Giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động bởi cơn bão số 3

(Mặt trận) - Đối với doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do cơn bão số 3, không còn tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải sát thực tiễn, khảo sát và phối hợp với từng xã, từng địa phương để rà soát. Nếu không còn tài sản bảo đảm mà có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ thì các tổ chức tín dụng vẫn cho vay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển 

Đây là câu trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sáng nay, 11.11 về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề, cơn bão số 3 vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, nhiều cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nặng nề.

Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thiệt hại về kinh tế do cơn bão số 3 gây ra ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gần 31.000 tỷ đồng, bằng 38% thiệt hại về kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển 

Nêu thực tế trên, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng có các chính sách hỗ trợ gì đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3?

Về giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3, đặc biệt là khách hàng và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, lãnh đạo NHNN đã trực tiếp đi khảo sát ở Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cơn bão số 3 và xác định dư nợ của 2 tỉnh này chịu tác động của cơn bão số 3 là khoảng 12 nghìn tỷ đồng.

NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình, để xác định mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng.

Cụ thể, theo thống kê của 26 tỉnh, thành phố, số dư nợ tín dụng của các khách hàng cá nhân bị thiệt hại khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3.

Bên cạnh đó, mỗi tổ chức tín dụng cũng cân nhắc, xem xét của cân đối nguồn vốn mình để đưa ra các gói tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay đã có 35 tổ chức tín dụng đã công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405 nghìn tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động cũng như các khoản lãi suất cho vay ưu đãi hơn.

Theo đó, tính đến ngày 31.10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27 nghìn tỷ đồng, hạ lãi suất cho khoản vay hiện hữu, với dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82 nghìn tỷ đồng.

Cho vay tín chấp được nhiều hay không, vai trò của địa phương là rất quan trọng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nêu rõ, để nhanh chóng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, ngày 17.9.2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả cơn bão. Nghị quyết giao NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đại biểu đề nghị, NHNN cho biết tình hình triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 143/NQ-CP như thế nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, "ngay sau khi Nghị quyết 143 được ban hành, NHNN đã dự thảo các thông tư hướng dẫn và xin ý kiến theo quy trình. Xác định đây là một sự cố cấp thiết nên NHNN cũng trình các cấp có thẩm quyền để xin ban hành theo thủ tục rút gọn".

Tuy nhiên, theo quy định, phần quyết định về phân loại trích lập dự phòng tự do đối với các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, đồng thời với xây dựng dự thảo thông tư, NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để sớm triển khai trong thực tiễn. Dự thảo Thông tư sẽ quy định nội dung và số dư nợ phát sinh trước ngày 17.9.2024.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Sơn La) chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nêu thực tế, ảnh hưởng của cơn bão số 3 có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân bị mất hết tài sản. Vậy ngành ngân hàng có giải pháp gì để các tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh khi họ không còn tài sản để thế chấp?

Theo Thống đốc NHNN, đối với doanh nghiệp và người dân, khi khó khăn không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay, tinh thần của NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải sát thực tiễn, khảo sát và phối hợp với từng xã, từng địa phương để rà soát doanh nghiệp, người dân chịu tác động của bão lũ, để quyết định cho vay. Nếu không còn tài sản bảo đảm mà có phương án kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ thì các tổ chức tín dụng vẫn cho vay.

Cũng theo Thống đốc, trên thực tế, đối với dư nợ về nông nghiệp, nông thôn có đến 20% khoản nợ cho vay bằng tín chấp chứ không cần tài sản bảo đảm. Cho vay tín chấp được nhiều hay không thì vai trò của địa phương rất quan trọng, vì địa phương là nơi quản lý trực tiếp doanh nghiệp và người dân tại địa bàn nên sẽ hiểu rõ, nắm rõ thực trạng.

"NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo, định kỳ tổ chức Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp, người dân với ngân hàng ở từng địa bàn. Các khó khăn vướng mắc về tín dụng và lãi suất đều được đặt ra và trong thẩm quyền cho phép, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ xử lý, vấn đề vượt thẩm quyền xử lý sẽ báo cáo NHNN", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.