Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

(Mặt trận) - Chiều ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

 Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Buổi gặp mặt do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức. Cùng tham dự cuộc gặp mặt tại điểm cầu Chính phủ có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát - Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt đại diện những anh chị em, y, bác sĩ từng tham gia chống dịch trong suốt 2 năm qua, dù không gặp hết được những người đã tham gia chống dịch từ Bắc chí Nam trong suốt 600 ngày vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì các đồng chí đã làm trong suốt 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác.

Dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện các đợt dịch khác, các biến chủng khác, nhưng đợt dịch này đã tạm thời lắng xuống, được kiểm soát và chúng ta an tâm được phần nào. Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức cuộc họp, đánh giá bước đầu kết quả chống dịch và sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn, toàn diện, tổng thể hơn.

“Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Công việc còn nhiều, các chính sách với lực lượng chống dịch đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh, do thời gian vừa qua, chúng ta tập trung chống dịch cho nên việc hoàn thiện chính sách còn khiếm khuyết và có phần chậm trễ. Tinh thần của gặp mặt là chia sẻ khó khăn, đoán định những khó khăn sắp tới sẽ vượt qua thế nào”, Thủ tướng phát biểu.

Cũng tại cuộc gặp, các cơ quan sẽ tổ chức khen thưởng, động viên một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch. Công tác khen thưởng, động viên sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để kịp thời tôn vinh những người chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.

Các chiễn sĩ áo trắng đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện lời hiệu triệu lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành y đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thành một khối vững chắc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế của chúng ta với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch. Tinh thần ấy được thể hiện với những câu chuyện có thật chứa đựng sự hy sinh lớn lao; có những gia đình hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch. Nhiều cặp đôi đã chọn tâm dịch làm đích đến. Các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa chăm sóc bệnh nhân. Có những y, bác sĩ chưa kịp lên đường nghe tin người thân đau yếu, nhưng sau khi chăm sóc cho người thân ổn định đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ. Có những bác sĩ nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào Nam… Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang... Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, là tình đồng chí cao cả.

"Đến ngày hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận và biểu dương những cống hiến to lớn, tinh thần xả thân và nhiệt huyết của tất cả các chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch. Xin chân thành cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đã phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để lực lượng y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Xin cảm ơn các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an, dân quân, các tình nguyện viên, các lực lượng chức năng địa phương, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và cả những người mắc COVID-19 khỏi bệnh... đã luôn đồng sức đồng lòng kề vai sát cánh với đội ngũ thầy thuốc để hoàn thành sứ mệnh cao cả này.

Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn tới gia đình của các thầy thuốc mặc dù phải chịu sự xa cách và luôn lo lắng cho sự an toàn của người thân của mình, nhưng đã luôn ở bên cạnh, động viên, khích lệ, là điểm tựa, là niềm tin để các thầy thuốc vượt qua những gian khổ, hiểm nguy, hết lòng vì sức khỏe nhân dân.

Đợt dịch lần thứ tư đang từng bước được kiểm soát. Các thầy thuốc chi viện đang lần lượt trở về nhà với người thân và cuộc sống thường nhật, nhưng trong lúc này, các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai đã ngay lập tức tới Cà Mau, Thanh Hóa. Các trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn tiếp tục hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh tới cuối năm 2021 để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới. Chúng ta không được phép quên dịch COVID-19 vẫn đang còn và chúng ta không được phép lơ là, mất cảnh giác. Đây là lúc đội ngũ thầy thuốc cần đúc rút những kinh nghiệm quý báu đã có được từ thực tế chống dịch để tăng cường năng lực, chuyên môn, đồng thời phối hợp với các cấp các ngành thực hiện tốt các hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định phòng dịch và xây dựng những thói quen có lợi cho sức khỏe.

"Tôi cũng mong các cơ sở y tế có nhân lực tham gia chống dịch cần có những giải pháp chăm sóc đời sống vật vật chất và tinh thần, sức khỏe, cân bằng tâm lý đối với lực lượng này, để họ sớm bắt nhịp trở lại với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Xin chúc các chiến sĩ áo trắng nhiều sức khỏe, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sáng tạo và bản lĩnh đã được tôi luyện trong công cuộc chống dịch vừa qua để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân", ông Nguyễn Thanh Long mong muốn.

Chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi gặp mặt

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, trong chiến dịch phòng, chống dịch tại TPHCM hơn 4 tháng, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế, sau đó Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đồng chí Phó Thủ tướng khác, chúng ta đã thực hiện những chính sách, chiến lược đạt được sự thành công rất đáng tự hào cho đến ngày hôm nay.

Đó không phải là thành tích của cá nhân ai, như Nghị quyết 86 của Chính phủ đã nêu rõ xã phường là pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Ngành y tế muốn hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh sự nỗ lực cống hiến của anh chị em đồng nghiệp, sự quản lý chuyên môn, chúng ta có sự chỉ đạo của Đảng, thông qua Thư kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, chỉ đạo thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Bên cạnh đó các lực lượng quân đội, công an vào cuộc quyết liệt, tích cực với các cuộc hành quân số lượng lớn các các đồng chí bộ đội, công an vào TPHCM và các tỉnh phía nam để giúp xây dựng phòng tuyến vững chắc. Rất cám ơn sự đóng góp của các đồng chí đồng nghiệp bộ đội, công an, các bộ, ngành, địa phương tham gia xây dưng bệnh viện dã chiến.

"Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới, với hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, các đồng chí lãnh đạo địa phương, người dân cả nước thực hiện, làm theo cùng nhau, mỗi người có ý thức bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống trở lại bình thường", ông Nguyễn Trường Sơn nói.

BSCKII. Lý Thế Huy, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kiêm nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, mỗi nhân viên y tế đều vì bệnh nhân, xác định người bệnh như những người thân của mình, với mục tiêu là cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Áp lực, vất vả là thế nhưng chúng tôi chưa từng nghe lời than khổ từ đội ngũ y, bác sĩ. Ở đây, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân.

Tất cả mọi người đều đồng lòng, tập trung hết sức lực, trí tuệ của mình để điều trị bệnh nhân tốt nhất, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Và chính điều đó giúp tất cả nhân viên y tế ở đây từng ngày cố gắng vì nhau, vì bản thân họ biết được nền tảng từ sức mạnh đồng đội, sự gắn kết giữa các bệnh viện, đơn vị khác nhau, biết tương trợ và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Cục Y tế, Bộ Công an. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Cục Y tế, Bộ Công an bày tỏ, tôi may mắn hơn hàng chục, hàng trăm đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí khác của mình - những người đã mãi mãi ngã xuống trong cuộc chiến chống COVID-19 đầy cam go, khốc liệt này. Trong buổi lễ trang trọng này cho tôi xin phép được gửi  lời tri ân, vinh danh sâu sắc nhất đến với họ.

"Thời gian vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước. Chúng tôi, những người chiến sĩ mang 2 màu áo đã không quản ngại hiểm nguy, lên đường đi thẳng vào tâm dịch, với ý chí sắt đá, một lòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao phó, được nhân dân tin tưởng. Thậm chí có những đồng chí vừa hoàn thành cách ly sau khi tham gia chống dịch tại Bắc Giang đã xung phong đi chống dịch tại miền Nam. Chúng tôi ý thức rằng việc tiến ra tuyến đấu chống dịch là trách nhiệm, là vinh quang lớn lao đối với bất kì người chiến sĩ nào; là thực hiện, khẳng định lời thề danh dự của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng: “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”", Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện nói.

Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện chia sẻ, bất chấp khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm nơi tuyến đấu chống dịch, những cán bộ y tế trong lực lượng CAND luôn nỗ lực vượt qua, quyết tâm sắt đá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh công tác chăm sóc điều trị cho cán bộ, chiến sỹ CAND, còn phải chăm sóc, điều trị cho can phạm nhân nhiễm COVID-19. Đây là việc rất phức tạp. Vì điều kiện y tế, sinh hoạt ở các cơ sở giam giữ của Bộ Công an dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với bên ngoài; diện tích các buồng giam nhỏ hẹp, mật độ người cao; can phạm nhân không những có nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, HIV/AIDS…mà còn có sự phức tạp về tâm lý, không dễ dàng hợp tác như bệnh nhân thông thường. Nhưng xác định đây là việc chăm sóc, điều trị cho can phạm nhân là thể hiện sự nhân đạo, sự ưu việt của chế độ, của Nhà nước XHCN Việt Nam, chúng tôi đã làm hết sức mình để đến nay cơ bản tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giam giữ của Bộ Công an đã được kiểm soát, hạn chế tối đa thương vong.

Tri ân tới những người xung phong nơi tuyến đầu chống dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc gặp mặt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong số các đồng chí lực lượng tuyến đầu có mặt tại đây hôm nay, nhiều người đảm nhận hai vai - vừa là bác sĩ, vừa là nhà quản lý. Không chỉ là quân y, y tế công an, không chỉ là điều dưỡng, sinh viên, tình nguyện viên, giúp bác sĩ trong những bệnh viện còn có cả những bà sơ, có cả những người bệnh sau khi khỏi bệnh. Họ làm những việc không khác thầy thuốc, từ những việc rất cụ thể mà ai chăm sóc người nhà bị ốm cũng biết. Tất cả lực lượng y tế có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được. Phần thưởng lớn nhất là truyền thống của ngành y được nhân dân ghi nhận.

"Tôi xin cảm ơn tất cả các thầy thuốc Việt Nam, nhân đây chân thành cảm ơn các lực lượng tuyến đầu, cám ơn tất cả mọi người dân đã chung sức đồng lòng để có kết quả hôm nay là cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch vẫn chưa dừng lại, rất mong chúng ta tiếp tục tinh thần này", Phó Thủ tướng nói.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại cuộc gặp mặt

Tại cuộc gặp mặt, thay mặt cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gửi lời tri ân sâu sắc tới lực lượng tuyến dầu trong phòng chống dịch, trong đó có các thầy thuốc.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết đã cùng đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, bệnh viện dã chiến số 13, nơi giám đốc bệnh viện cạo trọc đầu để thuận tiện hơn khi làm việc; đồng thời cũng gặp mặt đại diện 3.000 bác sĩ xung phong chi viện cho TPHCM.

"Có bạn trẻ nói cả hai vợ chồng đều xung phong vào tâm dịch, rất vui vẻ nhận nhiệm vụ dù đã có con. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết có những bác sĩ đi xe máy vượt hàng nghìn km, tình nguyện vào chăm sóc cho bệnh nhân tại Bình Dương", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.

Khẳng định trong thời gian cam go vừa qua, các thầy thuốc không chỉ có bàn tay vàng, trái tim nhân hậu mà còn có thần kinh thép để cùng đất nước vượt qua đại dịch, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhận định, COVID-19 là thảm họa của thế giới, gây tổn thất nặng nề cho nhân dân, đất nước ta nhưng cũng giúp chúng ta nhìn nhận thấu đáo nhiều vấn đề mà bình thường chúng ta không nhận ra, bởi vậy thời gian tới, cần có đầu tư xứng đáng hơn cho ngành y tế để các thầy thuốc có điều kiện phục vụ nhân dân tốt nhất.

"Một kỹ sư ra trường được vào làm cơ quan nhà nước, có máy tính, có phòng điều hòa, có bàn làm việc, nhưng bác sĩ chỉ có giường bệnh, dù thời gian đào tạo dài hơn", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bảo đảm điều kiện thuận lợi để lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, gần 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và thách thức đối với mọi hệ thống y tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Gần 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; đưa cuộc sống của người dân từng bước trở lại trạng thái mới.

Thủ tướng cho rằng, trong hành trình gần 600 ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng mọi tầng lớp Nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh cao cả, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái luôn tỏa sáng… của đội ngũ bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ nhắc lại câu tục ngữ “Sinh ra trong cõi hồng trần - Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”; những y, bác sĩ không chỉ có trái tim nhân ái, mà còn có trí tuệ, sự chịu đựng, nghị lực phi thường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế; đồng thời chia sẻ, thấu hiểu về sự hy sinh, mất mát của những người trên tuyến đầu chống dịch. Thủ tướng cũng chia sẻ, đánh giá cao và tri ân người thân, gia đình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hơn 24 nghìn người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, đồng chí, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Trong đó, những câu chuyện đẹp như: câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như "bác sĩ 91” Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên và vẫn còn rất nặng nề. Do đó, Thủ tướng đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả tích cực, những kinh nghiệm quý thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp, nguy hiểm hơn; đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả. Vì vậy, ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, trong đó hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y, bác sỹ, nhân viên y tế.

Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế cùng với các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả; xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2022 và tiêm vaccine cho trẻ em; nghiên cứu xây dựng ngành COVID học để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, đồng chí, các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ, đoàn kết, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, coi đó là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu; tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Thủ tướng chúc các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc, những “anh hùng chống COVID”, những người gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng rất đáng tự hào luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.

Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 138 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt thứ 4.