Thừa lãnh đạo khi sáp nhập: Chọn ai cũng phải theo quy trình chặt chẽ

Nhiều lãnh đạo huyện xã sẽ "rời ghế" khi sáp nhập. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, việc chọn ai phải theo quy trình chặt chẽ.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Lượng hoá để có phương án xử lý

Hiện nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đang thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp theo chủ trương của Đảng. Câu chuyện “chạy” lại được dư luận quan tâm và có lãnh đạo tỉnh đã đề cập đến hiện tượng này khi tham gia góp ý vào đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng dư luận rất quan tâm về tình trạng “chạy” để giữ vị trí, chạy để nhập, chạy để không nhập. Theo ông, ý kiến của dư luận là hoàn toàn chính đáng và giúp việc xây dựng đề án trước khi trình các cấp có thẩm quyền chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa: Ý kiến của dư luận giúp việc xây dựng đề án sắp xếp chặt chẽ hơn

Việc khi sáp nhập 2 xã thì từ 2 Chủ tịch chỉ còn 1 Chủ tịch nên chọn ai phải theo một quy trình rất chặt chẽ. Tất nhiên, cần lượng hoá được những trường hợp cụ thể để khi có bất cứ trường hợp nào xảy ra đều có phương án xử lý hiệu quả, hợp lý. Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của chính sách. Ví dụ như có người đang làm chủ tịch, sáp nhập không làm nữa thì sắp xếp thế nào thì cần có hướng dẫn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, trong đề án do Bộ Nội vụ xây dựng có đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện sáp nhập để chống “chạy chọt”.

Một trong những nội dung đề án đặt ra là sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để bảo đảm bố trí những người đủ phẩm chất.

Theo ông Phan Văn Hùng, đề án còn nhấn mạnh đến việc chính quyền  địa phương các cấp phải chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi chuyển đổi giấy tờ liên quan, phí lệ phí và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát khi sáp nhập.

“Làm tốt 10 giải pháp này, cũng như thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp thì chúng tôi tin rằng việc triển khai sẽ đồng bộ và đạt kết quả tốt”, ông Phan Văn Hùng bày tỏ tin tưởng.

Có lộ trình với số cán bộ dôi dư

Liên quan đến chính sách với số cán bộ dôi dư, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí con người một cách tốt nhất phục vụ cho nền hành chính hiệu lực, hiệu quả nhất. Khi dự báo được, tính toán khoa học, sắp xếp hợp lý thì bộ máy đó sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết trước đây từng sáp nhập nhiều Bộ thành một bộ hay việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì số lượng cấp phó đến hàng chục người nên việc này cũng được tính toán khi lập đề án.

Không chỉ Bộ Nội vụ mà các địa phương khi làm đề án rất thận trọng vì yếu tố ổn định để phát triển. Đề án sắp xếp đã được sắp xếp một cách khoa học, bố trí hợp lý, có tính đến độ trễ trong một thời gian có lộ trình.

Ví dụ như khi sáp nhập sở thì theo quy định một sở không quá 3 phó giám đốc với sở thuộc tỉnh và không quá 4 phó giám đốc sở với Hà Nội và TP.HCM, nhưng khi sáp nhập 2 sở với nhau, một số địa phương tính đủ ngay số lượng cấp phó theo quy định, tuy nhiên, cũng có địa phương cho phép vượt và giảm dần khi những người này về hưu.

“Vừa qua, sắp xếp bộ máy đã giảm tương đối nhiều vụ, cục, nhiều bộ rất tích cực. Có những bộ giảm hơn 10% số đầu đơn vị, nhiều bộ trưởng đi đầu trong lĩnh vực này, thậm chí hạ từ tổng cục xuống cục, xóa nhiều đơn vị. Đặc biệt có nét đổi mới là trong các vụ không còn phòng”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm.