Tuyên truyền để người dân chủ động nói không với thực phẩm bẩn

(Mặt trận) - Vừa qua, tại Vĩnh Phúc, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm về chủ đề “MTTQ Việt Nam tham gia vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tọa đàm nhằm tìm ra những giải pháp xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, xây dựng các mô hình hiệu quả về an toàn thực phẩm tại mỗi hộ gia đình và giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm ở khu dân cư.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cùng đại biểu đến từ Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh: Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị.

Xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”

Quang cảnh Tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ý kiến của các đại biểu đã tập trung làm rõ vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp trong tham gia vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua triển khai chương trình, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các thành viên đối với vấn đề ATTP không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường hiểu biết trong nhân dân về an toàn thực phẩm và thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng ATTP, phòng chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Từ thực tiễn cơ sở, ông Ngô Văn Thực, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận động để người dân chủ động nói không với thực phẩm bẩn.

Ông Thực cho biết, để tăng cường hiểu biết của người dân về an toàn thực phẩm, tại các khu dân cư, chính quyền từ phường đến các khu phố tập trung hướng dẫn người dân trên địa bàn cách lựa chọn thực phẩm an toàn; xây dựng thực đơn ăn uống theo khẩu phần hàng ngày, hàng tuần, theo mùa, cân đối hợp lý dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình.

Song song với đó, chính quyền phường thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng ăn uống trên địa bàn, yêu cầu làm rõ nguồn nhãn mác thực phẩm, xử lý triệt để những thực phẩm không có nguồn gốc trên địa bàn.

Ban chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình Vũ Thị Thủy cho biết, sau 3 năm thực hiện giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, tổng số cơ sở được kiểm tra trong toàn tỉnh là 2.603 cơ sở, đã phát hiện 495 cơ sở vi phạm và tiến hành xử lý phạt tiền trực tiếp tại các cơ sở vi phạm trên địa bàn. Cùng với việc kiểm tra, Mặt trận tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên và cơ quan liên quan triển khai việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường như mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn tại xã Yên Từ, huyện Yên Mô; mô hình sản xuất nước mắm tép sạch tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương đã phát hiện những bất cập. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa Hà Văn Thủy nhận định, hiện nay các cơ sở, các hộ sản xuất kinh doanh vẫn chưa thật sự chú trọng đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý các mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ, cửa hàng kinh doanh vẫn triển khai chậm; việc xây dựng vùng nguyên liệu, thực phẩm an toàn tại các huyện, thành phố còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chính vì vậy ông Thủy đề nghị, trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, chú trọng đến tổ chức bộ máy và hoạt động các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia trực tiếp tham gia các chương trình giám sát và đặc biệt phải huy động được cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng tham gia giám sát, có như vậy thì các chương trình giám sát mới mang lại hiệu quả thiết thực và giải quyết được những bức xúc của nhân dân trên địa bàn.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Xuân Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đề xuất, cần phải đưa các tiêu chí về công tác ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tiêu chí khen thưởng. Cùng với đó cần ban hành các văn bản triển khai công tác ATTP phù hợp với thực tế của địa phương, xây dựng hệ thống quy định, quy chế cần thiết và cơ chế, chế tài thưởng phạt nghiêm minh.

Ông Hương cũng cho rằng phải tăng cường truyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật một cách sâu rộng để mọi người nhận thức sâu sắc về vệ sinh ATTP, sử dụng thực phẩm sạch, không sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi; tập trung đẩy mạnh công tác giám sát, hậu kiểm, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP.

Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề cấp thiết hiện nay trong toàn xã hội, chính vì vậy, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Mục đích của chương trình là tổ chức vận động toàn xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại tọa đàm.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, những kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình triển khai giám sát đảm bảo ATTP được chia sẻ tại buổi tọa đàm sẽ góp phần biểu dương, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn khu dân cư.

Trên cơ sở những giải pháp được đề xuất, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tin tưởng sẽ góp phần hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phổ biến các tiêu chí đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, chợ truyền thống và siêu thị tại các phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh tới các đại biểu của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố tham dự tọa đàm.

*Cũng trong ngày 24/9, tại Vĩnh Phúc, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn triển khai dự án xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững; Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về tham gia bảo đảm trật tự ATGT và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Hội nghị nhằm định hướng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp những công việc cụ thể liên quan tới lĩnh vực giảm nghèo bền vững, bảo đảm trật tự ATGT và những phương thức trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả được nêu ra tại Hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục nhân rộng các điển hình để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.