Tổ chức, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện tại Cần Thơ

(Mặt trận) - Thành phố Cần Thơ được thành lập từ 1/1/2004 trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ; với diện tích tự nhiên 1.400,96km2, dân số 1.4050.000 người; gồm 9 đơn vị hành chính (5 quận, 4 huyện) và 85 xã, phường, thị trấn; hệ thống Mặt trận Thành phố được tổ chức đủ ở 3 cấp: từ thành phố; quận, huyện; xã, phường, thị trấn và mạng lưới Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư hoạt động ngày càng hiệu quả; vị trí, vai trò của Mặt trận ngày càng được phát huy, làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở địa bàn dân cư.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

 

 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2016. Ảnh: PV

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội (sau đây viết tắt là đoàn thể) thành phố, đặc biệt là Mặt trận các quận, huyện đã phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bước đầu đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng có liên quan đến đoàn viên, hội viên, phụ nữ, trẻ em, người già neo đơn…; tổ chức ký kết triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đơn vị, như: vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, thực hiện nếp sống văn minh, chỉnh trang đô thị, nâng cấp mở rộng hẻm, làm giao thông nông thôn; thực hiện tốt công tác tuyển quân, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông… xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cùng cấp. Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện đã xây dựng được quy chế hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận cấp huyện với các tổ chức thành viên và phối hợp hoạt động với chính quyền cùng cấp có những chuyển biến trong việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động có tính toàn dân. Mặt trận cấp huyện đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các hoạt động từ thiện “Đền ơn đáp nghĩa”; phát huy vai trò tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, giúp cấp ủy và chính quyền rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt trong lãnh đạo và chỉ đạo.

Về công tác cán bộ

Hiện nay Thành phố Cần Thơ có 47 cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận cấp huyện, bình quân mỗi quận, huyện có 5 cán bộ; mỗi đoàn thể có 4 - 5 người. Nhận thức về tầm quan trọng của cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, từ nhiều năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền ở các địa phương đã quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo chuẩn hoá về trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cán bộ chuyên trách được kiện toàn, lựa chọn bổ sung cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao,  trong số 47 cán bộ cấp huyện có: 44 cán bộ có trình độ Đại học, 20 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Việc bố trí, đề bạt các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chú ý đến tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, là những người có uy tín. Chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận được nâng lên cả về trình độ và năng lực công tác (kết quả bầu cử HĐND các cấp Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 8/47 cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận trúng cử, 14/47 cán bộ chuyên trách tham gia cấp ủy (trong đó 9/9 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, 7/9 đồng chí là Ủy viên Thường vụ).

Khó khăn trong tổ chức bộ máy và hoạt động công tác Mặt trận cấp huyện

Một là, tổ chức bộ máy của cơ quan Mặt trận cấp huyện còn nhiều bất cập, biên chế cán bộ chuyên trách ít, chưa tương xứng với nhiệm vụ hiện nay. Mặt trận Tổ quốc không có đối tượng tác động trực tiếp, mà thông qua các tổ chức thành viên, đại biểu tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; đối tượng của các tổ chức trùng lặp, một người tham gia vào nhiều tổ chức đoàn thể, nên công việc chồng chéo. Một số phong trào còn mang tính hình thức, chưa đi sâu, đi sát thực tiễn; chưa tập trung được nguồn lực để thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hai là, từ khi có Quy định số 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, đến nay biên chế giảm; cấp ủy các quận, huyện đang hướng đến giao biên chế Mặt trận và các đoàn thể là 4 biên chế. Thực tế cho thấy, nhiệm vụ của tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách Mặt trận cấp huyện ngày càng nhiều, rất nhiều loại văn bản của Mặt trận Trung ương, thành phố, cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành liên quan đến nhiệm vụ Mặt trận, trong đó có các báo cáo chuyên đề, đột xuất gấp. Ngoài công tác chuyên môn về Mặt trận, Mặt trận cấp huyện còn phải tham gia công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp ở địa phương, nhưng biên chế ít nên hạn chế đến chất lượng, hiệu quả công việc; không có nhiều thời gian đi cơ sở. Bên cạnh đó, điều kiện trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động cũng còn hạn chế, trong số 9 đơn vị Mặt trận cấp huyện chỉ có 3 đơn vị có trụ sở riêng, số còn lại là chung trụ sở với khối đoàn thể; các đơn vị phần lớn dùng chung phòng làm việc. Kinh phí hoạt động Mặt trận cấp huyện phụ thuộc vào điều kiện từng địa phương, không có sự thống nhất chung trong toàn Thành phố và chưa phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận cấp huyện.

Ba là, nhận thức của một số cấp ủy đảng về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận chưa đầy đủ và toàn diện, còn coi nhẹ công tác Mặt trận. Từ đó, chưa chú ý tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể hoạt động. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa thích hợp.

Bốn là, chậm đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận cấp huyện, việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận còn hạn chế, hoạt động của Mặt trận đôi lúc chưa sâu sát đến các tầng lớp nhân dân và cơ sở.

Năm là, trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ làm công tác Mặt trận cấp huyện chưa theo kịp với yêu cầu, còn lúng túng trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.

Sáu là, cán bộ Mặt trận có nhiều tâm tư, suy nghĩ về chế độ, chính sách (trước đây, cán bộ chủ chốt của Mặt trận cấp huyện có chế độ phụ cấp ngang bằng hoặc tương đương với phụ cấp chức vụ của cán bộ Đảng, chính quyền cùng cấp, nhưng khi thực hiện chuyển xếp lương mới thì lương và phụ cấp chức vụ của cán bộ chủ chốt Mặt trận thấp hơn cán bộ Đảng, chính quyền cùng cấp). Do đó, thực tế mang nặng tâm lý thích làm việc ở các cơ quan chính quyền hơn làm việc ở cơ quan Mặt trận.

Một số giải pháp phát huy bộ máy có hiệu quả

Thứ nhất, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể trong các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên”.

Thứ hai, để hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp hoạt động có thực chất và hiệu quả, rất cần một cơ chế phù hợp, một tổ chức bộ máy đủ về số lượng, mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ và các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong thời kỳ mới.

Thứ ba, đổi mới quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, có kiến thức xã hội, nhất là có kỹ năng vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; biết vận dụng sáng tạo, phát huy những mặt tích cực của các tổ chức thì công tác của Mặt trận và các đoàn thể sẽ đạt hiệu quả cao.

Thứ tư, đổi mới công tác tổ chức và bộ máy cán bộ, quan tâm cơ chế chính sách đối với cán bộ Mặt trận và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch tạo nguồn đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng theo hướng ổn định lâu dài… Cử những cán bộ đủ tiêu chuẩn sang công tác Mặt trận và đoàn thể theo chủ trương luân chuyển cán bộ, qua đó phát hiện những cán bộ tốt để bồi dưỡng, đề bạt vào những cương vị lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Do vậy, cần có giải pháp để bố trí cán bộ Mặt trận và các đoàn thể, đảm bảo những tiêu chuẩn cụ thể, vừa vững vàng chính trị, có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực chuyên môn cao. 

Thứ năm, quan tâm việc mở lớp tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp. Tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận các cấp.

Thứ sáu, trong điều kiện Mặt trận đang xây dựng Đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế; đề nghị Mặt trận Trung ương kiến nghị hoặc có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương quan tâm chú ý đến tổ chức hoạt động Mặt trận cấp huyện để phân bổ biên chế cho phù hợp, không đánh đồng biên chế với các Ban Đảng cùng cấp. Vì tổ chức bộ máy Mặt trận hoạt động độc lập.

Thứ bảy, tổ chức Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện cần có biện pháp chủ động tăng cường bổ sung, đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, tuổi trẻ có sức khỏe, có trình độ sử dụng công nghệ thông tín, gắn bó mật thiết với nhân dân, có tâm huyết với hoạt động xã hội, có năng lực hoạt động đoàn thể, có khả năng thuyết phục. Trên cơ sở đó Mặt trận mới có thể khắc phục được những hạn chế của mình, đóng góp quan trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc nói chung, Mặt trận cấp huyện nói riêng cần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận và các đoàn thể. Giải quyết tốt mối quan hệ Đảng vừa lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận; kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Mặt trận để làm phong phú, sâu sắc thêm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận, các đoàn thể, bởi đây chính là tiếng nói của dân, là ý nguyện của dân.