Để lao động nữ được nghỉ hưu từ tuổi 55 đến 60?

Sáng 9/11, lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại nghị trường vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường sáng 9/11 (Ảnh: KT)

Lo ngại tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thảo luận tại hội trường, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.

Đại biểu Lê Thị Yến - Phú Thọ nêu thực trạng, nước ta hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền. “Năm 2006 tỷ số này là 109/100 và tăng lên rất nhanh. Năm 2013 là 113,8/100 và ước thực hiện năm 2017 là 113/100. Số tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tăng nhanh. Năm 2009 là 45/63 thì đến năm 2015 là 55/63 tỉnh” – đại biểu dẫn số liệu.

Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo khi muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ, nay lại có xu hướng gia đình ít con, trong khi hệ thống nuôi dưỡng người cao tuổi chưa phát triển, người cao tuổi vẫn mong muốn được ở cùng con trai. Mong muốn sinh được con trai lại trở nên rất dễ thực hiện khi khoa học, công nghệ y tế phát triển có thể chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi một cách dễ dàng. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành.

"Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra và không có giải pháp hữu hiệu thì theo dự báo của Quỹ dân số Liên hợp quốc đến giữa thế kỷ này ở nước ta sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững của đất nước, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và trật tự, an toàn xã hội" - đại biểu lo ngại.

Vị đại biểu tỉnh Phú Thọ cũng chỉ ra: Những nghiên cứu tại Ấn Độ, Trung Quốc đã chỉ ra rằng nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ phải tìm cô dâu là người nước ngoài làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, tăng tỷ lệ mại dâm, hiếp dâm. Đây là những hậu quả có thể phòng, tránh được nếu chúng ta có ngay những giải pháp tích cực ngay từ hôm nay.

Đồng tình với phát biểu trên, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị đánh giá kỹ khả năng hoàn thành chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020. Theo đánh giá của Chính phủ chỉ tiêu này có khả năng đạt.

Đại biểu đề nghị cần phải có đánh giá thật cụ thể từng nguyên nhân để có biện pháp can thiệp hiệu quả. Tiến hành đồng bộ các giải pháp từ truyền thông chuyển đổi hành vi trong đó việc tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục người dân thấy được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Ban hành những quy định mang tính pháp lý, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan đoàn thể, cơ quan pháp lý. Quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh.

Để phụ nữ lựa chọn quyền nghỉ hưu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu (Ảnh: KT)

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) trăn trở trước việc vai trò, vị thế của phụ nữ được cải thiện rõ rệt nhưng chưa tương xứng với những gì chúng ta nỗ lực. Theo đại biểu, chúng ta còn hình thức phân biệt đối xử một cách gián tiếp. “Hiểu một cách đơn giản là nhìn bề ngoài những việc làm quy định mang lợi ích đến cho phụ nữ nhưng khi xét kết quả hay tác động trở lại thì thấy ẩn chứa sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử ở đây. Cụ thể, trong Bộ luật Lao động là quy định về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự cách biệt. Chính sự cách biệt này dẫn tới hệ lụy là cản trở cơ hội được đề bạt, được đào tạo và khả năng được tiếp tục cống hiến của một nhóm phụ nữ” – đại biểu phát biểu.

Chia sẻ với đại biểu Châu Quỳnh Dao về việc trong quy định của pháp luật không tạo điều kiện, cơ hội cho một số các phụ nữ muốn tiếp tục cống hiến và đặc biệt là cơ hội thăng tiến nhưng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì vấn đề này có tính lịch sử. Vì trước đây Luật lao động muốn cho phép phụ nữ nghỉ sớm hơn và được hưởng thụ sớm hơn, vì thế thời gian về hưu của phụ nữ kéo dài hơn.

Đại biểu đề nghị, khi sửa đổi Bộ luật Lao động thì nghiên cứu rất kỹ quy định này. “Làm sao đó để cho bộ phận lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 tuổi đến 60 tuổi. Nhưng tuổi nghỉ hưu theo quan điểm của tôi là quy định 2 giới phải tương đương nhau. Còn phụ nữ ai có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 hay tuổi 56 hay tuổi 59 hay tuổi 60 là quyền của phụ nữ chứ không bắt buộc người phụ nữ phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi”.

Đại biểu cho rằng giải quyết như thế sẽ hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ sẽ có cơ hội để thăng tiến, cơ hội để cống hiến cho đất nước và cho xã hội./.

Theo Kim Thanh/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam