Mặt trận TP. Hồ Chí Minh đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

(Mặt trận) - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vào sự nghiệp phát triển đất nước bằng nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua sâu rộng. Đặc biệt, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt được những kết quả quan trọng.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Người dân TP. Hồ Chí Minh thả cá trên kênh Nhiêu Lộc góp phần bảo vệ môi trường, hưởng ứng Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". 

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Với diện tích 2.095 km2, dân số gần 8 triệu dân, trong đó có gần 2 triệu người nhập cư. Thành phố có 24 quận, huyện, 322 phường, xã, thị trấn với 1.980 ấp, khu phố. Các hoạt động trên địa bàn thành phố luôn hướng về cơ sở, đặc biệt là địa bàn dân cư. Trong thời gian qua, thực hiện Thông tri 04/TTr-MTTW ngày 3/5/1995 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Qua 20 năm (từ năm 1995-2015), Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được các tầng lớp nhân dân thành phố tiếp nhận và tích cực hưởng ứng thực hiện với nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả. Xuất phát từ thực tiễn Cuộc vận động đã được nhân rộng, đáp ứng yêu cầu của từng nội dung định hướng theo từng giai đoạn do Mặt trận Trung ương triển khai; tình làng nghĩa xóm; khối đoàn kết cộng đồng được mở rộng, củng cố và phát huy ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân từng bước được nâng lên; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố. Đảng - chính quyền - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể gắn bó sâu sắc với nhân dân, rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, triển khai thực hiện cuộc vận động. Cuộc vận động đã góp phần phát huy được các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống nhân ái, nghĩa tình, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội để cùng thực hiện các công trình, các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cuộc vận động đã nâng cao ý thức tự quản, chung sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngay từ khu dân cư góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh gắn bó mật thiết với nhân dân, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, trong đó công tác thi đua, khen thưởng chậm được đổi mới, chưa được quan tâm đúng mức, các mô hình chưa được theo dõi, đánh giá và duy trì thực hiện, việc bình xét và công nhận các khu dân cư thực hiện tốt Cuộc vận động, hay góp phần xây dựng khu phố, ấp văn hóa còn chưa thực chất, còn hình thức, chạy theo thành tích.

Để phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Đề án 04/ĐA-MTTW và Thông tri số 10/TTr-MTTW-BTT về triển khai và hướng dẫn thực hiện cuộc vận động mới, đó là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với mục đích không ngừng củng cố và phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; đồng bộ với phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và những nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức phát động nhân 85 Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/2015 và được triển khai thực hiện trong cả nước. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố xây dựng Kế hoạch số 94/KH-MTTQ-BTT ngày 2/8/2016 triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố và tổ chức phát động đồng loạt trên tất cả 24 quận, huyện vào ngày 14/8/2016; tổ chức các lớp tập huấn về nội dung, phương thức tổ chức thực hiện Cuộc vận động cho hệ thống Mặt trận từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các khu dân cư trên địa bàn Thành phố; tổ chức các hội nghị chuyên đề, khảo sát việc thực hiện Cuộc vận động nhằm góp phần từng bước thực hiện các nội dung cuộc vận động theo mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện cuộc vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến năm 2020, nhằm thống nhất công tác phối hợp và hướng dẫn, triển khai từ Thành phố đến cơ sở, tạo quy chế phối hợp cụ thể, trọng tâm hướng về cơ sở, đặc biệt là khu dân cư.

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định, 5 nội dung của Cuộc vận động đã được hệ thống Mặt trận thành phố triển khai thực hiện: công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm thực hiện thông qua phát huy hiệu quả nguồn Quỹ vì người nghèo, vận động nguồn lực để chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa luôn được hệ thống Mặt trận phối hợp với chính quyền và các ban ngành cùng cấp tiếp tục thực hiện. Công tác bảo vệ môi trường, duy trì “15 phút vì thành phố văn minh - sạch đẹp” do hệ thống Mặt trận chủ trì phát động, được các khu dân cư thực hiện thường xuyên, giải quyết được rất nhiều những tụ điểm rác thải gây ô nhiễm, mất mỹ quan nhiều năm nay; huy động được sức dân trong các hoạt động thả cá cải tạo môi trường nước, trồng cây xanh, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp; các tiêu chí về an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới được chú ý đưa vào Quy ước cộng đồng dân cư, đưa vào tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa khu phố, ấp văn hóa xã nông thôn mới và phường văn minh đô thị… qua đó, giúp người dân đoàn kết, chung tay, góp sức thực hiện để duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình, tinh thần sáng tạo của người dân thành phố trong sự nghiệp chung vì thành phố Hồ Chí Minh văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, như: công tác tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động ở một số địa phương còn chưa đi vào trọng tâm cụ thể, giải pháp thực hiện còn chung chung; các công trình đăng ký thực hiện chưa thực chất, chưa giải quyết nhu cầu bức thiết của địa bàn dân cư, việc thực hiện đăng ký còn hình thức, chiếu lệ, chưa huy động được sự chung tay của cộng đồng, sức mạnh tổng hợp của nhân dân; công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên, chính quyền tại cơ sở trong thực hiện cuộc vận động chưa được nhận thức đầy đủ, chưa phát huy được vai trò phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên; đặc biệt là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư vẫn còn lúng túng trong công tác triển khai, phối hợp thực hiện.

Một số giải pháp nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

1. Việc tổ chức, triển khai Cuộc vận động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc là đầu mối phối hợp thực hiện. Do vậy, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, huy động lực lượng các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền quán triệt mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động trong nhân dân để động viên nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia thực hiện.

2. Theo định hướng 5 nội dung của Cuộc vận động, Mặt trận các cấp tùy theo đặc trưng riêng gắn với những điều kiện, hoàn cảnh, nội lực của cộng đồng dân cư ở cơ sở để chủ động phối hợp triển khai và đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn những nội dung của Cuộc vận động theo định hướng thống nhất phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển và mục tiêu đổi mới của công tác Mặt trận.

3. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhưng với hình thức mới, cơ chế mới. Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về Cuộc vận động, tổ chức tập huấn đến các Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp.

4. Với yêu cầu “Phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động”, lấy khu dân cư là địa bàn quan trọng để triển khai Cuộc vận động. Đây cũng là yêu cầu đã được thực hiện có hiệu quả từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đó là Cuộc vận động lấy đoàn kết cộng đồng là sức mạnh, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân làm nội dung, lấy khu dân cư làm địa bàn thực hiện, lấy tự quản làm hình thức họat động, với phương châm: Vì lợi ích của dân - thực hiện bằng sức dân, do dân tự quản. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện; xã, phường phát huy trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ, định hướng hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận và thường xuyên thao sát điều kiện thực tế ở khu dân cư để đề ra những tiêu chí đánh giá phù hợp. Qua đó, góp phần động viên và tạo động lực để Ban Công tác Mặt trận hăng hái ra sức thi đua thực hiện tốt 5 nội dung của Cuộc vận động.

5. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thống nhất hướng dẫn khu dân cư, trong từng năm, cùng với việc triển khai thực hiện thường xuyên các nội dung định hướng của Cuộc vận động đã được cụ thể hóa phù hợp với đặc trưng của địa bàn, còn chọn đầu tư một số công trình phúc lợi thiết thực, ngắn hạn để đầu tư thực hiện, giúp người dân trên địa bàn thấy được kết quả cụ thể, qua đó họ phấn khởi vì biết công sức đóng góp của họ cho khu dân cư, cho công trình đã thành hiện thực và họ cũng được hưởng thành quả đó.

6. Xây dựng và củng cố thường xuyên Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để đủ sức quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện cuộc vận động phù hợp hoàn cảnh cụ thể và điều kiện kinh tế, đời sống của cộng đồng dân cư.

7. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp, xây dựng chương trình phối hợp cụ thể, đề ra các nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, thông qua đó Mặt trận vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

8. Phát huy công tác phối hợp, hiệp thương với các tổ chức thành viên, có phân công, phân việc cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, định kỳ sơ kết đánh giá công tác phối hợp và đề ra công tác phối hợp trong giai đoạn tới phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức.

9. Mặt trận các cấp cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động; tạo được sự thống nhất về tư tưởng trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong xuyên suốt quá trình thực hiện Cuộc vận động kết hợp với việc nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ chuyên trách Mặt trận đối với công tác thi đua, khen thưởng. Việc xác lập các tiêu chí, chỉ tiêu thi đua, khen thưởng phải cụ thể, có tính định lượng và gắn liền với mục tiêu của Cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bên cạnh đó, cần có nhiều hình thức tuyên dương, công nhận các khu dân cư, các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động.

10. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp kết hợp triển khai lồng ghép các chủ trương, chủ đề hàng năm vào Cuộc vận động và huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành cùng hỗ trợ cho khu dân cư; đầu tư nguồn kinh phí thực hiện Cuộc vận động theo hướng dẫn của Mặt trận Trung ương và bổ sung hỗ trợ các nguồn kinh phí khác cho khu dân cư hoạt động. Kịp thời tham mưu cấp ủy, đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân kinh phí hoạt động cho Cuộc vận động, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, từ đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận.

Triệu Lê Khánh

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

2. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

3. Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

4. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

5. Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 7/10/2016 về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

6. Hướng dẫn số 54/HD-MTTW-BTT ngày 26/9/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức hoạt động nhân Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư năm 2016.