Lựa chọn những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm, bức xúc để giám sát

(Mặt trận) - Nhằm đánh giá kết quả hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã ký ban hành báo cáo số 577/BC-MTTW-ĐCT, báo cáo nêu rõ, thời gian qua, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp hơn, trong đó tập trung lựa chọn những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm, bức xúc; đồng thời khẳng định, việc chủ động, triển khai sớm kế hoạch triển khai đã giúp cho các hoạt động giám sát, phản biện năm 2022 được thực hiện khá đầy đủ, cơ bản đảm bảm chất lượng.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội  

Linh hoạt, chủ động trong triển khai các chương trình giám sát

Từ sau kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai 10 nội dung giám sát theo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022.

Theo đó, MTTQ Việt Nam chủ trì giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên (theo Quy định số 124); Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ; Giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp thông qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; Giám sát việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư công trình trọng điểm Quốc gia về giao thông.

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan hữu quan.

Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chủ trì giám sát 5 nội dung: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp và việc thực hiện Quy chế dân chủ nơi làm việc trong doanh nghiệp; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì giám sát việc quản lý sử dụng đất trồng lúa, chính sách tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện các quy định của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa về hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh và Nghị định số 157/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh.

Tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài

Tính từ sau kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.320 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, trực tiếp tiếp 48 lượt công dân. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phân loại, xử lý và ban hành 28 văn bản hướng dẫn khiếu nại; 27 văn bản chuyển đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Đối với giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì giám sát 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo: Giám sát việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Thanh Hải, trú tại Phòng 1505 CT1 KNO và TTTM Hà Cầu, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội liên quan đến việc bị khởi tố, truy tố oan sai về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 của Bộ Luật hình sự năm 1999 (Điều 174 của Bộ Luật hình sự năm 2015); Giám sát việc giải quyết đơn của bà Phạm Thị Lan, trú tại số 77/59/23 Nguyễn Chích, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và một số thành viên khiếu nại Quyết định số 3448/QĐ-UB ngày 01/8/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc giải quyết đơn khiếu nại đất đai của ông Phạm Em tại 218 đường Đồng Nai, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang; Giám sát việc giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Thu, trú tại số 171 đường 2/4, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Trương Thị Tiểu, thửa đất có địa chỉ số 69 đường 2/4, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Giám sát việc giải quyết khiếu tố của nhân dân 03 xã Xuân Quan, xã Phụng Công, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và triển khai dự án Ecopark trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và một số nội dung khác; Giám sát việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án sân bay Long Thành.

Sau khi thực hiện giám sát, Đoàn giám sát đã có báo cáo kết quả giám sát gửi các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng đối với ông Phạm Thanh Hải với thời gian gần 7 năm đến nay vẫn chưa kết thúc, có dấu hiệu vi phạm quy định về pháp luật tố tụng hình sự; đây là vụ án hình sự phức tạp kéo dài, ảnh hưởng tới nhiều cá nhân, tổ chức và được dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Ban Nội chính Trung ương đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc

Đối với giám sát vụ việc của một số công dân 03 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên liên quan đến Dự án Ecopark, tỉnh Hưng Yên, sau khi xem xét đơn khiếu nại của công dân, thực hiện nghiên cứu hồ sơ, các văn bản liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật, xem xét, giải quyết nguyện vọng của một số công dân 03 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên liên quan đến Dự án Ecopark, tỉnh Hưng Yên. Đối với 2 vụ việc khiếu nại của công dân tại tỉnh Khánh Hòa, Ban Thường trực đã phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Ban Thường trực đã ban hành văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc. Trong thời gian tiếp theo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiến nghị việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc, bảo đảm quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.

Nhìn chung, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện triển khai giám sát bằng nhiều hình thức, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua giám sát, Ban Thường trực và các tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời có những kiến nghị cụ thể gửi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Các nội dung kiến nghị sau giám sát được Chính phủ kịp thời có văn bản phúc đáp và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện.

Hoạt động giám sát đã tăng cường phát huy sự cộng tác, tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, tích cực phát huy sức mạnh của toàn hệ thống, sự tham gia của thành viên các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn nên chất lượng giám sát được nâng cao rõ rệt. Việc phát huy vai trò của báo chí để thực hiện tuyên truyền, lan tỏa về hoạt động giám sát, đặc biệt là công khai kết quả giám sát của Mặt trận các cấp được quan tâm, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, ghi nhận.  

Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy được vai trò chủ động trong hoạt động giám sát, tập trung vào giám sát cụ thể, phát huy tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên, hội viên của tổ chức mình trong hoạt động giám sát; phát huy có hiệu quả vai trò của đoàn viên, hội viên, người có uy tín, kinh nghiệm tham gia công tác giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của các tổ chức thành viên của Mặt trận.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Nội dung báo cáo nêu rõ, trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục hoàn thành các nội dung về giám sát và phản biện xã hội năm 2022, bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả. Thực hiện đánh giá nghiêm túc kết quả công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2022 và chủ động, tích cực phối hợp xây dựng, ban hành kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động giám sát và phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, chủ động, kịp thời giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên của Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề Nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng giám sát theo chuyên đề, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Nội dung báo cáo cũng đề cập tới nhiệm vụ chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể công tác giám sát năm 2023, phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; quá trình triển khai cần bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; nâng cao chất lượng, phát huy các hình thức giám sát, chú trọng giám sát đột xuất, giám sát văn bản, theo dõi, đôn đốc, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện những kiến nghị sau giám sát của Mặt trận.

Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tính chủ động, sáng tạo, thực hiện linh hoạt các hình thức giám sát, tăng cường giám sát theo chuyên đề, huy động sự tham gia của toàn hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ; nâng cao chất lượng văn bản kiến nghị sau giám sát; quan tâm theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền đối với việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát; công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội trên các phương tiện thông tin, báo chí.

Tăng cường sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, chú trọng việc phối hợp giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp nhằm tạo ra cơ chế giám sát đồng bộ, hiệu quả giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước với giám sát xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nội dung báo cáo xin tải tại đây