Tình hình COVID-19 ngày 25/8: Việt Nam có 12.096 ca nhiễm mới, Hà Nội ghi nhận 93 ca dương tính, gồm 73 ca tại cộng đồng trong 24 giờ qua

(Mặt trận) - Từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ ngày 25/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; cả ngày có 7.646 bệnh nhân khỏi bệnh; Hà Nội ghi nhận 93 ca dương tính, gồm 73 ca tại cộng đồng trong 24 giờ qua; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu công khai số điện thoại của lực lượng chống dịch để người dân liên lạc; Đà Nẵng: Tiếp tục áp dụng biện pháp 'ai ở đâu ở yên đấy' thêm 10 ngày và ưu tiên tiêm vaccine cho 1.000 shipper công nghệ…đó là những thông tin nổi bật về tình hình dịch bệnh trong nước 24h qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

 

Ngày 25/8, Việt Nam có 12.096 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 7.646 bệnh nhân khỏi bệnh

Từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ ngày 25/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; cả ngày có 7.646 bệnh nhân khỏi bệnh.

Tính từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ ngày 25/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới, gôm 3 ca nhập cảnh và 12.093 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (5.294 ca), Bình Dương (4.129 ca), Đồng Nai (618 ca), Long An (460 ca), Tiền Giang (319 ca), Đà Nẵng (162 ca), Khánh Hòa (150 ca), Tây Ninh (119 ca), Bình Thuận (106 ca), Hà Nội (96 ca), Nghệ An (95 ca), Đồng Tháp (93 ca), Cần Thơ (90 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (75 ca), An Giang (50 ca), Đắk Lắk (40 ca), Cà Mau (28 ca), Phú Yên (27 ca), Trà Vinh (24 ca), Kiên Giang (23 ca), Bình Định (18 ca), Hà Tĩnh (15 ca), Quảng Nam (9 ca), Bạc Liêu (7 ca), Bình Phước (7 ca), Ninh Thuận (6 ca), Vĩnh Long (5 ca), Đắk Nông (5 ca), Sơn La (4 ca), Hậu Giang (4 ca), Sóc Trăng (4 ca), Thanh Hóa (3 ca), Bắc Ninh (3 ca), Thái Bình (2 ca), Quảng Ngãi (2 ca), Quảng Bình (1 ca). Trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.296 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 667 ca, Bình Dương tăng 501 ca, Đồng Nai giảm 181 ca, Long An tăng 67 ca, Tiền Giang tăng 226 ca.

Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).

Riêng trong dợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 377.245 ca, trong đó có 167.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (190.166 ca), Bình Dương (81.182 ca), Đồng Nai (19.728 ca), Long An (19.046 ca), Tiền Giang (8.155 ca).

Trong ngày 25/8, có 7.646 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, đã có tổng số ca được điều trị khỏi là 169.921 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 749 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 27 ca.

 

Ngày 24/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (266 ca), Bình Dương (31 ca), Long An (16 ca), Đồng Nai (13 ca), Đà Nẵng (3 ca), Hà Nội (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Phước (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca), Tiền Giang (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 25/8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 370.556 xét nghiệm cho 677.016 lượt người.

Trong ngày 24/8, cả nước có 432.460 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.095.473 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.056.222 liều, tiêm mũi 2 là 2.039.251 liều.

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 7020/BYT-MT ngày 25/8/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với trẻ em.

TP Hồ Chí Minh tổ chức các Trạm Y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy số lượng F0 trên địa bàn. Đến ngày 23/8, đã có tổng số 274/400 trạm y tế lưu động được thành lập.

Phong tỏa ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội vì liên quan đến nhiều ca dương tính 

Hà Nội ghi nhận 93 ca dương tính, gồm 73 ca tại cộng đồng trong 24 giờ qua

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 24-8 đến 18h ngày 25-8, Hà Nội ghi nhận 93 ca mắc, trong đó có 73 ca tại cộng đồng và 20 ca trong khu cách ly.

Tính từ 18h ngày 24-8 đến 6h ngày 25-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4 ca mắc mới, trong đó có 2 ca tại cộng đồng và 2 ca tại khu cách ly. Các ca mắc mới phân bố tại 2 quận, huyện: Sóc Sơn (2), Hai Bà Trưng (2) và thuộc chùm ho, sốt thứ phát (4).

 Riêng 2 trường hợp mắc mới tại cộng đồng được ghi nhận tại huyện Sóc Sơn.

4 bệnh nhân (BN) thuộc chùm ho, sốt thứ phát:

 BN1 - BN2: ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Bệnh nhân là F1 của BN N.T.T. Ngày 24-8, BN được xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN3: T.T.M, nữ, sinh năm 1951, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là F1 của BN N.V.L, đã được cách ly tập trung và xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 24-8, BN có biểu hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN4: Đ.T.H, nữ, sinh năm 1980, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là F1 của BN N.V.L, đã được cách ly tập trung và xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 24-8, BN có biểu hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Tính từ 6h đến 12h ngày 25-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 50 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 35 ca tại cộng đồng và 15 ca tại khu cách ly. Các ca mắc mới được phân bố tại 10 quận, huyện: Thanh Xuân (23), Đống Đa (10), Hoàng Mai (7), Hai Bà Trưng (3), Đông Anh (2); Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Thanh Trì - mỗi nơi có 1 ca. Các ca mắc mới phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm ho, sốt thứ phát (41), liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (8), sàng lọc ho, sốt (1).

 Như vậy, tính từ 18h ngày 24-8 đến 12h ngày 25-8, Hà Nội ghi nhận 54 ca mắc.

Thông tin cụ thể 50 ca mắc mới ghi nhận như sau:

1 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc ho, sốt: N.T.M.T, nữ, sinh năm 1998, ở ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. BN nghỉ tại nhà từ ngày 20-7. Ngày 24-8, BN đến Bệnh viện Vinmec làm xét nghiệm trước khi đi làm lại và có kết quả dương tính.

41 BN thuộc chùm ho, sốt thứ phát:

BN1-BN4: N.Q.H, nam, sinh năm 2011; N.T.D.S, nữ, sinh năm 1957; N.Q.G, nam, sinh năm 1947; N.N.Y.N, nữ, sinh năm 2009; đều ở địa chỉ Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa. Các BN đều sống trong khu vực phong tỏa, là F1 (sống cùng nhà, tiếp xúc lần cuối ngày 23-8) của các F0. Sau đó, các BN đã được xét nghiệm lần 1 âm tính và ngày 24-8 được xét nghiệm, cho kết quả dương tính.

BN5: N.T.L.A, nữ, sinh năm 1964, ở ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. BN là F1 của BN L.A.Đ, tiếp xúc lần cuối ngày 16-8 khi F0 đến giao hàng cho BN. Sau đó, BN đã được chuyển cách ly tập trung và xét nghiệm lần 1 âm tính ngày 19-8. Đến ngày 24-8, BN xuất hiện triệu chứng và được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.

BN6: N.T.Đ, nữ, sinh năm 1977, ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. BN là F1 (cùng công ty khác bộ phận) của BN N.T.T. Ngày 24-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Ngoài ra, chùm ho, sốt thứ phát có 24 BN (BN1-BN24) ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, trong đó phần lớn BN tập trung ở 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, đơn cử như:

BN T.N.S, nam, sinh năm 1965, ở F5B ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN có đi cắt tóc và đi chợ tại ngõ 328, ngày 23-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (mẫu gộp) dương tính. Ngày 24-8, BN được lấy mẫu đơn, kết quả dương tính (do CDC thực hiện). Hiện tại, BN không có triệu chứng.

BN L.T.H, nam, sinh năm 1955, ở F5B ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN ở nhà, không đi đâu, thỉnh thoảng có cháu mua hộ thức ăn về. Hằng ngày, BN ra ngoài đi đổ rác và tiếp xúc một vài người có đeo khẩu trang. Ngày 23-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (mẫu gộp) dương tính. Đến ngày 24-8, BN được lấy lại mẫu đơn, kết quả dương tính (do CDC thực hiện).

BN T.T.H, nữ, sinh năm 1955, ở ngõ F5B ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN sống trong khu vực phong tỏa, thường xuyên đi chợ tại ngõ 228 mua hàng. Ngày 21-8, BN có triệu chứng đau mỏi người, mệt mỏi giống cảm cúm, được chồng đi mua hộ thuốc về uống thấy đỡ. Ngày 23-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm gộp nghi ngờ dương tính. Ngày 24-8, BN được lấy mẫu đơn, kết quả dương tính (do CDC Hà Nội thực hiện).

BN L.T.B.L, nữ, sinh năm 1983, nhà F5 ngõ 330 tổ 12 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN sống trong khu vực phong tỏa. Trong vòng 2 tuần vừa rồi, BN có đi chợ Nhân Chính (cuối phố Vũ Trọng Phụng), siêu thị Đức Thành (số 4 Chính Kinh) ngày gần nhất 21 và 22-8. Đêm 22-8, khu vực bị phong tỏa nên BN không đi đâu. Ngày 23-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (mẫu gộp) và ngày 24-8 được lấy mẫu đơn, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN P.T.H.H, nữ, sinh năm 1979, ở nhà F6 tập thể Thuốc lá Thăng Long, ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN sống trong khu vực phong tỏa. Trong vòng 2 tuần, BN có thường xuyên đi siêu thị Đức Thành (số 4 Chính Kinh, quận Thanh Xuân) ngày gần nhất là 21-8, thỉnh thoảng mua hàng tại chợ đầu phố Chính Kinh. Đêm 22-8, khu vực bị phong tỏa nên BN không đi đâu. Ngày 23-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm mẫu gộp, ngày 24-8, được lấy mẫu đơn, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN N.T.T, nữ, sinh năm 1979, ở nhà F6 tập thể Thuốc lá Thăng Long ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN sống trong khu vực phong tỏa. Trong vòng 2 tuần, BN chỉ ở trong ngõ, không đi đâu xa. Đêm 22-8, khu vực bị phong tỏa nên BN không đi đâu. Ngày 23-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm mẫu gộp và ngày 24-8, được lấy mẫu đơn, có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Đặc biệt, liên quan đến chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung còn có trường hợp dược sĩ tên là T.T.H, nữ, sinh năm 1992, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Dược sĩ làm việc tại nhà thuốc có cơ sở tại ngõ 328 Nguyễn Trãi. Ngày 23-8, BN xuất hiện triệu chứng tự làm test nhanh dương tính. Ngày 24-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Còn lại 11 BN trong chùm ho, sốt thứ phát là các F1, đã được cách ly hoặc sống trong khu vực phong tỏa ở các phường: Văn Miếu, Trung Tự (quận Đống Đa); các phường: Minh Khai, Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm); xã An Thượng (huyện Hoài Đức); xã Việt Hùng (huyện Đông Anh).

8 BN thuộc chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh: BN1-BN8: N.T.H, nam, sinh năm 1984; H.V.H, nam, sinh năm 1995; T.H.G, nam, sinh năm 1972; H.T.H, nữ, sinh năm 1982; M.V.T, nam, sinh năm 1955; N.V.H, nam, sinh năm 1991; N.V.T, nam, sinh năm 1982; H.V.H, nam, sinh năm 1995; đều ở ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Các BN đều là F1 (làm cùng) với BN D.V.N. Ngày 24-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

 Ổ dịch ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân với nhiều diễn biến phức tạp

Tính từ 12h đến 18h ngày 25-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 39 ca mắc mới, trong đó có 36 ca tại cộng đồng và 3 ca trong khu cách ly. Các ca mắc mới phân bố tại 8 quận, huyện: Thanh Xuân (30 ca); Thanh Trì (3 ca); Đống Đa, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoài Đức, Hoàn Kiếm - mỗi nơi có 1 ca; và phân bố theo chùm ca bệnh: F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (37), sàng lọc ho sốt cộng đồng (2).

 Thông tin cụ thể 39 ca mắc mới như sau:

2 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc ho sốt: BN1: T.Đ.Đ, nam, sinh năm 1964, ở tòa 47 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. BN thường đi siêu thị Vinmart 47 Vũ Trọng Phụng, thỉnh thoảng đi chợ Quan Nhân mua rau. Ngày 23-8, BN xuất hiện đau họng, ho sốt mệt mỏi và ngày 24-8 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN2: C.H.G, nữ, sinh năm 1997, ở CT8C, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ngày 23-8, BN xuất hiện triệu chứng ho sốt. Ngày 24-8, BN được làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và có kết quả dương tính. Sau đó, BN được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

37 BN là F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng:

 Có 28 BN ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, trong đó phần lớn BN sống trong khu vực phong tỏa ở ngõ 326, 328, 330 Nguyễn Trãi.

Ngoài ra, trong chùm ho sốt cộng đồng còn có BN Đ.K.T, nữ, sinh năm 1989, ở ngõ 358/55 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. BN là nhân viên bán hàng cửa hàng bánh 334 Nguyễn Trãi. Ngày 24-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

3 BN ở huyện Thanh Trì, trong đó có 2BN ở xã Ngũ Hiệp sống cạnh nhà với F0. Ngày 24-8, hai BN xuất hiện sốt, ho, rát họng được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu RT-PCR có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện). Còn 1 BN  ở ngõ 39 Tân Triều, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là nhân viên cửa hàng thuốc tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh xuân, có kết quả dương tính vào ngày 24-8 (do CDC Hà Nội thực hiện).

Còn lại trong chùm ho sốt cộng đồng có 1 BN ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, là F1 đã được chuyển cách ly tập trung; 1BN ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa sống trong khu vực phong tỏa; 1 BN ở phường Minh Khai, Hai Bà Trưng là F1 (chồng) của BN T.T.M đã được chuyển cách ly tập trung ngày 24-8; 1 BN ở xóm Ngò, thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức; 1 BN ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh là F1 (chồng) của BN N.T.T.P đã được cách ly tập trung từ ngày 15-8.

Tình hình dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân: Trong ngày 25-8 ghi nhận 52 ca mắc; cộng trong 3 ngày từ 23 đến 25-8 ghi nhận 73 ca trên địa bàn phường. Các bệnh nhân tập trung tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi và liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 2.770 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.425 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.345 ca.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân tại khu vực cách ly phong tỏa Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu công khai số điện thoại của lực lượng chống dịch để người dân liên lạc

Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 cho biết, trên địa bàn quận có 7.756 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.001 người đã xuất viện. Về bản đồ dịch COVID-19, trên địa bàn quận có 155 vùng đỏ, 136 vùng cam, 177 vùng vàng, 121 vùng cận xanh, 427 vùng xanh; 8 khu cách ly tập trung với 1.470 giường, đang cách ly điều trị 967 người và 1.712 F0 cách ly tại nhà.

“Trong 2 ngày 23-24/8, lực lượng chức năng Quận 12 đã tổ chức lấy mẫu tại 171 khu vực vùng đỏ, vùng cam, qua đó phát hiện 835 trường hợp dương tính. Dự kiến trong 10 ngày tới khi xét nghiệm trên diện rộng, Quận 12 có thể phát hiện khoảng 10.000 ca dương tính. Thông qua sàng lọc, Quận 12 sẽ tổ chức 20% trong số đó để đưa vào các bệnh viện tuyến trên của thành phố, 30% đưa vào cơ sở tập trung cách ly của quận, còn lại cách ly tại nhà. Từ nay đến hết ngày 31/8, quận sẽ tổ chức lấy mẫu ở các khu vực còn lại, kết hợp tiêm vaccine, bảo vệ vùng xanh", Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết.

Trao đổi với lãnh đạo Quận 12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngoài việc tổ chức đường dây nóng cần công khai cho người dân số điện thoại của cán bộ, lực lượng chức năng tại từng khu vực dân cư để người dân biết, liên lạc khi có nhu cầu.

Đối với công tác chăm sóc, điều trị F0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cùng với việc điều trị bằng thuốc, chính quyền cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn, khẩu phần ăn cũng như ổn định tâm lý bệnh nhân trong quá trình điều trị... 

“Cứu F0 là phải cứu ngay từ đầu, người bệnh cần có thuốc, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tinh thần thoải mái. Có như vậy mới hạn chế các ca F0 diễn tiến nặng, điều trị F0 hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trong công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý, việc lấy mẫu xét nghiệm cần nhanh nhưng an toàn, tránh lây nhiễm chéo, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu; đồng thời tổ chức nghiêm ngặt giãn cách các khu vực đã lấy xét nghiệm cho kết quả an toàn, tránh tâm lý chủ quan, nếu không kết quả sẽ “đổ sông, đổ biển". Việc tiêm vaccine cũng phải làm nhanh, tổ chức xe lưu động đến từng vùng, trên tinh thần chặt chẽ và khẩn trương.

Cùng ngày (25/8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm hỏi, động viên người dân, đội ngũ y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm và lực lượng công an, quân đội đang làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12.

Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu, lực lượng công an, quân đội kiên trì và quyết liệt bám cơ sở, chăm lo đời sống người dân. Lực lượng y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để tránh lây nhiễm chéo cũng như giảm nhân lực để tập trung cho những khu vực khác.

Shipper công nghệ chuyển hàng hóa đến tận tay người dân 

Đà Nẵng ưu tiên tiêm vaccine cho 1.000 shipper công nghệ

Ngày 25/8, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 3967/SYT-NVY về việc điều chuyển nhóm đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 gửi Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về việc ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng là nhân viên giao hàng (shipper) qua ứng dụng công nghệ, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng quyết định điều chuyển nhóm đối tượng tiêm vaccine AstraZeneca theo Kế hoạch số 3938/KH-SYT ngày 22/8/2021 từ nhóm lực lượng công an sang nhóm shipper thuộc quản lý của Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng.

Sở Y tế thành phố Đà nẵng đề nghị Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp các đơn vị liên quan lập danh sách tiêm mũi 1 cho nhóm shipper qua ứng dụng công nghệ với tổng số lượng dự kiến là 1.000 người. Đơn vị phụ trách tiêm chủng cho các shipper đợt này là Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng, Sở đã tổng hợp danh sách các shipper tham gia vận chuyển giao nhận hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh của các đơn vị vận tải ứng dụng công nghệ: Công ty TNHH GRAB (ứng dụng Grab), Công ty cổ phần GOFAST (ứng dụng Now), Công ty cổ phần dịch vụ Tức Thời (ứng dụng AhaMove), Công ty cổ phần Lozi Việt Nam (ứng dụng Loship), Công ty TNHH Fastgo Việt Nam (ứng dụng Fastgo). Mỗi đơn vị cung cấp danh sách 200 nhân viên chưa tiêm vaccine và đảm bảo đủ sức khỏe để tham gia vận chuyển hàng hóa; trong đó đăng ký bổ sung dự phòng 10%.

Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị vận tải ứng dụng công nghệ được hoạt động phải quản lý chặt chẽ các nhân viên theo danh sách đã đăng ký. Đồng thời, các shipper được tiêm vaccine trong đợt này phải chịu trách nhiệm lưu lại lộ trình, thời gian giao hàng phục vụ khi cần truy vết. Bên cạnh đó, các shipper phải đảm bảo xét nghiệm SARS-CoV-2 tần suất 3 ngày/lần, mặc đồng phục công ty và đảm bảo 5K trong quá trình giao nhận hàng hóa, tiếp xúc với người dân. 

Cũng trong ngày 25/8, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã có thông báo về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, từ ngày 22/8 đến nay, do đã thực hiện "ai ở đâu ở yên đấy" trong 10 ngày nên nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân không còn nhiều, nhu cầu đặt mua hàng hóa đang tăng cao.

Trong khi đó, năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối chỉ đáp ứng được 25% đến 30% nhu cầu trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, do các siêu thị vẫn phải đảm phòng chống, dịch nên việc đáp ứng cũng bị hạn chế. Các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa... cũng chỉ đáp ứng được 70% đến 75% nhu cầu trong điều kiện bình thường, nhiều chợ bị dừng hoạt động. Do đó, khi nhu cầu mua hàng hóa tăng cao trong cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng quá tải trong cung ứng hàng hoá trên địa bàn thành phố.

Nhằm giải quyết những khó khăn nêu trên, kịp thời tăng thêm năng lực cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian tới, Sở Công Thương đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc. Đồng thời kiến nghị cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và shipper được hoạt động. Sở cũng đã đề xuất cho phép Lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ các hộ dân khó khăn.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng tạp hoá; tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Đồng thời huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân.

Cầu rồng Đà Nẵng 

Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp 'ai ở đâu ở yên đấy' thêm 10 ngày

Từ 8 giờ ngày 26/8/2021 đến 8 giờ ngày 5/9/2021, thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp “ai ở đâu ở yên đấy”, thực hiện các hoạt động quy định tại Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố; đồng thời bổ sung, điều chỉnh một số hoạt động mà người dân được phép tham gia.

Cụ thể, thành phố được chia thành 3 vùng với mức độ nguy cơ dịch bệnh tương ứng để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp là vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh.

Những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày; phải áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để giảm mức độ nguy cơ.

Còn những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao (gọi chung là vùng vàng) được áp dụng một số biện pháp nới lỏng hơn. Cụ thể, hoạt động của các công ty thương mại đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) được bố trí tối đa 100% số người làm việc.

Hoạt động tại cơ quan, công sở nhà nước tuân thủ các điều kiện sau: tiếp tục bố trí tối đa 10% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp) và thực hiện “3 tại chỗ”. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định và thực hiện từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 26/8/2021. Người đi làm phải có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định và đã được tiêm vaccine phòng COVID-19...

Các nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động phải thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch; bố trí tối đa 30% số người làm việc; đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Giám đốc, chủ cơ sở, nhà máy sản xuất quyết định và thực hiện việc thay đổi này từ 5 giờ đến 9 giờ ngày 26/8/2021.

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện Quyết định này thì được bố trí tối đa 3 người/đơn vị để xử lý công việc cần thiết liên quan đến thủ tục hành chính, tài chính.

Các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động theo danh mục do Chủ tịch UBND thành phố quyết định thì chủ đầu tư, nhà thầu phải đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.

Những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Các shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần bằng phương pháp RT-PCR. Các shipper phải thực hiện nghiêm 5K; thường xuyên mặc trang phục bảo hộ, khẩu trang đạt chuẩn, kính chống giọt bắn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn mang theo khi tham gia hoạt động...

Những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) sẽ do Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Vùng xanh sẽ được áp dụng các biện pháp theo quy định tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố. Trường hợp phát sinh ca mắc COVID-19, căn cứ hướng dẫn của ngành y tế, quyết định chuyển sang vùng vàng hoặc vùng đỏ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng. Vùng xanh sẽ được bảo vệ, không để có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, những biện pháp thành phố đưa ra trong thời điểm này là quyết định hết sức khó khăn, được cân nhắc kỹ với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết. Thành phố mong muốn người dân, các đơn vị, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục chia sẻ, ủng hộ và đồng hành để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao nhất.

THACO tặng TP Hồ Chí Minh 30 xe cứu thương và 25 xe tiêm vaccine lưu động

Ngày 25/8, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) cho biết, đơn vị vừa quyết định tặng UBND Thành phố Hồ Chí Minh 30 xe cứu thương và 25 xe tiêm vaccine lưu động nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.

Theo ông Trần Bá Dương, trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm nhanh cho toàn dân và đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine, với tinh thần “chung tay và đồng hành cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh", Công ty cổ phần ô tô Trường Hải quyết định tặng thành phố 500.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Đây là các bộ kit xét nghiệm của Đức, được Bộ Y tế đánh giá là bộ kit cho kết quả chính xác cao nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, THACO cũng trao tặng thành phố 30 xe cứu thương hiệu IVECO của Italy với tiêu chuẩn châu Âu cao cấp nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Ngoài trang thiết bị đầy đủ của một xe cứu thương xe còn được lắp đặt bộ khử khuẩn và làm sạch với áp lực âm để chuyên dùng cấp cứu, chuyển viện đối với bệnh nhân COVID-19 trở nặng.

THACO còn tặng thành phố 25 xe tiêm chủng vaccine cơ động. Đây là mẫu xe do THACO thiết kế linh hoạt với cabin kép có 6 chỗ ngồi, chở được 5 người đi cùng để thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm nhanh, tiêm chủng tại chỗ ở các địa bàn đông dân cư, đường nhỏ hẹp trong bối cảnh giãn cách triệt để và hạn chế người dân đi lại như hiện nay.

Như vậy, tổng số tiền mà THACO tài trợ cho công tác chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt này là 131 tỷ đồng. Thời gian qua, Chương trình “Chung tay phòng chống dịch” của THACO đã tích cực đồng hành với các đơn vị, tổ chức và các chương trình phòng, chống dịch trong cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 161 tỷ đồng.