Tình hình COVID-19 ngày 21/8: Cả nước có 11.321 ca nhiễm mới; TP.HCM không phong tỏa, không ban bố 'tình trạng khẩn cấp' về dịch 2 tuần tới

(Mặt trận) - Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 21/8, nước ta ghi nhận thêm 11.321 ca nhiễm mới và 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; UBND quận Đống Đa đã ban hành Quyết định số 2516/QĐ-UBND về việc thành lập vùng cách ly y tế trên toàn bộ hai phường Văn Miếu và Văn Chương để phòng, chống dịch Covid-19; TP.HCM không phong tỏa, không ban bố 'tình trạng khẩn cấp' về dịch 2 tuần tới... đó là những thông tin về diễn biến tình hình dịch Covid-19 trong 24h qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Hà Nội thiết lập vùng cách ly y tế trên toàn bộ phường Văn Chương, Quận Đống Đa

* Cả nước có 11.321 ca nhiễm mới, 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21-8

Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 21-8, nước ta ghi nhận thêm 11.321 ca nhiễm mới và 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Cụ thể, tính từ 18h30 ngày 20-8 đến 18h ngày 21-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới, bao gồm 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (4.505), thành phố Hồ Chí Minh (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên - Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1). Trong đó, có 7.428 ca trong cộng đồng.

Ngày 21-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, thành phố Hồ Chí Minh tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Long An tăng 26 ca, Đồng Nai giảm 135 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.425 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng, Yên Bái. Ngoài ra, 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Hồ Chí Minh (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839), Tiền Giang (6.575).

Về tình hình điều trị, có thêm 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21-8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 140.087 ca. Ngoài ra, có 687 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 24 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Hiện, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 20-8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới. Số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa chuyển số liệu về.

 

Ngày 21-8: Hà Nội ghi nhận 64 ca dương tính, trong đó có 28 ca tại cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 20-8 đến 6h ngày 21-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 29 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 18 ca tại cộng đồng và 11 ca trong khu cách ly.

Các ca mắc mới phân bố tại 6 quận, huyện: Đống Đa (20), Hoàng Mai (3), Thạch Thất (3), Long Biên (1), Hoài Đức (1), Hai Bà Trưng (1); và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao (18), chùm ho, sốt thứ phát (9), chùm sàng lọc ho, sốt (2).

Riêng 18 trường hợp mắc mới tại cộng đồng được phân bố tại 5 quận, huyện: Đống Đa (12), Hoàng Mai (3), Hai Bà Trưng (1), Hoài Đức (1), Long Biên (1) và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao (11), chùm ho sốt thứ phát (5), chùm sàng lọc ho, sốt (2).

Thông tin cụ thể 29 ca mắc mới ghi nhận trong kỳ báo cáo như sau:

2 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc ho, sốt:

BN1: N.V.L, nam, sinh năm 1954, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. BN có triệu chứng sốt ngày 16-8. Ngày 18-8, BN khai báo y tế. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm kết quả xét nghiệm dương tính.

BN2: P.T.K.L, nữ, sinh năm 1963, ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa. BN có triệu chứng sốt, ho ngày 18-8. Ngày 20-8, BN đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được làm test nhanh dương tính, được lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định, kết quả dương tính.

18 BN thuộc chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao, trong đó có 11 BN tại cộng đồng:

BN1-BN11: N.Q.T, nam, sinh năm 1981; B.T.L, nam, sinh năm 1964; P.T.V, nữ, sinh năm 1949; V.M.Q, nam, sinh năm 1974; N.T.N.C, nữ, sinh năm 1956; Đ.K.D, nữ, sinh năm 1956; V.Đ.A, nam, sinh năm 2005; D.N.Đ.L, nữ, sinh năm 1972; N.P.Q, nam, sinh năm 2009; T.T.T, nam, sinh năm 2005; N.V.L, nam, sinh năm 1964. Các BN này đều sống tại khu vực nguy cơ cao, xung quanh ghi nhận nhiều ca bệnh ổ dịch. Ngày 20-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Ngoài ra, 7 BN còn lại thuộc chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao thuộc khu vực phong tỏa ở Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa.

9 BN thuộc chùm sàng lọc ho, sốt thứ phát, trong đó có 5 BN tại cộng đồng:

BN1: H.T.H, nữ, sinh năm 2001, ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức. BN là F1 (sống cùng nhà) với BN T.T.P. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

BN2: N.T.D, nữ, sinh năm 2006, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. BN là F1 (sống cùng nhà) của BN N.T.K.T. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

BN3: Đ.V.B, nam, sinh năm 1980, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. BN là F1 (sống cùng nhà) của BN M.T.T.P. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

BN4: N.D.A, nữ, sinh năm 2001, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. BN là F1 (sống cùng nhà) BN T.T.Q. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu kết quả xét nghiệm dương tính.

BN5: P.V.H, nam, sinh năm 1988, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên. BN là F1 (làm cùng kho hàng) của BN N.Đ.H. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu kết quả xét nghiệm dương tính.

Ngoài ra, 4 BN còn lại thuộc chùm ho, sốt thứ phát, trong đó, có 2 BN ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất là đối tượng F1 đã được cách ly tập trung từ ngày 22-7 đến 10-8. Sau thời gian cách ly tập trung, 2 BN về nhà tự cách ly. Ngày 12-8, sau khi có người đi cùng chuyến xe về nhà sau khi hết cách ly có kết quả dương tính với SARS-Cov-2, các BN được đưa về khu cách ly tập trung. Ngày 13-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. 2 BN còn lại, 1 người ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất và 1 người ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, đã được cách ly tập trung và sống trong khu vực phong tỏa, có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trưa ngày 21/8, Hà Nội ghi nhận 21 ca dương tính mới, gồm 9 ca tại cộng đồng và 12 ca trong khu cách ly.

Phân bố tại các quận, huyện gồm: Đống Đa (5), Hoàn Kiếm (5), Hà Đông (3), Hoàng Mai (3), Gia Lâm (2), Thanh Trì (1), Thường Tín (1), Long Biên (1).

Phân bố bệnh nhân theo chùm ca bệnh: Sàng lọc khu vực phong tỏa (4), Sàng lọc khu vực nguy cơ cao (3), Ho sốt thứ phát (13), liên quan TP Hồ Chí Minh (1).

Thông tin cụ thể về các ca sàng lọc khu vực phong tỏa, sàng lọc khu vực nguy cơ như sau:

Trường hợp thứ 1 là anh N.V.P., 38 tuổi, ở xã Tự Nhiên, Thường Tín. Bệnh nhân làm nghề lái xe chở hàng Hà Nội – TP HCM - Hà Nội, mỗi chuyến đi và về khoảng 1 tuần, chuyến gần nhất từ Hà Nội đi ngày 13/8, vào TP HCM đến địa chỉ phường An Phú Đông, Quận 12.

Ngày 18/8, anh P. ra đến Hà Nội. Ngày 20/8, anh P. đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì để có đủ điều kiện tiếp tục lưu thông, có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính, được cách ly tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và lấy mẫu xét nghiệm, ngày 21/8 có kết quả RT-PCR dương tính.

Trường hợp thứ 2 là cháu N.C.H.Đ., 10 tuổi, ở HH4C Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, là F1 của N.T.K.H, ngày 20/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 3, 4 là cháu Đ.A.Đ. (12 tuổi) và cháu Đ.P.N. (10 tuổi), cùng địa chỉ HH4C Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, là F1 (con) của M.T.T.P., ngày 20/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính

Trường hợp thứ 5, 6, 7 là ông Đ.Q.T., ông H.V.B. và bà N.T.T. đều ở Trần Quý Cáp, Văn Chương, Đống Đa, là những người sống trong khu vực nguy cơ cao, xung quanh ghi nhận nhiều ca bệnh, ngày 20/8, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h đến 18h ngày 21-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 14 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 1 ca tại cộng đồng và 13 ca trong khu cách ly.

Các ca mắc mới phân bố tại 4 quận, huyện: Đông Anh (11), Bắc Từ Liêm (1), Sơn Tây (1), Thanh Xuân (1) và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm ho, sốt thứ phát (13), chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (1).

Riêng 1 trường hợp mắc mới tại cộng đồng được ghi nhận tại quận Thanh Xuân và được phân bố theo chùm ho, sốt thứ phát (1).

Như vậy, tính từ 18h ngày 20-8 đến 18h ngày 21-8, Hà Nội ghi nhận 64 ca, trong đó có 28 ca ghi nhận tại cộng đồng, 36 ca tại khu cách ly.

Thông tin cụ thể 14 ca mắc mới ghi nhận trong kỳ báo cáo như sau:

13 bệnh nhân (BN) thuộc chùm ho sốt thứ phát:

BN1: N.V.P, nam, sinh năm 1974, ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.N. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 16-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN2: L.T.L, nữ, sinh năm 1993, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. BN sống trong khu nhà trọ có nhiều F0. Bệnh nhân được lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 13-8. Ngày 20-8, BN có biểu hiện ho, đau họng, được lấy mẫu. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN3-BN4: N.V.B, nam, sinh năm 2001; N.T.A, nam, sinh năm 2000; đều ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Các BN là F1 của BN N.T.Q. Ngày 12-8, các BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả âm tính. Các BN được đưa đi cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 12-8. Ngày 20-8, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN5: P.T.M.H, nữ, sinh năm 1992, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.P. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và cách ly tại Đông Anh từ ngày 15-8. Ngày 19-8, BN có biểu hiện ho, rát họng. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm dương tính ngày 21-8.

BN6: S.A.S, nam, sinh năm 1997, ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.N. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 16-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN7: N.T.B, nữ, sinh năm 1944, ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN C.T.N. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 17-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN8: T.T.B, nữ, sinh năm 1987, ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.N. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 16-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN9: M.T.N, nữ, sinh năm 1987, ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.N. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 16-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN10: T.T.T, nữ, sinh năm 1993, ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.N. BN được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 16-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN11: N.T.T, nữ, sinh năm 1971, ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. BN là F1 của BN N.T.N. BN được (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại Đông Anh từ ngày 16-8. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu lần 2 và có kết quả xét nghiệm dương tính.

BN12: N.D.H, nam, sinh năm 1996, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. BN là nhân viên Viettel Post Bắc Từ Liêm, ngày 9-8 được đi cách ly tập trung tại Khu cách ly Kiều Mai (đã có kết quả 2 lần âm tính). Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

BN13: Đ.V.Đ, nam, sinh năm 1992, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. BN là F1 (đồng nghiệp) của BN N.D.H. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm sau khi được xác định là F1 và có kết quả dương tính.

1 BN thuộc chùm ca liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh là N.V.T, nam, sinh năm 1987, được cách ly tại Trường Đại học Lao động - Thương binh và Xã hội, thị xã Sơn Tây. Bệnh nhân từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Hà Nội ngày 19-8. Ngay sau khi về đến Hà Nội, BN được chuyển cách ly tập trung tại Trường Đại học Lao động - Thương binh và Xã hội, thị xã Sơn Tây. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 2.554 ca, trong đó có 1.305 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 1.249 ca đã được cách ly.

Toàn bộ phường Văn Miếu được thiết lập cách ly y tế từ 18h ngày 21-8. 

Quận Đống Đa cách ly y tế toàn bộ hai phường Văn Chương và Văn Miếu

UBND quận Đống Đa đã ban hành Quyết định số 2516/QĐ-UBND về việc thành lập vùng cách ly y tế trên toàn bộ hai phường Văn Miếu và Văn Chương để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian áp dụng vùng cách ly y tế  tại hai phường là 14 ngày, từ 18h ngày 21-8 đến 18h ngày 4-9-2021.

Trước đó, ngày 13-8-2021, UBND quận Đống Đa đã ban hành các quyết định về thành lập vùng cách ly y tế tại hai phường trên nhưng theo từng khu vực. Cụ thể, đối với vùng cách ly y tế tại phường Văn Chương được thiết lập: Khu vực 1, gồm toàn bộ khu dân cư số 3 và một phần dân cư số 6 và số 8 với tổng số 900 hộ gia đình và 2.800 nhân khẩu. Khu vực 2, gồm một phần khu dân cư số 5 và 9 có tổng số 300 hộ gia đình với 1.100 nhân khẩu. Khu vực 3, gồm một phần khu dân cư số 7 và 9 có tổng số 260 hộ gia đình với 850 nhân khẩu. Tổng số hộ dân trong vùng cách ly tại phường Văn Chương là 1.460 hộ với 4.750 nhân khẩu.

Vùng cách ly y tế tại phường Văn Miếu, điểm phong tỏa tại ngõ 221 phố Nguyễn Khuyến, gồm toàn bộ hộ dân thuộc ngõ 221 Nguyễn Khuyến với 226 nhân khẩu. Điểm phong tỏa tại 40 phố Nguyễn Khuyến từ số nhà 38 đến số nhà 42 gồm 11 hộ gia đình và 50 nhân khẩu. Điểm phong tỏa tại 26 phố Quốc Tử Giám từ số 4 đến số nhà 34 phố Quốc Tử Giám, gồm 14 hộ gia đình và 43 nhân khẩu (không tính 7 nhân khẩu thuộc nhà 26 phố Quốc Tử Giám). Điểm phong tỏa tại 18 phố Ngô Tất Tố, gồm: Số nhà 61, 63, 65, 67, 69, 71 ngõ 38 phố Ngô Sĩ Liên có 6 hộ gia đình và 19 nhân khẩu; toàn bộ tập thể 18 phố Ngô Tất Tố gồm 36 hộ gia đình và 148 nhân khẩu; số nhà 35 Ngô Tất Tố gồm 1 hộ và 6 nhân khẩu. Tổng số dân tại 4 điểm phong tỏa là 492 nhân khẩu.

Thời gian áp dụng cách ly y tế hai phường trong vòng 14 ngày, từ 19h ngày 13-8 đến 19h ngày 27-8-2021.

UBND quận Đống Đa yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 theo đúng phương án UBND quận đã đề ra.

 Tổ quân y lưu động làm thủ tục tại sân bay Nội Bài.

Gần 300 bác sĩ, học viên Quân y lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Học viện Quân y tổ chức Lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Theo Quyết định của Giám đốc Học viện Quân y, Đoàn công tác có 295 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, trong đó có 113 bác sỹ, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư, do Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Hệ trưởng hệ sau Đại học làm Trưởng đoàn.

Công việc cụ thể của 60 tổ quân y lưu động là tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

"Lần này đi quan trọng hơn rất nhiều. Các bác sĩ, học viên thực hiện đúng chức năng, đến tận cơ sở, từng nhà dân chăm sóc, điều trị, phòng chống COVID-19 và cả những bệnh nền khác”, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết.

Từ 21 - 23/8, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đường hàng không.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam.

TP.HCM sẽ tạm ngưng shipper giao hàng ở TP Thủ Đức và 7 quận, huyện. Ảnh: LÊ TH 

TP Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp chống dịch từ 0 giờ ngày 23/8 đến ngày 6/9

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện việc "ai ở đâu ở yên đó" kể từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trước ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch” kể từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.

Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện việc "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly nhà; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn; thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao ("vùng cam”, “vùng đỏ”) để tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, duy trì các Tổ tự quản bảo vệ "vùng xanh", đi chợ thay cho người dân…

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương phối hợp với Công an Thành phố tham mưu thực hiện quản lý hoạt động của đội ngũ người giao hàng (shipper) trong việc tổ chức phân phối hàng hóa đến các hộ dân; giao Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức nghiên cứu, thực hiện các biện pháp bố trí để người dân đi chợ 1 lần/tuần đối với “vùng xanh”.

Riêng lực lượng giao hàng sử dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại Công văn 2491 ngày 26-7 của UBND TP.

Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tiếp tục chăm lo tốt an sinh xã hội, hỗ trợ đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn…

Giao Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong; chú trọng đẩy nhanh công tác xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp… Thành lập thêm 400 Trạm y tế lưu động (thành phần gồm 1 bác sĩ, 2 y tá, điều dưỡng, 4 tình nguyện viên Thanh niên xung phong, Thành đoàn) tại các khu vực có nhiều F0, có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi đang điều trị tại nhà. Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh… và chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời đối với việc tiêm vaccine, tiêm càng sớm càng tốt, không kén chọn vaccine và tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng dịch. 

Giao Sở Công Thương trên cơ sở hệ thống phân phối sẵn có của thành phố, phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để người dân thiếu hụt nguồn cung, hàng hóa trong mùa dịch.

 Ông Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi họp báo Ảnh: TÁ LÂM

TP.HCM không phong tỏa, không ban bố 'tình trạng khẩn cấp' về dịch 2 tuần tới

Chiều 21-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Phát biểu mở đầu hop báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, cho biết sau khi công bố thông tin TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp nhằm tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch COVID-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23-8, do tâm lý hết sức lo lắng nên sáng nay đã ghi nhận tình trạng bà con ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hoá.

“Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đe doạ trực tiếp tới nguy cơ làm làm lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch” – ông Hải nói.

Do vậy, ông Hải cho biết, Ban Chỉ đạo khẳng định: Không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới, không thực hiện “tình trạng khẩn cấp” về dịch bệnh. Lý giải điều này, ông Hải cho biết vì theo Khoản 2, Điều 42 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm qui định Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể làm ngay thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố.

Ông Hải nhấn mạnh: TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh.

Cụ thể, TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng y tế, công an, quân đội và nhiều lực cán bộ, công chức, người tình nguyện. Công an đã có, quân đội đã có, lực lượng y tế đã có và đã được Trung ương tăng cường rồi, làn này tiếp tục tăng cường hơn nữa, chứ không có nghĩa là chúng ta đưa quân đội vào quá nhiều” – ông Hải nói.

Tiếp nữa là TP.HCM tăng cường phương tiện như máy móc thiết bị, xe xét nghiệp, dụng cụ xét nghiệm, thuốc… “Chúng ta đã có những phương tiện đó nhưng bây giờ tăng cường nhiều hơn trước tính chất, quy mô dịch bệnh tăng nhanh” – ông Hải nói.

TP.HCM cũng tăng cường lương thực, thực phẩm để tiếp tục chăm lo cho người dân tốt hơn để người dân yên tâm cùng TP phòng chống dịch bệnh. “Chính phủ đã hỗ trợ 130.000 tấn gạo cho 24 tỉnh thành, trong đó TP.HCM được hỗ trợ 71.000 tấn gạo” – ông Hải.

Cuối cùng là tăng cường siết chặt. “Chính vì chúng ta giãn cách chưa nghiêm, bây giờ siết chặt để giãn cách nghiêm hơn. Chính vì chúng ta kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm nên bây giờ phải tăng cường siết chặt nghiêm hơn” – ông Hải nói và cho biết đó là tinh thần của việc tăng cường và nâng cao các giải pháp chống dịch.

Về các giải pháp cụ thể, theo ông Hải, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã có văn bản số 2789 về tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, TP.HCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đào chống dịch” kể từ 0 giờ ngày 23-8 đến hết ngày 6-9 theo 5 nội dung cụ thể: 

Thứ nhất, thực hiện triệt để giãn cách xã hội, TP sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ").

Thứ hai, về chăm lo tốt an sinh xã hội: TP.HCM giao Sở LĐ-TB&XH TP tham mưu hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp miễn giảm tiền điện nước ở các nhà trọ.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong.

Thứ tư, về cung ứng hàng hoá: TP giao sở Công thương đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Thứ năm, về hoạt động của doanh nghiệp: TP chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu tại kế hoạch 2715 ngày 15-8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.

 Lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tìm F0 trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN

Bình Dương: 'Khóa chặt' 11 phường có ca mắc F0 dày đặc

Tối 21/8, Bình Dương ghi nhận 4.505 ca mắc COVID-19 (cao nhất nước), với tổng số trên 66.000 ca từ đợt dịch thứ 4. Trước tình hình trên, Bình Dương bắt đầu áp dụng việc "khóa chặt" 11 phường trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 22/8.

Đáng quan ngại, số ca mắc trong ngày tập trung nhiều nhất khi sàng lọc cộng đồng với 3.083 ca (chiếm 68,4%), khu phong tỏa 921 ca (chiếm 20,4%). Có 333 ca là kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 7,4%) và 168 ca tại cơ sở y tế (chiếm 3,7%).

Trong ngày thu dung điều trị 932 bệnh nhân; 42 ca tử vong. Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 13.598 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 5.722 bệnh nhân, tầng 2 có 7.286 bệnh nhân và tầng 3 có 590 bệnh nhân.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 66.447 ca mắc COVID-19; 550 bệnh nhân tử vong.

Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, số ca F0 những ngày qua tăng cao là do tỉnh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng. Điều đó chứng tỏ tỉnh đã đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót, lọt F0 trong cộng đồng. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch mà không phát hiện được ca bệnh thì coi như các biện pháp chống dịch của tỉnh không hiệu quả.

Từ ngày 22/8, theo Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, 11 phường có số ca F0 dày đặc phải siết chặt 24/24 giờ trong vòng 15 ngày, gồm 7 phường của thị xã Tân Uyên (Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp) và bốn phường của thành phố Thuận An (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa). Việc "khóa chặt" sẽ được bắt đầu từ ngày 22/8, người dân "ai ở đâu ở yên đó", "người cách ly với người, nhà cách ly với nhà". Trong thời gian "khóa chặt", người dân không được ra khỏi nhà, không được đi chợ, lực lượng quân đội sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm đến tận nơi cho người dân.

Lực lượng quân sự tỉnh Bình Dương đã xây dựng xong hệ thống khu cách ly và bệnh viện dã chiến nhằm đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo tháp 3 tầng. Sự chuẩn bị này giúp bảo đảm kịch bản 100.000 ca mắc COVID-19. Để ứng phó, Thường trực Tỉnh ủy giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế nguồn nhân lực khẩn trương điều phối, bổ sung thêm lực lượng cho hai điểm nóng của tỉnh là thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên.

Bình Dương cũng đã được Cục Dự trữ phía Nam xuất kho trước 8,3 nghìn tấn gạo để phát cho người dân và sẽ ưu tiên cho 2 địa phương nói trên bắt đầu từ ngày mai. Sau khi xuất kho 8,3 nghìn tấn gạo đợt đầu, Bình Dương sẽ được Cục Dự trữ phía Nam xuất kho thêm hơn 3 nghìn tấn gạo đợt 2. Tổng hai đợt sẽ hơn 11 nghìn tấn.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 1.070.381 trường hợp, với tổng số tiền là 614,393 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.204 khu vực phong tỏa với 121.963 người; 18.389 người đang cách ly tập trung; 6.872 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 4.336 trường hợp F0 cách ly tại nhà.

Từ ngày 20-22/8/2021, Bình Dương triển khai tiêm vaccine đợt 21 và 22 gồm 265.210 liều cho các đối tượng. Với phương pháp vừa tiếp tục chiến dịch xét nghiệm diện rộng đợt 2 và tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 21, 22 với 250.000 liều.