Khai mạc Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp

(Mặt trận) - Sáng 17/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ Hai.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp 

Khắc phục tính hình thức trong thi đua, khen thưởng

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); xem xét, cho ý kiến về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. UBTVQH cũng sẽ xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao; xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 7.2021)

UBTVQH xem xét dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; xem xét, quyết định việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; đánh giá, tổng kết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung của Phiên họp này vừa chuẩn bị một bước cho Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, vừa xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng là một bước để triển khai chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Gợi mở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nêu rõ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là cơ hội để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nâng cao chất lượng công tác lập pháp phải gắn với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan đến chuẩn bị, trình và thẩm tra các dự án luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này, công tác lập pháp phải khắc phục được tình trạng "luật ống", "luật khung" và quy định cứng, chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ khiến luật chưa sửa xong đã thấy bất cập, dẫn đến "tuổi thọ" của luật thấp. Đồng thời, khắc phục được tính chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật.

Về những vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật Thi đua, khen thưởng cần cụ thể hóa, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 34-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Luật sau khi sửa đổi phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời, bảo đảm hướng nhiều hơn về cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh; quan tâm khen thưởng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải cụ thể hóa, thể chế hóa được tư tưởng, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ đối với công tác thi đua, khen thưởng; quan hệ giữa thi đua và khen thưởng; quan hệ giữa khen thưởng theo thành tích, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng cho thành tích từng năm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật cần khắc phục cho bằng được tính hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm tính công khai, minh bạch cũng như bao quát, phổ cập được giữa khu vực công và khu vực tư, nhất là khu vực doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần áp dụng một cách nghiêm ngặt trình tự xây dựng pháp luật, tránh tình trạng "Chính phủ đã giao cho Bộ, Bộ giao cho Thứ, Thứ giao cho Vụ, Vụ giao cho chuyên viên"; tình trạng thẩm tra hời hợt dẫn đến luật ban hành xong lại bắt đầu sửa.

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chăng chỉ nêu ý kiến về thành lập Đoàn giám sát còn việc xây dựng đề cương, kế hoạch tổ chức thực hiện như thế nào thì phải giao trách nhiệm cho Đoàn giám sát xây dựng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tổ chức thực hiện như thế nào mới là quan trọng để huy động sự tham gia của các đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND địa phương, các cơ quan của Quốc hội.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thì phải giải quyết, tạo chuyển biến cho bằng được, nhất là những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài dẫn đến tình trạng tập trung khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan Trung ương rất phức tạp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân do Ban Dân nguyện trình và là một bước để tổ chức thực hiện tốt hoạt động giám sát tối cao. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, kể từ Phiên họp lần này, công tác dân nguyện và giải quyết khiếu nại, tiếp công dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hàng tháng chứ không chờ đến Kỳ họp Quốc hội.

Về định mức chi thường xuyên, Chủ tịch Quốc hội nhận định, cùng với định mức chi tiêu công, đầu tư công, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định về định mức chi thường xuyên - đây sẽ là căn cứ để xác định tỷ lệ điều tiết và xây dựng dự toán ngân sách năm 2022 mà Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV sẽ quyết định. Đây là việc làm hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả thời kỳ ổn định ngân sách năm 2022 -2025.

Về điều lệ mẫu của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cơ sở để Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thực hiện một cách nhất quán, thống nhất theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Đặc biệt là việc thành lập tiểu ban, cơ cấu của các tiểu ban theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm vừa huy được vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội không chuyên trách theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tránh tình trạng đại biểu không chuyên trách đăng ký vào các Ủy ban thì nhiều nhưng tham gia thì ít hoặc không tham gia thì không thể bảo đảm được nguyên tắc hoạt động Quốc hội là biểu quyết tập thể và quyết định theo đa số.

Ảnh: Lâm Hiển 

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ

Về đánh giá, tổng kết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Nhất vừa qua có khối lượng công việc nhiều hơn, chất lượng cao hơn nhưng lại rút ngắn được thời gian nhiều hơn (rút ngắn 3 ngày so với chương trình đã quyết định tại Phiên trù bị, giảm đến 8 ngày so với dự kiến ban đầu). Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ bài học nào để cho thấy tại sao chỉ trong một thời gian rất ngắn, không có chương trình trước nhưng Quốc hội vừa bổ sung, vừa quyết định việc đại sự là trao quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 đang rất phức tạp hiện nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ những bài học nào cần rút ra để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai theo tinh thần "kỳ sau phải tốt hơn kỳ trước".

Về Kỳ họp thứ Hai diễn ra vào cuối năm nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu cho ý kiến bước đầu về nội dung, hình thức tổ chức trực tuyến toàn phần hay trực tiếp toàn phần hay kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Về nội quy kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, nghiên cứu về Đề án đổi mới nội dung của Kỳ họp và có những nội dung sẽ trình với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai xem xét cho áp dụng thí điểm ngay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ và phát biểu sôi nổi, liên tục để có chất lượng cao nhất. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra với tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong trình, thẩm tra, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm chất lượng hoạt động của Quốc hội được đổi mới, nâng cao ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ.