ĐBQH đề xuất ngăn chặn “tay không bắt giặc” trong dự án BOT

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần lưu ý tới kiểm soát các cán bộ móc ngoặc với nhà đầu tư khi phê duyệt tổng vốn đầu tư BOT.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Để thực hiện các mục tiêu phát triển của năm 2018, một trong những vấn đề quan trọng là phải có cơ chế đột phá để huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trong dân.

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) vì đây chính là việc làm thiết thực nhằm huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện một số dự án giao thông theo hình thức BOT ở nước ta đã khiến người dân lo ngại vì tính hiệu quả không như mong muốn. Liệu chúng ta có nên tiếp tục thực hiện dự án này nữa hay không?

BOT là hình thức huy động vốn của xã hội tốt nhất

Bên hành lang Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM bày tỏ quan điểm, dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT phải xem xét đặt ở đâu và tính cần thiết như thế nào. Khi xây dựng đường tránh, giữ đường cũ mà lại đặt trạm ở đường cũ thì phải tính toán kỹ lưỡng.

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

BOT là hình thức ký kết giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác giám sát. Muốn biết công trình giao thông đó tốn bao nhiêu tiền thì cơ quan kiểm toán thực hiện đầy đủ, khách quan là sẽ rõ. Hạ tầng giao thông đều phải minh bạch. Chúng ta có thể so sánh dự án giao thông với các quốc gia khác, dự án khác.

BOT là phương thức rất tốt nhưng thời gian qua, một số dự án thực hiện không được như mong muốn là do sự quản lý của chúng ta kém. Một số cán bộ móc ngoặc với nhà đầu tư BOT bằng nhiều cách như: Phê duyệt tổng vốn đầu tư không phù hợp nên thành ra nhiều người nhìn phương thức đầu tư công trình giao thông theo hình thức BOT trở nên xấu.

Dự án BOT giao thông nên để cho người dân chọn lựa

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, dự án BOT giao thông nên để cho người dân chọn lựa. Ví dụ người dân đi đường cao tốc thì phải trả tiền, còn nếu đi đường bình thường thì chất lượng đường xấu và dài hơn là do họ lựa chọn. Chúng ta không thể độc quyền, bắt buộc người dân phải sử dụng đi con đường nào.

Khi người dân đã đóng thuế cho Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống xã hội nhưng nếu chúng ta tiêu xài tiền thuế của nhân dân không tốt, đầu tư không đúng thì là sự bất hợp lý.

Đầu tư công trình giao thông theo hình thức BOT là phải qua hình thức thu phí. Cho nên có dự án mà 30 năm sau nhà đầu tư mới có thể thu hồi vốn và trả hết nợ. Sau đó, mới nghĩ tới chuyện có lãi.

Nếu chúng ta phê duyệt tổng vốn đầu tư hợp lý, kiểm toán minh bạch thì sẽ không có chuyện người dân phải bức xúc.

Trong điều kiện thâm hụt ngân sách như hiện nay, BOT là hình thức huy động vốn của xã hội tốt nhất. Nếu đầu tư xây dựng công trình giao thông BOT như hiện nay thì người dân rất sợ đầu tư vào hình thức này.

Phải lưu ý kiểm soát các cán bộ quản lý dự án BOT

Trước những bất cập của việc thực hiện dự án giao thông BOT như trong thời gian vừa qua, ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất nên rà soát lại cách thực hiện dự án giao thông BOT.

Hiện nay, có dự án do địa phương phê duyệt, có cái thì do cơ quan quản lý cấp Trung ương phê duyệt. Vì vậy, cần xem lại quá trình xét duyệt như thế nào, đặc biệt là những dự án bị người dân phản ứng. Có dự án được thực hiện theo chủ trương không bị sai nhưng cách thức thực hiện sai lệch thì chúng ta phải khắc phục.

Điều quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “tay không bắt giặc”.

Ngoài ra, chúng ta đặc biệt lưu ý tới kiểm soát các cán bộ quản lý những dự án BOT bởi vì họ rất dễ móc ngoặc với các nhà đầu tư để đội vốn lên, tăng mức thu phí, đặt công trình sai vị trí. Khi cán bộ tiêu cực thì chất lượng công trình giao thông có thể sẽ gặp vấn đề.

Chủ trương BOT là đúng nhưng cách thức thực hiện một số dự án kém, một số cán bộ thực hiện dự án thì tiêu cực, buông lỏng quản lý nên mới có chuyện người dân phản ứng không tốt.

Ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định, việc thực hiện xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT nên tiếp tục thực hiện bằng hình thức đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện bằng cách giao đất, giao mặt bằng, bảo lãnh một số trường hợp...

Việt Nam nên học tập các nước trong việc giám sát thực hiện dự án giao thông BOT nên không có chuyện thất  thoát nguồn vốn, tiêu cực khi thi công dự án...