Tình hình COVID-19 ngày 24/8: Việt Nam có 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội ghi nhận 67 ca dương tính

(Mặt trận) - Từ 18 giờ 30 phút ngày 23/8 đến 18 giờ ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Hà Nội ghi nhận 67 ca dương tính, gồm 33 ca tại cộng đồng trong 24 giờ qua và Phong tỏa ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) do liên quan 19 ca F0; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có văn bản yêu cầu đảm bảo ô xy y tế cho công tác cấp cứu, điều trị COVID-19; TP Hồ Chí Minh: Từ 0 giờ ngày 25/8 sẽ sử dụng giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông cấp mới… đó là thông tin đáng quan tâm về tình hình dịch bệnh trong 24h qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

 

Cả ngày 24/8, Việt Nam có 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 275.085 liều vaccine được tiêm

Từ 18 giờ 30 phút ngày 23/8 đến 18 giờ ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.811 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày cả nước tiêm được thêm 275.085 liều vaccine phòng COVID-19.

Tính từ 18 giờ 30 phút ngày 23/8 đến 18 giờ ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.811 ca nhiễm mới; gồm 14 ca nhập cảnh và 10.797 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (4.627 ca), Bình Dương (3.628 ca), Đồng Nai (799 ca), Long An (393 ca), Khánh Hòa (203 ca), Đồng Tháp (162 ca), Đà Nẵng (153 ca), Tây Ninh (105 ca), Tiền Giang (93 ca), Cần Thơ (72 ca), Hà Nội (66 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (64 ca), Kiên Giang (61 ca), Bình Thuận (56 ca), Sóc Trăng (42 ca), An Giang (42 ca), Nghệ An (28 ca), Phú Yên (24 ca), Đắk Lắk (21 ca), Bình Phước (20 ca), Thừa Thiên Huế (13 ca), Bến Tre (12 ca), Vĩnh Long (11 ca), Quảng Nam (11 ca), Hà Tĩnh (10 ca), Hậu Giang (9 ca), Quảng Trị (9 ca), Sơn La (9 ca), Bạc Liêu (7 ca), Lạng Sơn (7 ca), Trà Vinh (6 ca), Thanh Hóa (5 ca), Lâm Đồng (5 ca), Bình Định (5 ca), Ninh Thuận (4 ca), Gia Lai (3 ca), Bắc Ninh (3 ca), Bắc Giang (3 ca), Quảng Bình (2 ca), Quảng Ngãi (1 ca), Hà Nam (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Cà Mau (1 ca). Trong đó có 6.780 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 531 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 376 ca, Bình Dương tăng 445 ca, Đồng Nai tăng 176 ca, Long An tăng 5 ca, Khánh Hòa tăng 78 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 369.267 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (184.872 ca), Bình Dương (77.053 ca), Đồng Nai (19.110 ca), Long An (18.586 ca), Tiền Giang (7.836 ca).

Trong ngày 24/8, cả nước có 7.663 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 162.279 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 706 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.

Ngày 24/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 348 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (292 ca), Bình Dương (35 ca), Đồng Nai (4 ca), Đồng Tháp (3 ca), Tiền Giang (3 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Sóc Trăng (2 ca), An Giang (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Định (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Ninh Thuận (1 ca), Quảng Nam (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 24/8 là 9.014 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong ngày 23/8 có 275.085 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.647.353 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.725.040 liều, tiêm mũi 2 là 1.922.313 liều.

Tính đến ngày 23/8, TP. Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 5,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế vừa có công điện số 1242/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Trường Đại học về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng vaccine COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh tăng cường kiểm soát việc tự công bố, ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19.

 Quận Thanh Xuân tổ chức xét nghiệm diện rộng trong buổi sáng 24-8.

Hà Nội ghi nhận 67 ca dương tính, gồm 33 ca tại cộng đồng trong 24 giờ qua

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 23-8 đến 18h ngày 24-8, Hà Nội ghi nhận 67 ca, trong đó 33 ca tại cộng đồng và 34 ca khu cách ly.

Tính từ 18h00 ngày 23/8 đến 6h ngày 24/8, Hà Nội ghi nhận 7 ca dương tính mới trong đó 6 ca tại cộng đồng tại quận Đống Đa, Hoài Đức và Thanh Xuân.

Trong đó, trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho, sốt là anh L.C.Q., 41 tuổi, ở khu 7, thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức.

Anh Q là lái xe 115, 3 ngày được lấy mẫu xét nghiệm một lần. Ngày 23/8 được lấy mẫu kết quả xét nghiệm dương tính.

Trong 6 ca thuộc chùm ho, sốt thứ phát, có 4 người ở số 19A ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Đây là khu vực phong toả. Trong 4 trường hợp có một nam thanh niên 20 tuổi có triệu chứng ho, sốt. Ngày 23/8 số người này được lấy mẫu kết quả xét nghiệm dương tính

Trường hợp thứ 5 là chị N.T.P.T., 37 tuổi ở số 88 ngõ 34 Ngô Sĩ Liên Văn Miếu, Đống Đa. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 13/8, được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 23/8 được lấy mẫu kết quả dương tính.

Trường hợp cuối cùng là bà N.T.L., 60 tuổi, ở12/62 Trần Quý Cáp, Văn Miếu, Đống Đa. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, ngày 23/8 có kết quả dương tính.

Tính từ 6h đến 12h ngày 24-8, trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 51 ca mắc mới, trong đó 23 ca tại cộng đồng và 28 ca trong khu cách ly.

 Các ca mắc mới phân bố tại 11 quận, huyện: Thanh Xuân (13), Đống Đa (13), Thanh Trì (9), Hoàng Mai (4), Bắc Từ Liêm (3), Hà Đông (2), Hai Bà Trưng (2), Thường Tín (2), Ba Đình (1), Đông Anh (1), Sóc Sơn (1); đồng thời phân bố theo các chùm ca bệnh: Chùm ho sốt thứ phát (45), chùm sàng lọc ho sốt (3), chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (3).

Riêng 23 ca trong cộng đồng tại 6 quận, huyện: Thanh Xuân (13), Hoàng Mai (3), Thanh Trì (3), Đống Đa (2), Hà Đông (1), Sóc Sơn (1) và theo chùm: Ho sốt thứ phát (17), sàng lọc ho sốt (3), chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (3).

Thông tin cụ thể 51 ca mắc mới ghi nhận:

3 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc ho sốt: 

 BN1: B.X.M.Đ, nam, sinh năm 2008, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông. Ngày 21-8, BN được lấy mẫu gộp để làm xét nghiệm sàng lọc, kết quả mẫu gộp dương tính. Ngày 23-8, BN được lấy lại mẫu đơn để xét nghiệm, kết quả dương tính.

BN2: N.T.T, nữ, sinh năm 1983, ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. BN làm việc tại bộ phận đóng gói Công ty Protools, Khu công nghiệp Quang Minh. Từ ngày 19-8, BN làm việc và ở tại công ty không về nhà. Ngày 21-8, BN xuất hiện ho, mệt mỏi, giảm vị giác. Ngày 23-8, BN được công ty cho lấy mẫu xét nghiệm, kết quả duơng tính.

BN3: D.V.V, nam, sinh năm 1956, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Bệnh nhân làm bảo vệ tại 23 Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. Ngày 22-8, BN có sốt, đau họng, mệt mỏi và ngày 23-8 đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, có test nhanh dương tính và được lấy mẫu RT-PCR gửi CDC Hà Nội cũng có kết quả khẳng định dương tính.

45 BN thuộc chùm ho sốt thứ phát:

 13 BN ở các phường: Văn Chương, Văn Miếu, Trung Liệt của quận Đống Đa, trong đó phường Văn Miếu và Văn Chương tập trung nhiều BN nhất. Đa phần các BN đều thuộc khu vực bị phong tỏa, hoặc đã được cách ly tập trung.

Ngoài ra, có 2 BN ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, đều là F1 đã được cách ly tập trung từ ngày 21-8; 1 BN ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, là công nhân xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; 2 BN ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, là F1, được cách ly tập trung từ 10-8; 1 BN ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình; 1 BN ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai; 2 BN ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đều là các F1, được cách ly tập trung từ 12-8; 13 BN ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đều sống trong khu vực phong tỏa...

Đặc biệt, trong chùm ho sốt thứ phát có 10 BN liên quan đến Công ty SEI, Viettel Post Bắc Từ Liêm và BN sau ly cách ly tập trung về nhà có kết quả dương tính. Cụ thể:

 BN1: B.T.N, nữ, sinh năm 1986, ở xã Võng La, huyện Đông Anh. BN là công nhân Công ty SEI, đi cách ly tại Đại học FPT từ 14 đến 31-7. Ngày 31-7, đi trên chuyến xe có BN dương tính. Ngày 4-8, BN được lấy mẫu lần 1 âm tính và chuyển cách ly tập trung. Từ ngày 4 đến 11-8, BN được cách ly cùng phòng với F0 là V.T.H. Ngày 11-8, BN được lấy mẫu lần 2 âm tính. Ngày 22-8, BN có biểu hiện sốt, ho. Ngày 23-8, BN được lấy mẫu lần 3, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

BN2-BN4: N.T.D, nam, sinh năm 1981; L.V.I, nam, sinh năm 1991; L.V.T, nam, sinh năm 1990 ở phường Phúc Diễn và phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ba BN này làm việc tại Vietel Post Bắc Từ Liêm, chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Kiều Mai từ 9-8 và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 23-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, kết quả dương tính.

BN5-BN10: Đ.A.D, nữ, sinh năm 2018; N.T.S, nữ, sinh năm 1964; Đ.V.T, nam, sinh năm 1987; N.T.H, nữ, sinh năm 1991; Đ.K.N, nữ, sinh năm 2016; Đ.V.C, nam, sinh năm 1962; đều ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì. Các BN là F1 của BN Đ.N.T đã được cách ly tập trung từ ngày 3-8. Ngày 18-8, BN được về cách ly tại nhà. Ngày 22-8, các BN được lấy mẫu RT-PCR và có kết quả dương tính ngày 24-8.

3 BN thuộc chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh:

 BN1-BN3: D.V.N, nam, sinh năm 1982; B.T.T, nam, sinh năm 1975; T.V.N, nam, sinh năm 1989; đều ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Các BN là lái xe hàng từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Hà Nội ngày 23-8 (xe luồng xanh). Sau đó, họ đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp có test nhanh dương tính và được lấy mẫu RT-PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả khẳng định dương tính.

 

Tính từ 12h đến 18h ngày 24-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 9 ca mắc mới, trong đó có 4 ca tại cộng đồng và 5 ca tại khu cách ly.

 Các ca mắc mới phân bố tại 9 quận, huyện: Ba Đình (1), Đống Đa (1), Gia Lâm (1), Hoài Đức (1), Hoàn Kiếm (1), Hoàng Mai (1), Thạch Thất (1), Thanh Trì (1), Thanh Xuân (1), và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc họ sốt (1), chùm họ sốt thứ phát (7), liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (1).

Riêng 4 ca mắc mới tại cộng đồng được phân bố tại  4 quận, huyện: Hoài Đức (1), Hoàng Mai (1), Thanh Trì (1), Thanh Xuân (1) và theo chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc ho sốt (1), chùm họ sốt thứ phát (2), liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (1).

Thông tin cụ thể 9 ca mắc mới như sau:

1 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc ho sốt:

 BN1: P.T.T, nữ, sinh năm 1991, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ngày 23-8, BN xuất hiện ho, sốt được làm test nhanh dương tính và được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Ngày 24-8, BN có kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

7 BN thuộc chùm ho sốt thứ phát:

 BN1: Đ.T.T, nam, sinh năm 1976, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Bệnh nhân sống gần khu vực có nhiều BN dương tính. Tối 23-8, BN xuất hiện sốt, gai rét. BN đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện).

BN2: H.V.Đ, nam, sinh năm 1956, ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức. BN là F1 (bố) của BN H.T.Y (dương tính ngày 23-8). Ngày 23-8, BN được lấy mẫu và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN3: C.V.Đ, nam, sinh năm 1945, ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.  BN là F1 (bố) của BN C.V.T. Ngày 12-8, BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 23-8, BN xuất hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, được lấy mẫu và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN4: L.T.K.A, nữ, sinh năm 1971, ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa. BN sống trong khu vực phong tỏa. BN đã được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần âm tính trước đó. Ngày 23-8, BN tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN5: N.Đ.M.C, nữ, sinh năm 2009, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình. Ngày 17-8, sau khi bố mẹ BN dương tính, BN được chuyển cách ly cùng bố mẹ tại Bệnh viện Dã chiến Phenika. Trong quá trình cách ly được lấy mẫu và có kết quả dương tính (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện).

BN6: N.P.A, nam, sinh năm 2013, ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. BN là F1 của BN N.T.T.T. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tại khu cách ly huyện Gia Lâm. Ngày 22-8, BN xuất hiện sốt và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

BN7: D.M.T, nam, sinh năm 1985, ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. BN là F1 của BN P.M.C, được đi cách ly khu cách ly quận Long Biên. Trong thời gian cách ly, bố của BN có triệu chứng bệnh và có kết quả dương tính, sau đó BN được chuyển vào cùng và chăm sóc bố tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Trong quá trình cách ly tại bệnh viện, BN được lấy mẫu và có kết quả dương tính.

1BN thuộc chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh: là T.Đ.L, nam, sinh năm 1975, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. BN là lái xe chở hàng từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Hà Nội ngày 23-8 (xe luồng xanh) cùng với BN D.V.N. Sau đó, BN đến khám tại Bệnh viện Nông nghiệp, làm test nhanh - dương tính và được lấy mẫu RT- PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả khẳng định dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 2.677 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.352 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.325 ca.

Khu vực phong tỏa ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. 

Phong tỏa ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) do liên quan 19 ca F0

 Ngày 24-8, UBND quận Thanh Xuân đã phong tỏa 7 ngày (từ ngày 24 đến 30-8-2021) ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống do phát hiện các ca F0. Quận sẽ dựa vào diễn biến của dịch để điều chỉnh quy mô cách ly.

Trước đó, 2 bệnh nhân F0 ghi nhận ở ngõ 330 đường Nguyễn Trãi là mẹ con (người mẹ 48 tuổi đưa con gái 28 tuổi đi xét nghiệm nhanh tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, sau đó lấy mẫu xét nghiệm PCR và có kết quả dương tính sáng 23-8).

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, sau khi phát hiện 2 ca F0 trên, quận đã tổ chức xét nghiệm diện rộng cho 1.400 người dân trong ngày 23-8 và 700 người dân trong buổi sáng 24-8. Ngay sau khi xét nghiệm sàng lọc, quận đã phát hiện thêm 4 trường hợp mắc Covid-19 trong cùng một gia đình. 

Đến nay, qua lấy mẫu xét nghiệm khu vực ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi đã ghi nhận thêm 13 ca F0. Như vậy, 2 ngõ này đã có tổng cộng 19 ca F0.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cùng Đội Cơ động phản ứng nhanh đã khẩn trương phối hợp với phường Thanh Xuân Trung điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến F0 và lập chốt phong tỏa cách ly tạm thời để điều tra xử lý dịch.

Số thiết bị y tế được bàn giao cho 2 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN phát 

Đảm bảo ô xy y tế cho công tác cấp cứu, điều trị COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng số lượng người mắc tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tỉnh, thành phố) trên cả nước, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân; một số tỉnh, thành phố đã chủ động chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó với tình huống số ca mắc tăng cao.  

Tuy nhiên, cũng có nơi chưa sẵn sàng phương án lực lượng, phương tiện, hậu cần cho các kịch bản phòng chống dịch. Kinh nghiệm chống dịch tại một số tỉnh bùng phát mạnh cho thấy các yếu tố quyết định trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 là: Ô xy y tế, thuốc và trang thiết bị y tế là đặc biệt quan trọng.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo, khẩn trương triển khai thành lập bộ phận điều phối ô xy y tế của tỉnh, thành phố và phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng bộ phận, lãnh đạo Sở Y tế làm phó thường trực bộ phận và thành viên thuộc các Ban, ngành, đơn vị liên quan.

Bộ phận điều phối ô xy y tế có nhiệm vụ chỉ đạo lập và tổ chức triển khai kế hoạch để bảo đảm cung ứng ô xy y tế cho công tác điều trị người bệnh COVID-19 và các bệnh khác trên địa bàn, trong đó cần chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở điều trị, lập phương án cung ứng ô xy y tế trên địa bàn với các nội dung chính như sau:  

Rà soát thực trạng, cập nhật tình hình sử dụng, dự báo nhu cầu ô ху у tế theo các tình huống số ca mắc COVID-19 trên địa bàn. Lập kế hoạch, báo cáo đề xuất Hội đồng nhân dân, UBND quyết định xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị hệ thống ô xy y tế phục vụ điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, thành phố.  

Phối hợp với các đơn vị sản xuất, cung ứng để tổng hợp, có phương án sẵn sàng tăng cường năng lực cung cấp ô xy y tế của các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp khi dịch bùng phát.  

Tổ chức kết nối, trao đổi thông tin giữa các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 với nhà sản xuất, nhà cung ứng để chủ động, lên phương án ký kết hợp đồng cung ứng, vận chuyển, cung ứng đầy đủ ô xy y tế phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 và phục vụ công tác quản lý, điều phối trong toàn tỉnh, thành phố.  

Theo dõi, điều hành công tác sử dụng ô xy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn. Chỉ đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố là đầu mối thực hiện khẩn trương cập nhật, rà soát có phương án thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo các tầng điều trị; Chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, thiết bị (bồn oxy, bình, chai...) đồng bộ, đáp ứng công suất để phục vụ điều trị người bệnh.  

Phân công cán bộ chuyên trách theo dõi liên tục kết nối cập nhật thông tin với Tổ công tác điều phối ô xy y tế - Bộ Y tế về tình hình cung ứng, kết quả hoạt động của bộ phận điều phối ô xy cấp tỉnh.

TP Hồ Chí Minh sẽ cấp đổi giấy đi đường mới cho người dân từ ngày 25/8. 

TP Hồ Chí Minh: Từ 0 giờ ngày 25/8 sẽ sử dụng giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông cấp mới

Công an TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo hướng dẫn thực hiện kiểm soát người được phép lưu thông trên đường theo các công văn 2796, 2800 và 2850 của UBND TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, từ 0 giờ ngày 25/8, TP Hồ Chí Minh sẽ cấp, đổi giấy đi đường mới cho các đối tượng

Theo đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, trước 0 giờ ngày 25/8, tất cả người được phép di chuyển trong 17 nhóm tại Công văn 2800 và nhóm bổ sung tại Công văn 2850 của UBND TP Hồ Chí Minh, phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp. 

Các Sở, ngành TP Hồ Chí Minh sẽ là đầu mối tổng hợp số lượng người (được phép di chuyển) tại các đơn vị, cơ quan trực thuộc rồi gửi cho Công an TP Hồ Chí Minh cấp giấy, cụ thể là Phòng PC08 và công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.

Các phòng có nhiệm vụ cung cấp giấy đi đường (mẫu mới) kèm chữ ký và đóng dấu cho các sở, ngành rồi điền vào theo thông tin trong mẫu và thực hiện. Sở, ngành sẽ căn cứ vào các nhóm được di chuyển tại Công văn 2800, 2796, 2850, sau đó tổng hợp số lượng, gửi danh sách đến Phòng PC08.

Sau 0 giờ ngày 25/8, không sử dụng mẫu giấy đi đường tại Công văn 2800, mà Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cấp giấy mới cho các đối tượng được phép lưu thông.

Trước đó, ngày 21/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 2800/UBND-VX điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại công văn số 2796/ UBND-VX về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Căn cứ tình hình triển khai thực tế, ngày 23/8, UBND TP tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 17 nhóm đã quy định tại công văn 2800/UBND-VX. Trong đó có sự điều chỉnh các lực lượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt gồm: Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật; người dân đi tiêm vaccine có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát; nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phâm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an thành phố cấp.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp ngày 25/8, Công an TP Hồ Chí Minh chưa cấp giấy đi đường mẫu mới cho những người trong 17 nhóm được phép lưu thông thì tùy tình hình sẽ "lưu ý các chốt, trạm xử lý linh động".