Hà Nội: Chi tiết 3 vùng chống dịch được thực hiện từ ngày 6/9 đến ngày 21/9

(Mặt trận) - Chiều 3/9, tại cuộc họp báo, UBND thành phố Hà Nội cho biết, từ 6h ngày 6/9/2021 đến 6h ngày 21/9/2021, thành phố sẽ thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để phòng, chống dịch; Đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; Song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Sơ đồ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội thực hiện từ ngày 6-9 đến ngày 21-9. 

10 quận, huyện nằm trong Phân vùng 1 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg

Sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi, có thể thấy dịch tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận huyện khác đã giảm nguy cơ. Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi.

Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, TP quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất; Căn cứ các yếu tố mức độ nguy cơ của dịch, đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, thành phố thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; Đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; Song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; Tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

Thời gian thực hiện: Từ 6 giờ ngày 6/9/2021 đến 6 giờ ngày 21/9/2021.

Cụ thể, vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Về giao thông kết nối vùng 2, vùng 3: Có 53 đường qua sông, kênh; Trong đó, đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông và lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng quân đội, thanh tra giao thông, y tế, chính quyền địa phương; thực hiện trực 24/24 giờ.

Cơ chế vận hành: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam".

Đối với việc vận chuyển cung ứng lưu thông hàng hóa, cần chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phảm thiết yếu, đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt tại các khu cách ly, phong tỏa. Đối với các quận có ít hệ thống phân phối sẽ bổ sung các hình thức lưu động.

Trong công tác An sinh xã hội, cần thực hiện tốt an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, giúp người dân an tâm phòng, chống dịch. Tăng cường đội ngũ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo đặt hàng của người dân.

 Hà Nội kiên quyết, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch (Ảnh minh hoạ)

Duy trì sản xuất kinh doanh tại Phân vùng 2 theo hướng "3 tại chỗ"

Phân vùng 2 (phía Bắc, Đông sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao. Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong Vùng 2 cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.

Cơ chế vận hành: Tại khu vực nguy cơ cao “vùng vàng" và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình, mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Phân vùng 3: (phía Tây, phía Nam thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy.

Cơ chế vận hành: Theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng Phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Mục tiêu việc phân vùng này nhằm siết chặt Phân vùng 1. Kiểm soát luồng ra khỏi Phân vùng 1 sang Phân vùng 2 và Phân vùng 3. Đảm bảo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên Phân vùng để không đứt gẫy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công - tư. Giảm tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại Phân vùng 2, Phân vùng 3.

 Kiểm soát phương tiện tham gia giao thông về việc chấp hành quy định giãn cách.

Thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo các vùng

Cũng theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố nêu rõ, nguyên tắc thực hiện được thành phố đưa ra là thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng. Phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính. Thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại Vùng 2, Vùng 3.

Tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (Vùng nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”.

Quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…). Tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra-vào thành phố, các chốt ra - vào tại vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài; bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp.

Chủ động bảo đảm nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng kịch bản ở mức cao hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh ở xã, phường, thị trấn. Xây dựng các “pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23-8-2021.

Triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, bảo đảm công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24h.

Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhất là lực lượng công an phường, xã, cảnh sát khu vực, Tổ Covid-19 cộng đồng.

Tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn, đúng quy định theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định và chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.

Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội cho nhân dân trên địa bàn. Tăng cường thông tin, truyền thông thống nhất, kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, hiểu, tin, hưởng ứng, ủng hộ và người dân cùng làm; thực sự để người dân yên tâm và tự giác thực hiện phòng, chống dịch.

Tổ chức tốt Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn; kiểm tra kết hợp với với hướng dẫn, hỗ trợ xã, phường thực hiện, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các hạn chế, bất cập.

Căn cứ nội dung Chỉ thị này, phương án phân vùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do UBND thành phố ban hành và căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao; yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại từng vùng và liên vùng, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn kịp thời tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan. Thời hạn yêu cầu hoàn thành và báo cáo UBND thành phố trước ngày 5-9-2021.

Toàn văn Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội

 Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ cá nhân của người tham gia giao thông. Ảnh: Giang Huy.

6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường

Về đối tượng được cấp giấy đi đường, Công an TP Hà Nội cho biết đang dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp. 
Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị 16. 
Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định.
Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.
Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã. 
Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan. 
Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.
Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của Tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.
Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu. 
Về quy trình, có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3 , 4, 5 sẽ có 4 bước:
Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.
Bước 2, công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.
Bước 3, công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.
Bước 4, Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn. 
Với nhóm 2, 6 cũng có 4 bước:
Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...).
Bước 2, cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an TP.
Bước 3, Công an TP chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản.
Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân. 
 Ảnh: Kinh tế & Đô thị