Tuyên dương nhân sỹ trí thức, doanh nghiệp tiêu biểu dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức "Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất năm 2017".

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Ảnh minh họa. Ảnh: VGP

Lễ tuyên dương sẽ được tổ chức vào quý IV-2017 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự lễ tuyên dương gồm các đại biểu là người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân người dân tộc thiểu số do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố chọn cử (khoảng 500 đại biểu).

Thành lập Ban Tổ chức Lễ tuyên dương do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành liên quan tham gia thành viên Ban Tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan phân bổ số lượng đại biểu; hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc thiểu số, các bộ, ngành chọn cử đại biểu bảo đảm cơ cấu, thành phần và chất lượng.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và một số địa phương xây dựng phóng sự về hoạt động của người uy tín, nhân sỹ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để biên tập tuyên truyền trước, trong và sau Lễ tuyên dương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức tuyên truyền mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của Lễ tuyên dương trước, trong và sau thời gian diễn ra Lễ tuyên dương; tuyên truyền, biểu dương các tấm gương điển hình của người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Đồng Nai.

Với 589.775 ha diện tích đất tự nhiên, đến năm 2020 tỉnh Đồng Nai có khoảng 435.990 ha đất nông nghiệp, chiếm 73,92% diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là đất trồng cây lâu năm, chiếm tới 44,67% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 194.746 ha. Ngoài ra, 112.460 ha đất rừng đặc dụng; 25.291 ha đất rừng sản xuất; 24.948 ha đất trồng lúa. Diện tích đất phi nông nghiệp là 153.785 ha chiếm 26,08% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Từ 2016 - 2020, 34.420 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cần quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.

Giải quyết khiếu nại của công dân, doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo giải quyết kiến nghị, khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tuyến, thành phố Hà Nội và Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến (Thành phố Hồ Chí Minh).

Về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tuyến liên quan đến việc thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở, đất dịch vụ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy an nhân dân thành phố Hà Nội tiếp xúc, trả lời, giải thích rõ chính sách pháp luật đối với việc bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; trao đổi phương án giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phương án giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để ông Nguyễn Văn Tuyến lựa chọn.

Xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ về giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến (số 9/3 đường 11, khu phố 1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến việc thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu công nghiệp - cây nông sản ngắn ngày kết hợp chăn nuôi tại xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Công ty theo đúng kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra làm rõ phản ánh, kiến nghị của Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến về việc bị Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ Minh Phước chặt phá cây keo và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án đầu tư trồng rừng cho Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ Minh Phước bao gồm cả diện tích Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến đang trồng rừng khi vụ việc khiếu nại đang được Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo trên trước ngày 01-10-2017.

Chương trình hành động bảo vệ và phát triển rừng

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mục đích của Chương trình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của toàn dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có chuyên ngành lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Các nhiệm vụ mà Chương trình đặt ra là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; tăng cường công tác phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường quản lý đất lâm nghiệp, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua, bán và "hợp thức hóa" quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật; thực hiện nghiêm túc việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên gắn với triển khai thực hiện các cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng; quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do tại cả nơi đi và nơi đến..