(Mặt trận) - Ngày 4/1, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba (Khóa VIII) đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Bùi Thị Thanh, Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, cùng các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2017, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Đảng, Nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong nhiều năm qua; toàn bộ 13 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra đều đạt và vượt.
“Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết tại Hội nghị.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, qua lắng nghe, tổng hợp ý kiến nhân dân, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII mới ban hành.
Đặc biệt, ngày 2/1 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ nhất. Hoạt động này đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công khai, minh bạch trong phát hiện, xử lý, kịp thời biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban Tổ chức đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí ở các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Trên tinh thần làm việc công tâm, khách quan, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 31 tác phẩm để trao các giải A, B, C và Khuyến khích.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, nhân dân và cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng khá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, chăm lo người nghèo, kịp thời hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, nhân dân và cử tri vẫn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao; nợ công còn ở mức cao; nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát; số lượng doanh nghiệp thành lập mới khá cao nhưng năng lực cạnh tranh thấp...; tham nhũng, lãng phí chưa thực sự bị đẩy lùi; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và việc công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp.
Từ những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và những diễn biến trong đời sống nhân dân, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, những vấn đề đó gắn liền với những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2017, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2018 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, công tác Mặt trận năm 2017 đã đạt kết quả toàn diện trên các mặt, góp phần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của các địa phương.
Trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trì việc tiếp xúc, lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước; quan tâm thăm hỏi, động viên, chăm lo và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, tôn giáo, người tiêu biểu, người uy tín trong cộng đồng; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng, thiết thực và hiệu quả đến cơ sở và khu dân cư; công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai theo quy trình chặt chẽ, chất lượng và hiệu quả hơn. Ở Trung ương, tiếp tục duy trì và triển khai mới một số chương trình giám sát phạm vi toàn quốc. Ở địa phương, Mặt trận đã lựa chọn các chuyên đề giám sát và phản biện xã hội liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đã trình bày Đề án tổ chức Đại hội Mặt trận các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày Dự thảo Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020.
Từ nội dung tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam.
Góp ý về chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, ông Lù Văn Que cho rằng, khiếu nại của dân có cái đúng, có cái sai, có cái vừa đúng vừa sai cho nên các cơ quan nhà nước cần phải làm rõ nếu đúng thì phải hoan nghênh còn nếu sai thì phải chỉ ra để dân còn rút kinh nghiệm.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, để tránh tình trạng “chúng ta phòng chống với nhau”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh việc cần phải dựa vào dân, phát động được toàn dân tham gia chống tham nhũng thì mới giải quyết được vấn đề.
Nêu ra giải pháp để Mặt trận làm tốt hơn nữa trong công tác này, ông Lù Văn Que cũng cho rằng, Mặt trận ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì nên tập trung vào giám sát và phản biện, từ đó kiến nghị với Trung ương sửa đổi điều lệ, cơ chế, chính sách cho phù hợp. Đặc biệt cần nêu cao vai trò chủ động của người dân, cần có cơ chế để người dân giám sát. Hiện nay một số cơ chế, chính sách còn mang tính đặc quyền đặc lợi, cần phải công khai để người dân biết và giám sát. “Hiện nay, cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý có hơn 1.000 người. Vậy 1.000 cán bộ là những ai thì phải công khai cho dân để họ biết, họ giám sát”, ông Lù Văn Que khẳng định.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn vào các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.
Đánh giá cao nhiều hoạt động của Mặt trận trong năm 2017, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong công tác phối hợp giữa Mặt trận với Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các tổ chức đoàn thể đã tích cực hơn để thể hiện rõ năm 2017 có bước phát triển mới và là nền tảng để tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu trong năm 2018.
Ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, Mặt trận và các tổ chức trong mỗi giai đoạn có những yêu cầu khác, có những nhận thức khác, khi có quyết sách đúng phải khẳng định được sự tham gia của nhân dân, sức mạnh của nhân dân.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, Mặt trận phải phát huy vai trò của Đảng giao cho trong việc giám sát và thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói. “Do vậy, không cần phải chờ văn bản mới làm mà phải tỏ thái độ phản biện trước các vấn đề mà Đảng chưa giao phó. Văn bản quy phạm của Đảng là cần, nhưng việc làm của chúng ta phải phát hiện sự việc để bảo vệ cho Đảng”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
Ông Phạm Thế Duyệt cũng khẳng định, Mặt trận cần có thái độ nghiêm túc trong thực hiện đường lối của Đảng, có ý thức trách nhiệm cao trong chỉnh đốn Đảng. “Mặt trận có 46 tổ chức thành viên, nên Mặt trận là nơi tập hợp tiếng nói của các tổ chức thì sẽ giúp cho Đảng hiểu được lòng dân để từ đó tiếp tục chỉnh đốn Đảng, cải cách thủ tục hành chính để giúp Đảng gần dân hơn”, nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
Trong phương thức hoạt động của Mặt trận, ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, cần thể hiện tiếng nói của dân chứ không phải chỉ truyền đạt ý kiến của Đảng. Dân nghĩ gì và nói gì thì Mặt trận phải mạnh dạn phản ánh với Đảng, phải thể hiện rõ được tiếng nói của Mặt trận.
Nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt cho rằng, Đảng là thành viên của Mặt trận, từ đó khẳng định mối quan hệ, làm việc của Đảng với Mặt trận. Cùng với phản biện của Mặt trận sẽ giúp Đảng khẳng định mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, giúp cho Đảng quán xuyến các vụ việc ở cơ sở.
Cũng theo ông Phạm Thế Duyệt, cần đổi mới thành viên của Đoàn Chủ tịch, phải đưa số lượng ngoài Đảng, các vị chức sắc tiêu biểu vào Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận để đa dạng hơn tiếng nói.
Khẳng định sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, theo ông Phạm Thế Duyệt, cần phải huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng và đóng góp cho đất nước.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh