“Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội chính trị"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Sáng 4/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.

Tham dự cuộc họp có các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia Ban Chỉ đạo và các thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 do Bộ Chính trị quyết định thành lập gồm 6 thành viên, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chính là chỉ đạo cụ thể hóa Kế hoạch xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, báo cáo Bộ Chính trị trình Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến theo lộ trình trước khi Bộ Chính trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo do Ban Bí thư quyết định thành lập, gồm 12 thành viên do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Tổ trưởng.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo, một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, cơ cấu của quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác quy hoạch cán bộ nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo từ sớm và đã được đề cập ở nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Năm 2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ra Nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhưng việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mới được triển khai lần đầu ở khoá XI. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khoá trước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục xác định đây là nội dung rất quan trọng, dự kiến sẽ bàn ở các Hội nghị Trung ương tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị

Việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đây là bước bàn Kế hoạch để tiến hành việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thống nhất về phương pháp, cách đặt vấn đề, bước đi cụ thể, chưa phải là công tác nhân sự mà là bước quan trọng tiếp theo để làm công tác nhân sự.

“Làm quy hoạch, nhưng khác trước là làm quy hoạch cho nhiều khóa, lần này làm trực tiếp cho khóa sắp tới. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là làm thận trọng, chặt chẽ, tập trung nhưng dân chủ, dân chủ nhưng tập trung, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được có lợi ích gì ở đây cả, tuyệt đối tránh. Vì nó dính đến công tác chuẩn bị nhân sự, mà nhân là nhân sự cấp cao nên phải giữ gìn, làm phải có bước đi chặt chẽ, chu đáo, cẩn thận”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu, tiêu chuẩn đối với cán bộ được đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi tiêu chuẩn đối với cán bộ phải cao hơn và có tính toàn diện hơn, đặc biệt cán bộ phải vững vàng về lý luận chính trị, có trình độ chuyên môn tốt.

“Nhấn mạnh phải có trình độ hiểu biết về mọi mặt, đặc biệt là lý luận. Lý luận cơ bản, không biết đúng, hay sai, nói đúng không biết, nói sai không hay, đặc biệt liên quan đến đường lối, chủ trương, sắp tới đất nước ta phát triển như thế nào, nghe ai nói cũng phải cả. Vì vậy, phải có trình độ vững vàng về lý luận, chính trị. Như các đồng chí nói cụ thể về xây dựng Đảng, về luật pháp, chú trọng về lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lêch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị.

“Nó như con lươn, con trạch, uốn éo rất khéo. Ngày xưa Lênin đã nói, kẻ cơ hội chính trị nghe lãnh đạo ưa thế nào để nói theo lấy lòng. Chưa nói chuyện thân quen, quê hương, trước kia đã từng làm việc với nhau, cái này phải rất tỉnh táo. Các đồng chí nhấn mạnh đến tiêu chuẩn, yêu cầu, phải bổ sung vào”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, trong quy hoạch, bên cạnh nhấn mạnh đến tiêu chuẩn cũng cần tính đến cơ cấu. Đặc biệt, không quá nặng nề về quy trình hay số phiếu cao thấp, bởi trên thực tế có những người chạy phiếu.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo rất nặng nề, các thành viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm, phải công tâm, khách quan, trong sáng, không tư lợi. Bên cạnh đó, phải có con mắt tinh đời.

"Tuy chưa phải làm nhân sự cụ thể, nhưng là bước cụ thể để làm nhân sự.  Trước hết, Ban chỉ đạo phải thật sự công tâm trong sáng, gương mẫu. Trong sáng mà phải rất tinh. “Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Các đồng chí mà chọn sai là rất nguy hiểm. Phải tinh đời. Trước hết mình phải trong sáng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói tiếp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, sau phiên họp, Ban Tổ chức Trung ương cùng Tổ giúp việc hoàn chỉnh Kế hoạch của Bộ Chính trị, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo, của Tổ giúp việc để sớm ban hành, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đi vào hoạt động nền nếp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ, với phương châm làm chặt chẽ, làm bước nào chắc bước đấy, làm bước trước để chuẩn bị bước sau,  rõ đến đâu làm đến đó, không đợi làm cùng một lúc. Bên cạnh đó phải giữ kỷ luật, giữ thông tin./.

Theo Xuân Dần/VOV