ “vận” đến đâu là “động” đến đấy. Đại diện lãnh đạo xã Minh Tân tự hào cho biết, khi phong trào phát triển thì người dân tự tìm những ô đất trống để cải tạo làm vườn hoa. Các xã như: Khai Thái, Chuyên Mỹ, Nam Triều, Phú Túc… đều có những vườn hoa, đường hoa rất đẹp.

“Thêm một bông hoa, bớt một túi rác” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều người. Các địa phương sau khi duy trì được đường hoa, đều xây dựng nền nếp dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng, nơi công cộng (thường vào ngày chủ nhật giữa tháng và cuối tháng) gắn với việc nhặt cỏ, chăm bón hoa. Bản thân các địa phương, cán bộ xã, thôn trực tiếp tham gia cùng nhân dân khiến nhân dân có thêm động lực. Nông thôn mới đã đem lại sức sống mới cho khu vực ngoại thành. Trong đó, không thể không kể đến những con đường nở hoa vươn xa khắp các ngõ xóm.