Không xa đâu Trường Sa ơi!

(Mặt trận) - Trong các ngày từ 15/4 đến 24/4, chúng tôi vinh dự là một trong những thành viên của Đoàn công tác số 7 do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn, cùng 223 đại biểu đến từ Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Học viện Phòng không Không quân, Quỹ học bổng Vừ A Dính - Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa… đi thăm, tặng quà, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền.

Trong trái tim mỗi người Việt Nam đều mơ ước một lần được đặt chân đến Trường Sa, lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc để được mang hơi ấm từ đất liền đến với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương - một phần máu thịt của Tổ quốc. Vậy là ước mơ của chúng tôi đã trở thành hiện thực khi có tên trong danh sách đoàn đại biểu đi thăm Trường Sa. Từ đây, những hình ảnh mà chúng tôi được biết qua báo chí đã hiện hữu trước mắt, chúng tôi đã thực sự được hòa mình vào biển khơi, hòa mình vào cuộc sống thực tế của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.

Với hành trình đi qua 11 hòn đảo và nhà giàn DK1, đúng 8h00 sáng ngày 15/4, tàu HQ 571 bắt đầu cuộc hành trình đưa đoàn công tác chúng tôi đến với Trường Sa thân yêu. Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, hiểu thế nào là say sóng, là biển khơi cuộn mình khi chịu ảnh hưởng bởi gió mùa, đoàn chúng tôi đã nhìn thấy hòn đảo đầu tiên - đảo Đá Lớn B. Cảm giác say sóng tan biến, thay vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được tận mắt chứng kiến sức sống của người lính Hải quân giữa nắng gió trùng khơi, chứng kiến màu xanh của những ruộng rau đang vươn lên cùng với gió biển và cảm nhận được niềm vui, sức sống của người lính trên đảo.

Với tất cả niềm tin, mong đợi của hậu phương gửi đến cán bộ, chiến sĩ trên đảo, thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã trao những món quà được chuẩn bị chu đáo từ đất liền đến tận tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn B với mong muốn bằng khát vọng tuổi trẻ, quyết tâm của bộ đội Cụ Hồ, mỗi chiến sĩ sẽ tiếp tục vững tay súng canh giữ biển trời quê hương.

"Ở đất liền, mỗi người cán bộ Mặt trận, các nhà tu hành, doanh nhân, kiều bào ta ở nước ngoài… luôn dành những tình cảm thân thương nhất cho biển đảo, cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân dân cả nước thấy được ý nghĩa của chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo, vận động nhân dân tham gia đóng góp để các đảo của Việt Nam ngày càng vững chãi, to lớn trong sóng biển mênh mông.", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Rời đảo Đá Lớn B, đoàn công tác tiếp tục hải trình đến với đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn, đảo Núi Le A, đảo Đá Thị, đảo Cô Lin, đảo Phan Vinh, đảo Đá Đông, đảo Đá Tây, đảo Đá Lát, đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Đến với các đảo, mỗi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được không khí tươi vui, rộn ràng trong những lời ca, tiếng hát; cảm nhận được sức sống mãnh liệt của các đảo dù trong phong ba bão táp, trong vị mặn của muối biển nhưng màu xanh vẫn vươn lên. Tại các đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa, chúng tôi như thấy được hình ảnh làng quê Việt Nam, thấy được sự quây quần của quân và dân, sự hồn nhiên của các em nhỏ và sự ấm áp của hơi ấm giữa đất liền và những người đang làm nhiệm vụ gìn giữ biển đảo quê hương.

PCT Trương Thị Ngọc Ánh thăm cơ sở vật chất của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn B.

Và cả niềm hạnh phúc vỡ òa khi đoàn công tác vượt qua những cơn sóng giữa trùng khơi để đến với Nhà dàn DK1/8. Nhìn từ xa, nhà giàn như một pháo đài thép, nhưng khi tiếp cận chúng tôi lại thấy giống như một ngôi nhà ấm cúng, mát mẻ với sự bao quanh của cây lá và rau xanh. Đến nhà giàn, chúng tôi mới thấu hiểu được giữa biển khơi, chiến sĩ nhà giàn coi "nước là máu, rau là thuốc". Ngắm nhìn khuôn mặt sáng bừng của người lính trẻ tuổi 20 hòa quyện với lá cờ Tổ quốc trong sắc xanh của nước biển, chúng tôi trào dâng một niềm tin mãnh liệt rằng vùng biển, đảo của Tổ quốc thân yêu sẽ mãi mãi được bảo vệ vững chắc bởi những cán bộ, chiến sĩ ngày hôm nay - các anh sẽ luôn bình tĩnh xử lý mọi tình huống, nỗ lực hết mình thực hiện đúng đường lối đối ngoại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và luôn có những hoạt động bảo vệ, chăm sóc, chữa trị cho ngư dân để ngư dân yên tâm bám biển.

Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giây phút lắng đọng nhất trong chuyến hành trình của Đoàn công tác số 7 là Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại Quần đảo Trường Sa và các chiến sỹ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Với nghi lễ trang nghiêm trong niềm xúc động sâu sắc, trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các anh, gửi tới các anh những bông hoa tươi thắm, những cánh hạc tung bay giữa biển trời quê hương, những giọt nước mắt hòa chung vào với những hạt mưa, mỗi thành viên trong đoàn kính mong các anh yên nghỉ trong muôn trùng sóng nước biển Đông và tự hào khi lòng biển luôn bao bọc, chở che cho các anh; gia đình, quê hương, toàn dân tộc Việt Nam luôn tự hào trước những hy sinh của các anh cho bình yên của biển trời Tổ quốc và mong linh hồn các anh luôn phù trợ, bảo vệ bình yên cho biển cả để ngư dân yên tâm bám biển, để mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn chắc tay súng trước muôn trùng biển khơi.

Cũng trong hải trình 10 ngày đến với quần đảo Trường Sa, đoàn công tác được tham dự Lễ chào cờ và hát quốc ca tại đảo Sinh Tồn và đảo Sơn Ca. Dưới lá cờ Tổ quốc đang tung bay kiêu hãnh trên nền trời xanh, cả đoàn chúng tôi hát vang, dõng dạc bài hát Quốc ca, từng lời hát như thấm vào gan ruột. Trong phút giây nghiêm trang ấy, tim chúng tôi xúc động dâng tràn. Nước mắt rưng rưng trong niềm hạnh phúc và tự hào vì những người lính Trường Sa hôm nay đang dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, để chúng tôi có một cuộc sống bình yên ở đất liền.

PCT Trương Thị Ngọc Ánh tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn B.

Tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Thị

Trong giây phút nghiêm trang ấy, chị Trần Ngọc Thanh, Việt kiều tại Hungari xúc động chia sẻ: "Là một Việt kiều xa quê hương, được hát Quốc ca dưới lá cờ đỏ sao vàng đã xúc động, nhưng còn xúc động hơn khi được chào cờ tại Trường Sa. Cũng bài Quốc ca ấy, màu cờ ấy, nhưng được hát ở Trường Sa, cảm xúc mãnh liệt khó gọi thành tên cứ trào dâng thật khó tả, xúc động trong từng nhịp đập, từng hơi thở. Điều đó luôn thôi thúc những Việt kiều như chúng tôi thêm yêu quê hương, đất nước và luôn hướng về biển đảo với lòng nhiệt huyết. Từ đó khơi dậy trong chúng tôi lòng quyết tâm chung tay giữ vững biển đảo quê hương, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam mến yêu".

Cũng trong niềm xúc động ấy, ông Bùi Trọng Khải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Giữa muôn trùng biển khơi, lời hát Quốc ca vang lên, điều đó đã tạo cho tôi sự xao xuyến, thiêng liêng và một dấu ấn rất sâu đậm. Đây là một dấu ấn không bao giờ quên được trong cuộc đời của mình. Vinh dự lớn của các đại biểu trong đoàn công tác là còn được dự buổi duyệt đội ngũ của các lực lượng trên đảo. Với những bước đi vững chãi của người lính đảo, các anh như truyền ngọn lửa của ý chí và niềm tin đến với người dân đất liền. Ngày đêm vượt qua khó khăn, các anh vẫn chắc tay súng bảo vệ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".

Chào cờ trên đảo Sinh Tồn.

Sau nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, chúng tôi được nghe 10 lời thề danh dự của quân nhân làm nhiệm vụ trên biển đảo, những lời thề đanh thép khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam; những câu "Xin thề" đầy tự hào, hãnh diện, vang vọng cả một vùng biển khơi, để từ đó càng thấu hiểu được trách nhiệm lớn lao của các anh với Tổ quốc mình. Ngoài 10 lời thề danh dự ấy, còn có “lời thề" mà Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc trước anh linh những người lính đã nằm lại Trường Sa bên cột mốc chủ quyền nhân kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Hải quân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988): “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta.” - Lời thề ấy, đang được quân, dân Trường Sa và cả nước chung tay thực hiện, để xây dựng một quần đảo Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm thiết về tình quân dân cá nước.

Với khát vọng hòa bình, khát vọng dấn thân của tuổi trẻ, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cùng đoàn công tác cũng đã thả rùa biển tại đảo Sinh Tồn, đảo Sơn Ca; trồng cây xanh và phóng sinh chim bồ câu trên bầu trời đảo Trường Sa với mong muốn biểu tượng hòa bình sẽ chắp cánh cho biển đảo Việt Nam luôn vững mạnh và những cán bộ, chiến sĩ bằng khát vọng tuổi trẻ, nhiệt huyết tuổi thanh xuân sẽ mang sức mình ra với Trường Sa thân yêu để cùng xây dựng vùng biển phía Nam của Tổ quốc tràn đầy sức sống.

"Mỗi cánh chim bồ câu tung bay trên đảo Trường Sa sẽ mang theo ước vọng hòa bình của Đoàn công tác số 7, để khẳng định lòng yêu hòa bình của mỗi người dân đất Việt và niềm mong muốn biển Việt Nam ngày càng thanh bình để ngư dân yên tâm bám biển.", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

PCT Trương Thị Ngọc Ánh cùng đoàn công tác phóng sinh chim bồ câu tại đảo Trường Sa.

Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa, đoàn công tác đã trực tiếp mang nhiều món quà gửi tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và tàu HQ 571. Trong đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ các hộ dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa, mỗi hộ 2,5 triệu đồng với mong muốn các hộ dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế; cùng với đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng trao 31 suất học bổng cho học sinh là con cán bộ, chiến sĩ đang làm việc trên quần đảo Trường Sa.

PCT Trương Thị Ngọc Ánh tặng quà cho các hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn.  

Với hành trình đong đầy cảm xúc, hầu hết các thành viên trong đoàn công tác tuy lần đầu ra thăm đảo xa nhưng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tham gia các hoạt động trên biển, trên các đảo và Nhà giàn DK1. Thông qua chuyến đi, các thành viên trong đoàn được trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; thấy được sự thay đổi to lớn của Trường Sa trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân và sự đồng hành chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân cả nước; tự hào và tin tưởng vào ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn gian khổ và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu.

Trò chuyện với các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn

Chia tay Trường Sa, chia tay những người lính luôn vững tay súng bảo vệ vùng biển bình yên của Tổ quốc, chia tay những tiếng còi tàu vang lên khi tạm biệt những người lính đảo để đến với hải trình tiếp theo, những cái níu tay bịn rịn, những cái ôm thật chặt giữa người tiếp tục cuộc hành trình và người ở lại, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đều mang trong mình niềm tự hào, niềm tin vào các anh, những chiến sĩ Trường Sa luôn viết tiếp bài ca bằng những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem trí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta.

Phóng sinh rùa trên đảo Sơn Ca.

Đất liền luôn dõi theo và hướng về các anh, hướng về biển đảo quê hương với những hành động thiết thực nhất góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến với các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các địa phương trong việc khẳng định chủ quyền, xây dựng và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 ngày càng vững mạnh; để mỗi khi nhắc đến quần đảo Trường Sa, mọi người sẽ tự nhủ với chính mình: “Không xa đâu Trường Sa ơi!”, câu hát nằm lòng ít nhất với ai đã từng một lần đặt chân đến Trường Sa.