Mặt trận chủ trì chương trình phối hợp giám sát trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Ngày 8/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, một số tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Tham dự lễ ký kết có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam Đặng Vũ Minh; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, cùng đại diện lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam, Đoàn TNCS HCM.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau thời gian chuẩn bị, trên cơ sở thống nhất với các bên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam ký kết và triển khai thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đoàn thể nhân dân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam ký kết và triển khai thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc ký kết hai chương trình phối hợp giám sát nhằm mục đích cùng cam kết, phối hợp thống nhất hành động trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề.

Bên cạnh đó, nội dung giám sát cũng tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành giáo dục, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổi sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ; Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật về quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện, chợ và trung tâm thương mại; nơi giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm. Giám sát trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án đang gây ô nhiễm; giám sát việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên trái quy định.

Theo đó, chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong năm 2018 sẽ giám sát tại một số tỉnh, thành phố đại diện các vùng, miền; Bộ Giáo dục và Đào tại và một số bộ, ngành liên quan; các cơ sở giáo dục, đào tạo ở Trung ương. Trong quý IV năm 2018, báo cáo kết quả giám sát về giáo dục đào tạo với Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Năm 2019, giám sát tại một số tỉnh, thành phố đại diện các vùng miền, một số cơ sở giáo dục, đào tạo các địa phương. Quý IV năm 2019, báo cáo tổng kết chương trình giám sát với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố triển khai giám sát ở địa phương.

Đối với chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm 2018, lựa chọn các địa bàn, đối tượng, hình thức giám sát thuộc các lĩnh vực như chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật trong quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp… giám sát và sơ kết, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Báo cáo kết quả giám sát với Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Năm 2019, tổ chức giám sát trên địa bàn toàn quốc, tổng kết chương trình giám sát giai đoạn 2017-2019, xây dựng và triển khai công tác giám sát giai đoạn 2020-2023.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, chương trình phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết 29 tập trung vào 05 nội dung; Chương trình phối hợp giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung vào 6 nội dung hết sức tập trung, cơ bản, qua đó khẳng định sự tăng cường phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về phát triển giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, ngay sau lễ ký 02 chương trình phối hợp giám sát này, các cơ quan, tổ chức liên quan, theo nội dung, nhiệm vụ đã được xác định, khẩn trương chủ trì, phối hợp triển khai để bảo đảm chất lượng nội dung, yêu cầu và tiến độ của chương trình đề ra. 

Thay mặt các đơn vị tham gia ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, việc ký kết này là hành động mang tính thiết thực, hiệu quả thông qua những vấn đề nóng bỏng, sát thực để huy động sự tham gia của toàn dân trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau lễ ký kết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành tài nguyên và môi trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tổ chức nghiêm túc, hiệu quả Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản và ứng phó với biến đổi khí hậu để tạo sự chuyển biến và hài lòng của người dân trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cam kết, Bộ sẽ thực hiện tốt nhất bản ký kết phối hợp với các bên liên quan, tạo sự đồng bộ, thống nhất để chương trình phối hợp giám sát được phát huy hiệu quả cao nhất.

Trước đó, mở đầu lễ ký kết, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những ngày vừa qua, cơn bão số 12 đã tàn phá nặng nề đối với các tỉnh Nam Trung Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên. Chia sẻ với những thiệt hại, khó khăn, mất mát to lớn đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các ban của Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; địa phương và nhân dân cả nước đã và đang kịp thời có những nghĩa cử hết sức cao đẹp chung tay hướng về đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão. MTTQ Việt Nam đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tinh thần chủ động, sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong công tác phòng, chống bão, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ủy ban TƯ MTTQ đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của mình, phát huy cao hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục có những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt hơn, quyết liệt, kịp thời, ủng hộ về vật chất và tinh thần, giúp nhân dân vùng bão lũ khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.