Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì xây dựng đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội

(Mặt trận) - Sáng 1/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp 

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của Đề án đã khá đầy đủ. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…”. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV cũng nhấn mạnh yêu cầu “chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội Khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong giai đoạn mới”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cần nghiên cứu và chuẩn bị từ sớm, từ xa, tuyệt đối không bị động, luôn đổi mới, nâng cao chất lượng công việc. Thực tiễn cũng cho thấy, việc cải tiến, đổi mới hoạt động là yêu cầu tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Trong những khoá gần đây và Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV vừa qua, tinh thần đổi mới tại các kỳ họp luôn được quan tâm, chú trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, cách thức triển khai xây dựng Đề án cần bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ, chất lượng, nhiệm vụ được phân công; bám sát chủ trương của Đảng, các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đã xác định về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và đổi mới, cải tiến kỳ họp; kế thừa các kết quả tích cực từ việc thi hành Nội quy kỳ họp tại các kỳ họp trước và sự liên thông với các Đề án đổi mới khác đang được triển khai, nghiên cứu. Việc xây dựng được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ và đưa ra những đề xuất, kiến nghị có tính khả thi cao. Trước mắt, cần hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10.2021 để xem xét, báo cáo Quốc hội cho thí điểm triển khai một số vấn đề tại Kỳ họp thứ Hai và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp. 

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận kỹ, tập trung các dự thảo kế hoạch, phân công, đề cương sơ bộ.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường trực Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 277/NQ-UBTVQH15 ngày 23.8.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo; thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch, Phân công nhiệm vụ và Đề cương sơ bộ Đề án; thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo kế hoạch, phân công, đề cương sơ bộ.

Nghị quyết số 277/NQ-UBTVQH15 nêu rõ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng Đề án, bảo đảm mục đích, yêu cầu, chất lượng và tiến độ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Căn cứ kết quả nghiên cứu, Ban Chỉ đạo đề xuất những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật có có liên quan.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với các dự thảo Kế hoạch, Phân công nhiệm vụ và Đề cương sơ bộ Đề án và đã có nhiều ý kiến xác đáng vào các văn kiện này. Để có một kỳ họp Quốc hội thành công, quá trình chuẩn bị kỳ họp cần được thực hiện thật tốt, kể cả vấn đề bảo đảm ngân sách, công tác hậu cần và chuẩn bị các dự thảo luật, nghị quyết và các báo cáo trình ra Quốc hội tại kỳ họp. Do đó, các đại biểu đề nghị, cần gắn trách nhiệm cá nhân với từng nội dung công việc nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác chuẩn bị kỳ họp.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, một số đại biểu đề nghị, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm bổ sung nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức kỳ họp theo phương thức trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập trong triển khai các nhiệm vụ. Việc xây dựng, hoàn thiện Đề án cần thực hiện trên tinh thần rất khẩn trương. Trong tháng 9, Ban Chỉ đạo phải hoàn thành bước đầu Đề cương sơ bộ Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ Ba (diễn ra vào tháng 10 tới), báo cáo Quốc hội cho thí điểm một số nội dung tại Kỳ họp thứ Hai và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Tổ biên tập khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo, trình ký ngay sau phiên họp này. Văn phòng Quốc hội sớm có báo cáo tổng hợp công tác tổ chức các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhằm tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được trong công tác tổ chức kỳ họp Quốc hội để có đề xuất, kiến nghị trong dự thảo Đề cương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị,  Tổ biên tập coi trọng việc xin ý kiến các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Mặt trận Tổ quốc, các đại biểu Quốc hội chuyên trách; tham vấn các chuyên gia, Lãnh đạo Quốc hội qua các thời kỳ về dự thảo Đề án; đồng thời, cần tăng cường cơ chế phối hợp nhằm bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền thông suốt, hiệu quả.