Tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - “Báo cáo chính trị cần đề cao tinh thần dân tộc, nhân nghĩa, khoan dung, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó góp phần tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đó là đề nghị của bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khi phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười bốn (khóa VIII) ngày 5/7, tại Nghệ An.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương - phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam 6 tháng vừa qua, bà Trương Thị Mai khẳng định, Mặt trận đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, đại diện cho lợi ích chính đáng của nhân dân thông qua các chương trình giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào quá trình phát triển đất nước, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, hiện nay các báo cáo của Mặt trận không chỉ dừng lại ở báo cáo riêng của cơ quan mà phải mang được hơi thở lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, xứng đáng với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

“Báo cáo của Mặt trận sẽ mang đến sự truyền cảm và thuyết phục, lay động mạnh mẽ hơn khi Mặt trận đã phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân để người dân thấy được mình trong báo cáo của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội”, bà Trương Thị Mai khẳng định.

Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều tập trung nói đến vai trò của Mặt trận trong triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội. Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, để hiện thực hóa điều này, đã có những nghị quyết hiện thực hóa vai trò giám sát, phản biện xã hội, từ đó thể hiện tính công khai, minh bạch trong việc Mặt trận tham gia giám sát, phản biện xã hội và phải lựa chọn các vấn đề trọng tâm để giám sát, phản biện.

Trong việc nắm bắt tình hình nhân dân, bà Trương Thị Mai cho rằng Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc sớm hơn, chủ động nắm bắt, đánh giá tâm tư, nguyện vọng của nhân dân theo hướng đầy đủ, kịp thời, trực tiếp và thông qua những cách làm mới, đưa ra những dự báo chính xác từng sự việc và có những giải pháp hiệu quả trước những biến động của nhân dân trên địa bàn.

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, bà Trương Thị Mai đề nghị Mặt trận cần tiếp tục quan tâm tới những yếu tố phát triển kinh tế, xã hội để cùng góp phần tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề còn tiêu cực, hạn chế trong quá trình phát triển, những vấn đề gắn liền với đời sống của người dân.

Đối với các Tờ trình Đề cương Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX; Tờ trình về Dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi), bà Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo cần làm sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, yêu cầu của nhân dân đối với hoạt động của MTTQ trong tình hình mới.

Từ Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam và Đại hội XII của Đảng đã có nhiều văn bản đề cập đến vai trò của Mặt trận tham gia vào quá trình giám sát các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, bà Trương Thị Mai cho rằng, Mặt trận đã nỗ lực hết mình để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và đáp ứng được yêu cầu của Đảng trong quá trình xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tuy nhiên Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng cho hay, hiện nay, có nhiều vấn đề xã hội, quản lý xã hội chưa được giải quyết hiệu quả, một bộ phận nhân dân chưa được hưởng trọn vẹn những công bằng trong xã hội. Những hạn chế này Mặt trận cần nhận thức sâu sắc và nghiên cứu, đánh giá, đưa vào trong Báo cáo của Đại hội để đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu chung xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

“Báo cáo chính trị cần đề cao tinh thần dân tộc, nhân nghĩa, khoan dung, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó góp phần tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định.