Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

(Mặt trận) -Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Nam Định và các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Quyết tâm hoàn thành tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra

Vai trò của tự quản trong cộng đồng xã hội và một số giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của tự quản trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam

Vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định) tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp đã lựa chọn và xây dựng kế hoạch giám sát để báo cáo thường trực cấp ủy cùng cấp. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân quan tâm. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì giám sát được trên 10 nghìn cuộc, trong đó cấp tỉnh giám sát 14 cuộc, cấp huyện giám sát 137 cuộc, cấp xã giám sát được gần 10 nghìn cuộc; đẩy mạnh hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nội dung giám sát chủ yếu trên các lĩnh vực: Việc sử dụng đất đai tại cấp xã; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ nhà Đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân; các khoản thu chi của các nhà trường; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều nội dung giám sát của MTTQ các cấp đã mang lại kết quả tích cực, giúp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời khắc phục những thiếu sót, giúp cho các cấp ủy, chính quyền các địa phương kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập trong thực thi nhiệm vụ.

Cùng với đó, bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Tổ chức khảo sát trực tiếp đối với người dân được chọn của dự án PAPI về chỉ số hiệu quả dịch vụ công cấp tỉnh các khu dân cư của 10 xã thuộc 4 huyện và thành phố Nam Định với tổng số 824 người dân tham gia. Thực hiện chương trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của MTTQ Việt Nam, hàng năm, MTTQ các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thường xuyên duy trì các kênh thông tin, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân về hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và đảng viên để kiến nghị cấp ủy, chính quyền cùng cấp kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. MTTQ các cấp còn tích cực phối hợp tuyên truyền, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó chú trọng đến thực hiện các nội dung: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, công tác họp dân và tham gia giới thiệu, tổ chức bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bầu Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; việc triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố giai đoạn 2021-2022, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025. Công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định của pháp luật được Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tốt. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận 214 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; qua nghiên cứu, xem xét đã chuyển 47 đơn thư, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết, lưu 167 đơn thư.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, từ năm 2019-2024, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên đã tổ chức 131 hội nghị với 3.599 lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp (nhiệm kỳ 2020-2025) và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nghị quyết đại hội đảng các cấp đến các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên. Công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai thực hiện tốt. Nhiều đơn vị tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức tốt các hội nghị đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tiêu biểu như huyện Xuân Trường, Hải Hậu; hàng tháng, hàng quý tổng hợp báo cáo phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi đến cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp; báo cáo, phản ánh với thường trực cấp ủy tại các hội nghị giao ban định kỳ khối dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó giúp cấp ủy, chính quyền kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. MTTQ các cấp còn tích cực tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước các kỳ họp của Quốc hội và HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã nghiên cứu tham gia góp ý đối với hàng trăm dự thảo luật, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Đây là những cơ chế, chính sách lớn về kinh tế - xã hội được Mặt trận quan tâm, tập trung nghiên cứu và tổ chức phản biện nhằm đảm bảo khi nghị quyết, quyết định, kế hoạch thông qua và tổ chức thực hiện được sự đồng thuận của nhân dân. Điển hình như năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đã tổ chức 237 hội nghị trực tiếp đóng góp và tiếp nhận 21.347 lượt ý kiến góp ý của nhân dân…

Để góp phần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, ngày càng hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm nhân dân thật sự phát huy quyền làm chủ, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

H.L