Đồng Tháp: Hiệu quả từ hoạt động giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) - Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Tháp đã từng bước đi vào thực chất và đạt kết quả tích cực, qua đó, thể hiện rõ nét vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát giảm nghèo trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp)

Nâng “chất” các hoạt động

Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh Đồng Tháp được triển khai thực hiện đạt nhiều hiệu quả tích cực, đúng quy định pháp luật. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu và nâng cao hơn về chất. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội đồng bộ, bài bản có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Theo đó, từ năm 2013 - 2021, Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì 63 cuộc giám sát; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì 112 cuộc; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã chủ trì giám sát hơn 1.110 cuộc; Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn tham gia giám sát trên 8.320 cuộc trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để đẩy mạnh các hoạt động giám sát, nhất là giám sát công tác giảm nghèo, Ủy ban MTTQ các huyện đã quán triệt tinh thần hướng dẫn của Ủy ban MTTQ tỉnh để đưa ra cách thức phù hợp trong triển khai, thực hiện.

Tiêu biểu như Ủy ban MTTQ thành phố Cao Lãnh đã làm tốt công tác vận động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Trong năm 2021, nhờ làm tốt công tác vận động, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” huyện đã nhận được sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số tiền trên 18 tỉ đồng.

Ông Lê Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Cao Lãnh cho biết: “Để đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là công tác chăm lo cho người nghèo, hệ thống MTTQ thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác vận động Quỹ vì người nghèo. Thông qua nguồn quỹ huy động được, MTTQ các cấp của thành phố đã tổ chức nhiều hình thức chăm lo thiết thực; đồng thời có cách thức giám sát phù hợp để đảm bảo người nghèo được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Không riêng thành phố Cao Lãnh, từ nhiều năm nay, huyện Lai Vung cũng đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện. Trong năm 2021, Ủy ban MTTQ huyện đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện giám sát công tác an sinh xã hội.

Đặc biệt là vận động tặng quà, cất nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp người nghèo, khó khăn vươn lên, ổn định đời sống, góp phần thực hiện đảm bảo công tác an sinh xã hội và giảm nghèo trên địa bàn huyện. Khi thực hiện việc này, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn cùng các tổ chức thành viên triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực nhằm hưởng ứng có hiệu quả các phong trào thi đua như “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Ngày vì người nghèo”...

Không chỉ giám sát các chính sách giảm nghèo, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức nhiều hoạt động giám sát, phản biện khác nhau. Có giám sát riêng, có giám sát chuyên đề và có sự phối hợp giám sát liên ngành.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chọn huyện Tháp Mười, thành phố Sa Đéc là đối tượng khảo sát và UBND tỉnh là đối tượng giám sát. Qua nghiên cứu báo cáo, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 174 về việc chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh một cách nghiêm túc, chỉ đạo cơ quan tài chính cấp huyện chủ động phân bổ kinh phí ngay từ đầu năm trong dự toán để các xã, phường, thị trấn thuận lợi điều hành, triển khai sử dụng đúng theo kế hoạch đề ra.

Đưa ra kế hoạch giám sát cụ thể

Bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, nội dung giám sát, phản biện xã hội sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, bài bản có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần giúp cho chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực thi đầy đủ, đạt hiệu quả, bảo đảm sát thực và tính khả thi cao.

Đặc biệt, trong năm 2021 Ủy ban MTTQ tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản góp ý chủ yếu liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đến dân chủ, đồng thuận xã hội. Qua đó, nhiều nội dung góp ý của MTTQ Việt Nam đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu.

Đối với MTTQ cấp huyện cũng đã triển khai một số nội dung giám sát theo yêu cầu thực tế của địa phương như: Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, giám sát công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện chính sách đối với các đối tượng cai nghiện ma túy tại các cơ sở tập trung…

Ngoài ra, các địa phương cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng góp phần nâng vai trò của MTTQ ở cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

“Từ nay đến cuối năm MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tập trung giám sát một số nội dung như: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới...”, bà Đoàn Thị Nghiệp chia sẻ.