Xây dựng cơ chế đánh giá công việc sẽ loại được “cán bộ làng nhàng“

Để loại cán bộ chỉ làm việc làng nhàng, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, cần xây dựng cơ chế đánh giá theo sản phẩm, công việc thực tế đã làm.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

40% nhân sự kém của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là con ông này, cháu bà kia, họ không vi phạm kỷ luật, không cự cãi ai nên rất khó cho thôi việc. Phát biểu này của ông Tô Quang Phán – Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Phóng viên phỏng vấn nhà báo Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam về nội dung này.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn. (Ảnh: VTC News)

PV: Phát biểu của ông Tô Quang Phán một lần nữa làm dấy lên bức xúc về tình trạng nhiều cơ quan nhà nước như nhà trẻ, là nơi gửi gắm con ông cháu cha phổ biến hiện nay. Từng tham gia quản lý một cơ quan truyền thông lớn của Chính phủ, ông bình luận gì về câu chuyện này?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Tôi không nghĩ ngành Phát thanh truyền hình, hay ngành báo chí thì tình trạng này có gì đặc biệt hơn so với các ngành khác. Ông Tô Quang Phán có thể là người đầu tiên trong lĩnh vực này lên tiếng nên chúng ta cảm thấy hơi sốc một chút.

Tôi nghĩ rằng tình trạng gì diễn ra ở các ngành khác thì ở một mức độ nào đó có thể ở nơi này thì nhiều, nơi kia thì ít.

PV: Cách đây 3 năm, dư luận cũng đã từng dậy sóng trước thông tin 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, nhưng báo cáo của các bộ ngành sau đó cho biết con số này nhỏ hơn rất nhiều. Có ý kiến cho rằng, cần thiết phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập, toàn diện, khách quan về tỷ lệ đội ngũ công chức, viên chức không làm được việc hiện nay là bao nhiêu % và chiếm bao nhiêu trong số này là con ông nọ, cháu bà kia. Xin hỏi quan điểm của ông?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Bây giờ các bộ, ngành là nơi diễn ra tình trạng này phổ biến nhưng lại là “người phán xử” bao nhiêu % thì khá khôi hài. Việc điều tra này là cần thiết nhưng phải là một tổ chức độc lập, không liên quan đến bộ máy này thì mới đưa ra nhận định một cách khách quan. Tôi cho rằng, con số đó hơn cả con số chúng ta hình dung nhiều.

PV: Theo ông vì sao tình trạng con ông cháu cha trong cơ quan nhà nước vẫn rất phổ biến và điều gì khiến đội ngũ không đủ năng lực nhưng vẫn được tuyển dụng, làm việc không tốt, thậm chí chẳng thèm làm gì cũng chẳng sao?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Vấn đề là động lực, động cơ. Tôi đã từng làm ở khu vực Nhà nước, sau đó tôi thử làm ở khu vực tư nhân để xem có những trải nghiệm thế nào. Tôi thấy vấn đề là động lực, khu vực tư nhân họ bỏ tiền trả lương cho nhân viên, chẳng có ai nhìn anh đi chơi trong khi anh hưởng tiền của người ta. Tất nhiên, không có ý tưởng gì toàn diện cả, ở khu vực tư nhân cũng có chuyện quan hệ, đối ngoại, cũng nhận người vào vì quan hệ này, quan hệ kia nhưng họ chấp nhận như đó là một chi phí không có lợi trực tiếp cho họ, và chấp nhận việc này ở một chừng mực nào đó. Còn tất cả những người còn lại, mỗi người đều có những đầu công việc hết sức rõ rệt, họ không nuôi không được.

Khu vực tư nhân nhìn chung không nảy sinh vấn đề về việc sử dụng người không làm việc, nhưng khu vực nhà nước có tình trạng này do tiền là của công, thủ trưởng cơ quan đó nhận vào để có lợi về quan hệ này kia, thuận lợi cho công việc điều hành, trong khi tiền không phải từ túi họ bỏ ra. Đây cũng là nguyên nhân chính nhất.

PV: Ai cũng hiểu những cái khó, cái khổ của những người làm lãnh đạo cơ quan có nhiều công chức “hậu duệ” chính là ngại đụng chạm, thậm chí tinh giản nhân sự chưa thấy đâu nhưng coi chừng chính lãnh đạo bị tinh giản trước. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Như ông Tô Quang Phán đã nói, cán bộ nhân viên không có tội, khuyết điểm gì, không cự cãi ai, chỉ là họ không làm được việc gì có lợi rõ rệt, bây giờ theo cơ chế của cơ quan nhà nước thì lấy cơ sở nào để đuổi việc họ.

Nếu trực tiếp vỗ mặt, đối chọi với tình trạng này, đưa danh sách lên, nói những người này không cần thiết và gạt ra thì trong cơ chế nhà nước còn phải họp bàn, tập thể nhận xét, rồi công đoàn… chứ không thể một mình ông Phán đứng lên nói gạt họ ra được.

Ông ấy có làm được việc này không? Ông ấy có thể làm được và có thể làm chưa xong thì ngay vị trí của ông Phán cũng đã không còn. Đó là việc rất khó.

Có thể con đường lọc danh sách là con đường thẳng nhưng có khi lâu đến, nhưng còn có con đường vòng hơn, là con đường đầu mục hóa từng nhiệm vụ của từng chức danh; khoán chi phí cho từng đơn vị, nhóm, định mức nhuận bút các tác phẩm chứ không phải là lương cứng.

Bằng những con đường ấy thì dần dần những người không có năng lực, không làm ra sản phẩm, không đem lại hiệu quả công việc nào sẽ lòi ra. Cách đó có thể lâu dài hơn, đòi hỏi kiên nhẫn hơn nhưng đó là giải pháp bền vững.

PV: Theo ông, công tác đánh giá cán bộ, đặc biệt là khâu tuyển chọn đầu vào cần được siết chặt ra sao để ngăn chặn cán bộ chỉ làm việc làng nhàng hay không hề làm việc mà vẫn trúng tuyển, ung dung chắc ghế, thậm chí leo cao trong bộ máy công quyền?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Cách xử lý tốt nhất là phải xây dựng được cơ chế đánh giá theo sản phẩm, công việc thực tế đã làm. Trên nền tảng cơ chế như thế, người lãnh đạo mới có cơ sở và thuận lợi để công tâm và kiên quyết.

Còn nếu chưa xây dựng được cơ chế như vậy, cán bộ làm được bao nhiêu thì làm, không đánh giá theo sản phẩm, hay đầu mục công việc thì người quản lý dù có công tâm, tiến công trực diện thấy người này, người kia là con ông cháu cha và gạt ra thì tỷ lệ thành công sẽ rất khó khăn, chưa chắc đạt được kết quả như mong muốn.

Còn nếu bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế kiểm soát công việc, trả lương theo đúng số lượng sản phẩm và chất lượng công việc thì lúc này, sự công tâm, kiên quyết của người lãnh đạo mới có chỗ dựa, không chỉ cơ quan báo chí mà các cơ quan sự nghiệp khác. Còn với các cơ quan hành chính thì câu chuyện sẽ khác nữa.

Theo tôi, bắt đầu từ cách xây dựng cơ chế và cơ chế sử dụng lao động này có cơ sở vì đã hàng chục năm nay, những đơn vị như Đài truyền hình đã xây dựng, có con đường đi, đã có cơ chế hướng về sự tự chủ, độc lập về tài chính rồi.

PV: Xin cảm ơn ông./.