“Nhà của quan chức lấy tên người thân thì ai có quyền kiểm tra”

Nhà của cán bộ nhưng người thân đứng tên, nhất là người thân làm doanh nghiệp thì thì ai có quyền kiểm tra vì họ không thuộc đối tượng kê khai.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (13/6), ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (cơ quan soạn thảo dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi) cho rằng việc chỉ quy định đối tượng kê khai tài sản ngoài cán bộ có cả con chưa thành niên và vợ/chồng thì cơ quan chức năng không làm gì được với tài sản của quan chức mà đứng tên anh, chị em, bố mẹ của họ.

“Bây giờ quan chức nào có 4, 5 cái nhà thì có bao giờ họ lấy tên mình hay tên vợ đâu. Toàn lấy tên những người thân cả, mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra vì họ không thuộc đối tượng kê khai”, ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.

Ông Phạm Trọng Đạt trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, sáng 13/6

PV: Tức là không kiểm soát được tài sản của người thân quan chức cũng là một kẽ hở?

Ông Phạm Trọng Đạt: Đây là kẽ hở, thực tế có trường hợp biết quan chức đưa tài sản cho người khác đứng tên nhưng mình không thể làm gì được vì không có quy định.

Những người được chuyển giao tài sản họ nói: “Tôi có phải đối tượng kê khai tài sản đâu mà hỏi thế. Tài sản đó tôi làm ra đấy, còn nếu tôi làm sai thì các anh bắt đi”. Làm sao mà bắt được!

PV: Lý do giới hạn đối tượng người thân phải kê khai tài sản như dự thảo là gì, thưa ông?

Ông Phạm Trọng Đạt: Ý kiến cho rằng đối tượng kê khai nhiều quá, không kiểm soát được và mở rộng như thế ảnh hưởng đến quyền tự do về tài sản.

Lý giải thế cũng hợp lý, nhưng ở khía cạnh nào đó về mặt phòng chống tham nhũng, đã là quan chức thì phải chấp nhận những ràng buộc. Như thế thì mới làm quan chức, không thì thôi, cái lý nó phải thế.

Quản lý của mình còn nhiều cái không hợp lý lắm nên phải làm từng bước.

PV: Về quy định đánh thuế 45% giá trị tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc cũng có nhiều ý kiến khác nhau?

Ông Phạm Trọng Đạt: Có người bảo như thế là hợp pháp hoá tài sản tham nhũng, nhưng không phải. Bởi vì đánh thuế cứ đánh thuế, phạt cứ phạt nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện ra tài sản này do tham nhũng hay phạm tội mà có thì vẫn khởi tố, không loại trừ trách nhiệm hình sự.

PV: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng nói chung và xây dựng dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi nói riêng, Thanh tra Chính phủ có gặp áp lực, khó khăn gì? 

Ông Phạm Trọng Đạt: Những khó khăn về mặt cơ chế thì đang từng bước tháo gỡ, hoàn thiện. Còn thực tế thì đúng là rất khó khăn, chẳng hạn ngay Cục Chống tham nhũng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này của Thanh tra Chính phủ thì nhân sự cũng chỉ có vài chục con người, trong khi nhiệm vụ rất nặng nề. Sự phân công, phân cấp cũng không ít vướng mắc. 

Thế nên phải cần có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mới phòng chống tham nhũng tốt hơn chứ không riêng một cơ quan nào có thể làm được. 

Hay như trong lĩnh vực thực hiện quy định về kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ được giao trách nhiệm chính nhưng hiện cũng mới chủ yếu tổng hợp, nghe báo cáo là chính. Thẩm định hiện cũng chưa làm tốt được. Không những không có công cụ đủ mạnh mà luật pháp cũng chưa cho phép vì đã phân cấp rồi. 

Ngay yêu cầu các cơ quan, địa phương gửi báo cáo để tổng hợp báo cáo cũng mệt mỏi lắm, nhiều khi hết hạn cũng chưa thấy nộp.

Theo tôi cần có một cơ quan chuyên về quản lý, lưu trữ, thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản. Có như vậy mới thống nhất, có cơ sở pháp lý và mới triển khai hiệu quả được. Chứ cứ như thời gian qua, ở các địa phương, bộ ngành có phát hiện được trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực đâu, rất hiếm. 

Quốc hội cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, còn con người thì đã sẵn sàng hết rồi!

PV: Xin cảm ơn ông!./.