MTTQ tỉnh Trà Vinh: Chú trọng tổ chức và phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) - Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh đã chú trọng tổ chức và phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH), qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Triết giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 

Từ sự quan tâm của Đảng, công tác phối hợp của chính quyền

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành một số văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội như: Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 14/3/2014 “về việc triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI)”; Kế hoạch số 15/KH-BTV ngày 29/4/2014 về triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 5628-QĐ/TU ngày 03/4/2020 ban hành Quy định “về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận sau giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”…

Cấp ủy Đảng xem hoạt động GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết hàng năm, nhất là trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và công tác phối hợp giữa chính quyền đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Hàng năm đều xem xét và cho ý kiến bằng văn bản về chủ trương đối với kế hoạch GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội để đảm bảo tính nguyên tắc trong triển khai hoạt động GS, PBXH theo quy định.

Các cấp chính quyền phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình phối hợp thống nhất hành động, nhất là công tác GS, PBXH; các cơ quan nhà nước chủ động đề xuất MTTQ Việt Nam góp ý, PBXH đối với những dự thảo văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; chỉ đạo các ngành chức năng tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của MTTQ Việt Nam sau GS, PBXH; phối hợp trả lời, làm rõ những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân qua các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Đến vai trò của chủ thể của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên

Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng; nhận thức rõ hơn về vị trí của mình, MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng chủ động phát huy quyền và trách nhiệm trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đặc biệt là trong công tác GS, PBXH nhằm góp phần tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, hoạt động GS, PBXH của MTTQ Việt Nam các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung giám sát đi vào những vấn đề được đông đảo Nhân dân quan tâm, kiến nghị; được triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cấp, từng địa phương; đảm bảo sự hài hòa cho cả chủ thể và đối tượng được giám sát. Phản biện xã hội đạt được những kết quả bước đầu và ngày càng đi vào trọng tâm. Từ năm 2014 đến năm 2021, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 1.506 cuộc giám sát (cấp tỉnh 35, cấp huyện 204, cấp xã 1.267) và 498 cuộc phản biện xã hội (cấp tỉnh 19, cấp huyện 48, cấp xã 431 cuộc); trong đó, có nhiều nội dung GS, PBXH được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và được Nhân dân đồng tình ủng hộ như: Giám sát công tác tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68 của Chính phủ); cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện các quy định trong hỗ trợ đồng bào dân tộc chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh... Phản biện dự thảo của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và dự thảo Chương trình phát triển kinh tế đô thị tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 – 2025; dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách “Hỗ trợ nghỉ việc, dôi dư, thai sản, mai táng phí đối với Phó Trưởng Công an xã, Công an viên; Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; ấp, khóm đội trưởng; hoạt động không chuyên trách và những người tham gia công tác ở ấp, khóm; những người tốt nghiệp đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn và Hợp tác xã nông nghiệp”; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021- 2025…, qua đó góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Những khó khăn, bất cập và một số giải pháp trong thời gian tới

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh (và các tổ chức chính trị-xã hội) thời gian qua còn một số khó khăn, bất cập. Nội dung, phạm vi GS, PBXH rất rộng nhưng năng lực, trình độ của cán bộ Mặt trận ở một vài nơi còn hạn chế; điều kiện hoạt động của Mặt trận còn nhiều khó khăn, nhân lực ít trong khi khối lượng công việc của Mặt trận ngày càng nhiều. Nhận thức về chức năng GS, PBXH của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thực sự coi trọng nhiệm vụ này của Mặt trận và các tổ chức thành viên như các văn bản của Đảng và Nhà nước quy định; một số cơ quan gửi văn bản đề nghị PBXH thời gian quá gấp rút hoặc mang tính hình thức, chưa đảm bảo cho Mặt trận trong việc nghiên cứu và tổ chức PBXH như yêu cầu đặt ra; việc giải quyết các kiến nghị sau GS, PBXH dù được quan tâm, tuy nhiên từng lúc, từng nơi còn chậm so với yêu cầu, thậm chí không có sự phản hồi cho chủ thể GS, PBXH...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới, về giải pháp chung, Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang phối hợp cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu xây dựng nghị quyết của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tỉnh Trà Vinh đến năm 2025” nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; còn riêng về hoạt động GS, PBXH, thời gian tới tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về mục đích, tính chất, nguyên tắc GS, PBXH; quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác GS và PBXH theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị) và các văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan; đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, công tác phối hợp của chính quyền trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên và đột xuất.

Hai là, UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội rà soát những nội dung, lĩnh vực mà cử tri và Nhân dân quan tâm để xây dựng kế hoạch GS, PBXH hàng năm; đồng thời chủ động giám sát đột xuất những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm và kiến nghị, lựa chọn phản biện những dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam bằng các hình thức phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống bệnh Covid-19 và điều kiện thực tế của từng địa phương, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận; đặc biệt, trong tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy trình hướng dẫn của Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức GS, PBXH của MTTQ Việt Nam.

Ba là, chú trọng công tác hậu GS, PBXH, nhất là theo dõi, đi đến cùng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các kiến nghị sau GS, PBXH; đồng thời mạnh dạn kiến nghị làm rõ trách nhiệm đối với những vấn đề có liên quan theo Quy định “về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận sau giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” ban hành kèm theo Quyết định số 5628-QĐ/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bốn là, tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao lực, kỹ năng GS, PBXH cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; đồng thời tranh thủ và phát huy vai trò, trách nhiệm của các Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, những người làm công tác tư vấn, lực lượng cốt cán, người uy tín, sự đồng hành của Nhân dân trong tham gia GS, PBXH, nhất là góp ý, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 và Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Năm là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra kết quả hoạt động GS, PBXH của MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã nhằm đánh giá vai trò tham mưu, năng lực nghiên cứu và tổ chức thực hiện của MTTQ Việt Nam các cấp; kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế; hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; đồng thời biểu dương, phát huy những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả để từng bước nâng cao hiệu quả công tác GS, PBXH.

Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, đòi hỏi nhiều ở trình độ, năng lực, khả năng nghiên cứu và tính chủ động của đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp. Song, đây cũng là trách nhiệm và vinh dự mà MTTQ Việt Nam được Đảng, Nhà nước tin tưởng và đặt niềm tin, được Nhân dân tín nhiệm gửi gấm. Mong rằng, đội ngũ cán bộ và cả hệ thống MTTQ Việt Nam trong tỉnh sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, “quyết tâm, quyết làm và làm có hiệu quả” chức năng, nhiệm vụ được giao để MTTQ Việt Nam xứng đáng là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; thực sự là cấu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.