Nâng cao vai trò Mặt trận trong giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân

(Mặt trận) - Sáng 21/9, tại Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp”. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - UBTƯ MTTQ Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 đã quy định quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Một trong những chức năng cơ bản của Mặt trận là phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; thực hiện tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, đồng thời tham gia giám sát việc giải quyết, trả lời của cơ quan Nhà nước đối với những vấn đề cử tri và nhân dân đã kiến nghị.

Cùng với việc tham gia tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, MTTQ Việt Nam đồng thời có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và giám sát, theo dõi việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền đối với những ý kiến, kiến nghị cử tri đã phản ánh. Việc giám sát, theo dõi kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan nhà nước đối với những nội dung cử tri đã kiến nghị là điểm mà cử tri quan tâm đặc biệt. Đây chính là nội dung để đánh giá tính hiệu quả trong suốt quá trình tham gia phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của MTTQ Việt Nam.

Trong thời gian qua, MTTQ các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu, đồng thời tăng cường giám sát việc trả lời, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề cử tri đã kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri và việc giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri của MTTQ các cấp, nhất là ở địa phương còn nhiều hạn chế, tính hiệu quả chưa cao, một số nơi còn hình thức, chưa phát huy được hết vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ hơn về kết quả đã đạt được, những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện việc giám sát xã hội; đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường vai trò của MTTQ trong giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp.

Về những kết quả đạt được, có thể nhận thấy công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân cả nước tại các kỳ họp Quốc hội đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những lĩnh vực, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh, kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị đã cụ thể, có địa chỉ và sát thực tế hơn; có sự trao đổi, phản hồi thông tin của các bộ, ngành được góp ý; kiến nghị được Đảng, Nhà nước ghi nhận, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại và hạn chế trong công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri và việc giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri của MTTQ các cấp như: hiệu lực, hiệu quả giám sát còn thấp, phương thức giám sát còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn; việc tập hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị còn trùng lặp ở các địa phương, các kiến nghị chưa được chuyển đến đúng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhiều kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời dứt điểm…

Một số giải pháp được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo để công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri và việc giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri của MTTQ các cấp đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới đó là: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN tiếp tục phối hợp với Ban Dân nguyện của Quốc hội nâng cao chất lượng tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kịp thời, kiên trì có văn bản kiến nghị tiếp sau giám sát, nhất là những vấn đề nhân dân bức xúc; kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị nhân dân gửi đến; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa giám sát mang tính nhà nước của các cơ quan dân cử với giám sát, phản biện mang tính xã hội của MTTQ các cấp; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong hoạt động giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri...

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực ghi nhận những ý kiến, kiến nghị tâm huyết của các đại biểu. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu, tổng hợp lại; những ưu điểm sẽ tiếp tục được phát huy và nhân rộng; các hạn chế, bất cập sẽ được tìm cách khắc phục, sửa đổi.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng cho biết, Ban Thường thực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hoàn thiện quy trình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; nâng cao chất lượng báo cáo, chất lượng trả lời; xây dựng Nghị quyết liên tịch về quy chế tiếp xúc cử tri, giám sát những ý kiến, kiến nghị của cử tri; đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức tiếp xúc cử tri… để công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri và việc giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri của MTTQ các cấp đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.