Sau Hội nghị T.Ư 7, dư luận cho rằng, Đảng cần tiếp tục thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất và luật hóa trách nhiệm người đứng đầu.
Theo dõi Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xem xét, thảo luận Đề án về công tác cán bộ là rất cần thiết và đúng lúc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự mong đợi của cán bộ và nhân dân”.
Ông Lê Như Tiến. (Ảnh: Bình Minh)
Nêu thực tế thời gian qua, tình trạng chạy chức, chạy quyền không còn là cá biệt, Đảng cũng đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá tình trạng này là nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần coi vấn nạn này là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ ràng, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng là người “chạy” và người tạo điều kiện cho việc “chạy”.
Làm sao để nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền, nếu cán bộ có năng lực, phẩm chất, được tín nhiệm thì sẽ được tiến cử vào các vị trí lãnh đạo quản lý.
“Chúng ta cần phải dứt khoát thanh lọc đội ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất. Đã là cán bộ và làm công tác nào cũng không phải “nhất thành bất biến”, ở mãi một vị trí mà luôn luôn thay đổi. Nếu cán bộ không đáp ứng được công việc thì đây là cơ hội để chúng ta thanh lọc, chứ không nên có quan điểm “đã lên không xuống, đã vào không ra” – ông Lê Như Tiến nói và cho biết, thực hiện những biện pháp trên vừa tăng cường tính răn đe, ngăn ngừa tiêu cực, vừa tạo cơ hội cho cán bộ có đức, có tài phát triển.
Bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Nhấn mạnh đề án lần này đã chỉ ra được những kết quả, bất cập trong 20 năm thực hiện công tác cán bộ là rất thích hợp trong tình hình hiện nay, bà Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, Trung ương đã “bắt trúng bệnh” về công tác cán bộ, vấn đề còn lại là “kê đơn”.
“Chúng ta có đầy đủ tiêu chí, quy trình nhưng cuối cùng “sản phẩm” không được ưng ý. Vậy đâu là căn nguyên? Bổ nhiệm đúng, chọn người đúng nhưng nếu không giám sát tốt thì cán bộ cũng sẽ dễ sa vào hư hỏng. Cho nên Đề án lần này có đặt mục tiêu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực là rất đúng, rất trúng” – vị cựu đại biểu Quốc hội cho biết.
Đặt nhiều kỳ vọng khi Hội nghị nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bà Bùi Thị An cho rằng, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, ngoài điều kiện “cần” về bằng cấp, phải quan tâm đúng mức tới điều kiện “đủ” là trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ thực tiễn của cán bộ, cần có tranh cử thực chất, công khai, minh bạch, đối với mỗi vị trí lãnh đạo phải có nhiều ứng viên lựa chọn, có chương trình hành động rõ ràng. Bên cạnh ý kiến của người dân, cũng cần tham khảo thêm từ các tổ chức chính trị - xã hội để có cách đánh giá toàn diện về cán bộ.
Bên cạnh đó, bà An đề nghị cần thiết luật hóa trách nhiệm người đứng đầu. Cán bộ đề bạt sai thì người tiến cử cũng phải chịu trách nhiệm. Khi trao quyền, được chọn và chịu trách nhiệm về cán bộ được đề bạt thì khi đó người đứng đầu sẽ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình.
“Những người cán bộ tâm huyết vì dân, vì việc chung thì sẽ không bao giờ chọn người đút lót mà chọn những người có tài, có tâm để giúp bộ máy phát triển”- bà Bùi Thị An chia sẻ.
Đánh giá cao Đề án, bà Bùi Thị An nhấn mạnh thêm rằng: “Khi đã có tiêu chí cụ thể đối với từng vị trí và đánh giá hiệu quả thực tiễn của cán bộ thì sẽ loại được những người không đủ năng lực, không có chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cứ thế “sống lâu lên lão làng”, làm cản trở sự tiến bộ của người khác, của đơn vị. Và những người bị loại cũng sẽ tâm phục, khẩu phục. Để làm được việc này thì những người đứng đầu phải có tầm, có tâm, khách quan, minh bạch trong việc đánh giá cán bộ, không bị chi phối bởi bất cứ rào cản nào”.
Theo Kim Anh/VOV.VN