(Mặt trận) - Ngày 4/9, Việt Nam ghi nhận 9.521 ca dương tính mới, trong đó số ca F0 tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đều giảm mạnh. Đây là nỗ lực không ngừng của đội ngũ tuyến đầu chống dịch để thực hiện bóc tách F0 trong cộng đồng nhanh nhất trong thời gian giãn cách xã hội tăng cường. Riêng tại tỉnh Bình Dương, khu điều trị dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát) đã ổn định trật tự, các bác sỹ đang nỗ lực để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
|
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân |
Việt Nam ghi nhận 9.521 ca nhiễm trong 24 giờ qua, giảm 5.373 ca
Trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận 9.521 ca mắc Covid-19 trong nước, giảm 5.373 ca so với 24 giờ trước đó. Tại thành phố Hồ Chí Minh giảm 4.395 ca, Bình Dương giảm 1.191 ca, Đồng Nai tăng 6 ca, Long An giảm 20 ca, Tiền Giang giảm 6 ca.
Cụ thể, theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 17h ngày 3-9 đến 17h ngày 4-9, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.521 ca tại 39 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (4.104), Bình Dương (2.485), Đồng Nai (992), Long An (544), Tiền Giang (148), Tây Ninh (137), Kiên Giang (125), Đồng Tháp (120), Quảng Bình (110), Bình Thuận (99), Cần Thơ (76), Đắk Lắk (73), Bình Phước (62), Hà Nội (52), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), An Giang (35), Nghệ An (32), Phú Yên (29), Quảng Ngãi (23), Thừa Thiên - Huế (22), Sóc Trăng (21), Bạc Liêu (15), Trà Vinh (14), Gia Lai (12), Sơn La (9), Thanh Hóa (8 ), Bình Định (7), Vĩnh Long (7), Cà Mau (6), Lâm Đồng (5), Ninh Thuận (3), Bắc Ninh (3), Bến Tre (2), Hà Tĩnh (1), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1), Đắk Nông (1); trong đó có 4.734 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 511.170 ca nhiễm, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 506.912 ca, trong đó có 279.742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện, có 10 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Hồ Chí Minh (245.188), Bình Dương (128.893), Đồng Nai (27.306), Long An (24.329), Tiền Giang (10.438).
Về tình hình điều trị, có thêm 11.848 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 4-9, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 282.516 trường hợp. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca, trong đó có 4.204 ca thở oxy qua mặt nạ, 1.267 ca thở oxy dòng cao HFNC, 173 ca thở máy không xâm lấn, 899 ca thở máy xâm lấn và 29 ca phải đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Trong ngày 4-9, tổng hợp số liệu tử vong do các sở y tế công bố trên trang cdc.kcb.vn ghi nhận 347 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (256), Bình Dương (45), Long An (9), Đồng Tháp (6), Đồng Nai (5), Khánh Hòa (5), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Đà Nẵng (4), Đắk Lắk (2), Hà Nội (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Vĩnh Long (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
|
Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng |
Những hoạt động nổi bật của ngành y tế trong ngày
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4239/QĐ-BYT ngày 04/9/2021 về việc tiếp nhận và phân bổ 1.405.000 test nhanh kháng nguyên phát hiện virus SARS-CoV-2 của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế ban hành văn bản số 7325/BYT-KH-TC ngày 04/9/2021 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc mua thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá.
Bộ Y tế ban hành công điện số 1309/CĐ-BYT ngày 03/9/2021 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19 tại xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 6296/SYT-NVY ngày 03/9/2021 về việc chăm sóc và quản lý người F0 trên địa bàn. Các trạm Y tế phường, xã, thị trấn, Trạm Y tế lưu động phải quản lý danh sách người F0 trên địa bàn bằng cách, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR phải khẩn trương gửi ngay danh sách F0 mới phát hiện về các Trạm Y tế hoặc Trạm Y tê lưu động để triển khai công tác chăm sóc.
TP. Đà Nẵng: Từ 8h00 ngày 5/9, Thành phố phân chia từng cấp độ nới lỏng các hoạt động xã hội theo từng địa bàn và mức độ nguy cơ (vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh). Người dân ở vùng đỏ là nơi phong tỏa cứng, phải thực hiện việc cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Vùng vàng áp dụng cách ly xã hội "cao hơn chỉ thị 16" với người dân sống (bao gồm cả điểm xanh dân cư bên trong vùng vàng).
Vùng xanh (thiết lập theo quy mô cấp phường, xã khi 14 ngày liên tục không có ca nhiễm cộng đồng), người dân được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày một lần.
|
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TTXVN phát |
TP Hồ Chí Minh: Số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 vượt mốc 10.000
Chiều ngày 4/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Thành phố ghi nhận 10.230 trường hợp tử vong do mắc COVID-19.
Ngày 4/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận trong 24 giờ qua có 4.104 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 245.188 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.
Thông tin về số ca F0 tăng vọt lên đến trên 8.500 trường hợp trong ngày 3/9, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khẳng định, số ca F0 tăng trong ngày 3/9 không có sự đột biến. Về tính chất, tình hình dịch vẫn như những ngày trước, do đó người dân không nên hoang mang.
Lý giải về vấn đề này ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế, những người test nhanh dương tính chỉ được tính là trường hợp nghi ngờ, F0 phải được xét nghiệm PCR để được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Trong thời gian qua, Thành phố tăng cường ưu tiên test nhanh để bóc tách F0 nhanh nhất, tiếp cận các trường hợp có khả năng mắc bệnh để có biện pháp hỗ trợ điều trị kịp thời với mục đích chăm sóc F0 tốt, hạn chế tử vong.
"Trong những ngày gần đây, số ca dương tính qua xét nghiệm PCR dao động khoảng 4.000- 5.000 trường hợp, tuy nhiên qua test nhanh dương tính khoảng 7.000-8.000 trường hợp. Nhiều địa phương đã lấy con số test nhanh dương tính làm xét nghiệm PCR nên số nghi ngờ chuyển thành chắc chắn nhiễm SARS- CoV-2 và được Bộ Y tế cập nhật nên số ca tăng vọt trong ngày 3/9", ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh đang điều trị 42.862 bệnh nhân. Trong ngày 3/9, Thành phố ghi nhận 256 trường hợp tử vong. Như vậy, tổng số tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 10.230 ca.
Đến ngày 3/9, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiêm được 6.321.049 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 5.923.063, mũi 2 là 397.986, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 691.358 người.
Liên quan đến thông tin ngày 3/9, TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca nhiễm tăng cao là 8.499 ca, ngày 4/9, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, không có sự tăng đột biến số ca nhiễm trong ngày tại TP Hồ Chí Minh.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, số liệu Bộ Y tế công bố hằng ngày là số những ca có kết quả RT-PCR dương tính. Nguyên nhân số ca F0 tăng cao trong ngày 3/9 đó là vì những ca có kết quả test nhanh dương tính trước đó được test lại bằng phương pháp RT-PCR đến nay có kết quả. Sau đó được cập nhật lên hệ thống cùng lúc vào ngày 3/9 nên khiến con số tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết đã làm việc với các bệnh viện, trung tâm y tế địa phương chấn chỉnh về vấn đề này để có con số chính xác nhất.
Hiện TP Hồ Chí Minh điều trị 42.862 bệnh nhân, trong đó có 3.106 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.770 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
|
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại huyện Hải Hậu - Ảnh: Kim Luyên |
Bộ Y tế hoả tốc đề nghị Nam Định điều tra ổ dịch Covid-19 có nhiều ca mắc là giáo viên
Bộ Y tế đã có công điện hoả tốc gửi UBND tỉnh Nam Định về việc điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19.
Công văn của Bộ Y tế cho biết, qua tổ chức lấy mẫu test nhanh sàng lọc cho đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định vào ngày 31/8/2021, Trung tâm y tế Hải Hậu đã ghi nhận 26 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định có 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là một số giáo viên, người nhà của giáo viên Trường mầm non Thị trấn Yên Định, đang sinh sống tại tổ dân phố số 2,3,4, thị trấn Yên Định và xóm 17 xã Hải Hưng, có tiền sử dịch tế đi lại và tiếp xúc phức tạp, khả năng lây nhiễm cao.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.
Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng; Bộ Y tế điện và đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo triển khai các nội dung.
Cụ thể, tiếp tục mở rộng điều tra dịch tế, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thông báo danh sách các trường hợp trên cho các địa phương liên quan để phối hợp thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ (bao gồm: người thân; cán bộ, nhân viên Trường mầm non; người tiếp xúc gần,...) tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Tổ chức giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe và tổ chức cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân mắc COVID-19, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Đồng thời, tổ chức khoanh vùng nhanh nơi bệnh nhân cư trú, sinh hoạt; tiến hành ngay việc xử lý khử trùng triệt để môi trường tại các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường rà soát, kiếm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, giám sát, cách ly y tế, xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây ra cộng đồng.
Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên từng địa bàn để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp.
Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân tại các địa bàn có trường hợp mắc COVID-19, địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lây mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Cũng tại công văn hoả tốc này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng chống COVID-19; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Đối với khu công nghiệp trên địa bàn, Bộ Y tế lưu ý tỉnh Nam Định cần thường xuyên đánh giá an toàn COVID-19 trong khu công nghiệp; tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây nhiễm vào khu công nghiệp.
|
Khu điều trị dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) |
Bình Dương: Mọi hoạt động tại Khu điều trị dã chiến Thới Hòa đã ổn định
Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, nhiều clip ghi lại cảnh nhân viên mặc đồ bảo hộ đẩy xe thức ăn vào bên trong khu điều trị dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thì hàng trăm F0 ùa ra chặn đường, xô đổ hàng rào để lấy thức ăn. Nhiều người lấy 5-10 phần, trong khi người khác không có phần nào. Trong lúc nhiều người chạy đến lấy thức ăn, dẫn đến xô đẩy, có người bị té ngã, ngất xỉu, thức ăn thì đổ đầy dưới nền.
Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Ngọc Vũ - Giám đốc y khoa Bệnh viện dã chiến số 1 Khu điều trị Thới Hòa, cho biết hiện nay Khu điều trị dã chiến Thới Hòa đang thu dung điều trị cho trên 13.000 bệnh nhân F0, trong khi đó nguồn nhân lực y tế chỉ có hơn 300 y, bác sĩ và kỹ thuật viên y tế.
Ngay trong đêm 2/9, Khu điều trị đã tiếp nhận số lượng lớn trên 6.000 bệnh nhân F0, trong đó nhiều trường hợp phải chờ tiếp nhận đến gần sáng. Tuy nhiên, đến trưa 3/9 những người này chưa kịp nghe sinh hoạt hướng dẫn các quy định nên xảy ra tình trạng trên.
Ngay sau đó, Quản lý Khu điều trị đã thông tin những nội quy, quy định của Khu điều trị để mọi người nắm kỹ và hiểu, đến ngày 4/9 mọi việc đã trật tự, đi vào nề nếp. Sắp tới, Khu điều trị được trang bị phần mềm quản lý số hóa và camera an ninh chất lượng cao, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác theo dõi, điều trị bệnh nhân của các y bác sỹ tại đây. Bệnh viện đã tổ chức cung ứng đủ suất ăn cho trên 13.000 bệnh nhân F0, không để xảy ra tình trạng F0 giành giật, chen lấn.
|
Người dân tỉnh Vĩnh Long đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh được tỉnh Vĩnh Long tổ chức xe đón về và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN |
Vĩnh Long áp dụng Chỉ thị 15 tăng cường từ 0 giờ ngày 5/9
Ngày 4/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ban hành văn bản về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh ở mức độ cao hơn so với Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm bắt đầu áp dụng từ 0 giờ ngày 5/9 đến hết ngày 15/9/2021.
Trong thời gian áp dụng giãn cách ở mức độ cao hơn so với Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu người dân không ra đường trong khoảng thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau, không tập trung quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Tỉnh tiếp tục dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Đối với việc tổ chức đám tang, tỉnh quy định tổ chức trong nội bộ gia đình, giảm số lượng thân nhân, cử đại diện người viếng đám tang, sắp xếp giãn cách không tập trung quá 10 người trong cùng thời điểm viếng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu thực hiện nghiêm việc hạn chế ra đường; giao Công an tỉnh thiết kế mẫu giấy đi đường đảm bảo thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh, cấp giấy đi đường cho công nhân trong khu công nghiệp, công nhân xây dựng các công trình do Trung ương quản lý trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 4/9, toàn tỉnh ghi nhận 2.185 ca mắc COVID-19, trong đó điều trị khỏi 1.839 trường hợp, tử vong 38 trường hợp. Tỉnh đang cách ly tập trung 482 trường hợp và cách ly tại nhà 1.152 trường hợp. Đến nay, tỉnh Vĩnh long đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 228.639 người, trong đó có 193.988 người tiêm mũi 1 và 34.651 tiêm mũi 2.
Long An kiến nghị sử dụng vaccine Pfizer để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho công nhân
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế cho phép sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho công nhân đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ đủ 4 tuần trở lên.
Theo UBND tỉnh Long An, dự kiến đến ngày 15/9, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tổ chức sản xuất trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa an tâm phục hồi sản xuất do phần lớn công nhân chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trong khi đó tỉnh chưa thể thực hiện tiêm hoàn thành 2 mũi vaccine cho công nhân do lịch tiêm vaccine Astrazeneca mũi 2 chưa đủ 8-12 tuần theo quy định của Bộ Y tế.
Do đó, Long An dự kiến sử dụng vaccine Pfizer vừa được phân bổ để tiêm mũi 2 cho công nhân đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ sau 4 tuần trở lên. Điều này nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, sớm đạt được miễn dịch cho lực lượng công nhân, tạo tâm lý an tâm cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ sử dụng số vaccine này để ưu tiên tiêm mũi 2 cho lực lượng công nhân đã tiêm mũi 1 trước đó; đồng thời tập trung thực hiện tiêm mũi 1 cho người dân các địa phương thuộc vùng vàng, vùng xanh.
Nhiều địa phương phát hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng
Chiều 4/9, Sở Y tế Nghệ An cho biết, sau 3 lần xét nghiệm sàng lọc cộng đồng miễn phí trên diện rộng cho tất cả người dân trên địa bàn thành phố Vinh đã phát hiện có 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó lần lấy mẫu xét nghiệm gần đây nhất (lần thứ 3) đã phát hiện 17 trường hợp dương tính.
Tại Bình Phước, chiều 4/9 Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước cho biết vừa phát hiện chùm 21 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại các khu nhà trọ thuộc ấp 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, được phát hiện sau khi một sản phụ xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã xác định được 169 trường hợp F1 và đang tiếp tục truy vết. Các khu vực phát hiện có ca mắc đều đã được phong tỏa. CDC Bình Phước cho biết hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây đối với chùm này. Tỉnh Bình Phước phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn vào ngày 30/6/2021. Đến nay, dịch đã lây lan tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố với 616 ca mắc.
Tại Bình Thuận, UBND huyện Tuy Phong đã ban hành Quyết định hỏa tốc áp dụng biện pháp cách ly y tế cộng đồng đối với toàn bộ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong do có liên quan đến các trường hợp nghi mắc COVID-19.
Theo ngành y tế huyện Tuy Phong, đến chiều ngày 3/9, tại xã Phước Thể đã có 9 trường hợp nghi mắc COVID-19. Đến nay, ngành y tế đã tiến hành truy vết được 85 F1 và 134 F2. Qua điều tra dịch tễ, ngành y tế huyện Tuy Phong cũng đã khoanh vùng được nguồn lây lan dịch COVID-19.
Trong 24 giời qua thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) liên tiếp ghi nhận 12 trường hợp F0 trong cộng đồng, theo đó đã phong tỏa thêm nhiều điểm, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai vào sáng 4/9, trong 12 trường hợp này có 4 F1 của 5 F0 thuộc Quân đoàn 3 (ghi nhận dương tính vào tối 3/9); hai trường hợp là nhân viên y tế tại Khoa Bệnh nhiệt đới - Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai; 1 trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà sau khi kết thúc cách ly tập trung tại huyện Ia Grai và 5 trường hợp “tái dương tính”.