“Chống suy thoái phải không được nguội lạnh mà luôn đốt lên lò lửa“

Ông Lê Quang Thưởng: Công tác đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái phải không được nguội lạnh mà luôn đốt lên lò lửa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Tại kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số cá nhân; Xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân thuộc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương về nội dung này.

Ông Lê Quang Thưởng.

PV: Tâm trạng và suy nghĩ của ông như thế nào khi nghe kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) vừa công bố mới đây về những vi phạm nghiêm trọng của một số đơn vị, cá nhân, trong đó có vi phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ?

Ông Lê Quang Thưởng: Tôi buồn vì hiện tượng này, nhưng mặt khác cũng rất hoan nghênh UBKTTW đã làm tốt việc xem xét, đánh giá và đề nghị kỷ luật các cán bộ cấp cao. Điều này biểu hiện thái độ nghiêm túc, kiên quyết thực hiện Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.

Riêng Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng vi phạm 4 khuyết điểm mà theo đánh giá của UBKTTW là nghiêm trọng. Trong đó có việc kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng nhà ở của doanh nghiệp không đúng, đây là những biểu hiện vụ lợi của người có chức, có quyền.

Đáng buồn vì Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng là người có tuổi đời còn trẻ, lại rất có triển vọng đối với địa phương và cả nước mà không giữ mình, không rèn luyện một cách nghiêm túc, để xảy ra vi phạm như vậy là điều đáng tiếc.

Khi Bộ Chính trị xem xét và quyết định hình thức xử lý sẽ là bài học cho những cán bộ nói chung và các cán bộ chủ chốt của tỉnh, các Bộ, ngành nói riêng rút kinh nghiệm.

PV: Theo ông, tới đây quy trình xem xét kỷ luật các cán bộ này sẽ như thế nào?

Ông Lê Quang Thưởng: Đây mới chỉ là kết luận của UBKTTW, nhưng xử lý một cách chính thức đối với ông Nguyễn Xuân Anh thì phải do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Còn đối với Chủ tịch tỉnh, thành phố là nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, nên Bộ Chính trị sẽ xem xét và quyết định hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, kết luận của UBKTTW là cơ cở chính, có vai trò rất quan trọng đến quy trình xem xét kỷ luật sau này.

PV: Để xảy ra những vi phạm đáng tiếc như ở các tập thể, cá nhân trong kết luận của UBKTTW cho thấy chúng ta chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ, thưa ông?

Ông Lê Quang Thưởng: Xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trên cũng cho thấy một thực trạng đang tồn tại “lỗ hổng” công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ, không làm tốt công tác tập trung dân chủ của Đảng, phê bình và tự phê bình.

Tôi cho rằng, câu chuyện Đà Nẵng hay ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chính là sự suy thoái về phẩm chất chính trị, nói không đi đôi với làm. Trong nội bộ có hiện tượng nể nang, không kiên quyết nêu vấn đề để kiểm điểm, răn đe trong nội bộ Đảng, cấp ủy Đảng nên dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng như vậy.

Những nơi này cũng không nghe ngóng dư luận quần chúng. Bởi nhân dân biết hết những ai làm gì, đúng đắn hay không đúng đắn nhưng những ý kiến đó có được cấp lãnh đạo, tổ chức Đảng tiếp nhận không?

Ngày trước, khi nghe thấy dư luận phản ánh về một cán bộ nào đó thì cấp lãnh đạo sẽ gọi lên nhắc nhở ngay. Nhắc nhở sẽ giúp cán bộ rút kinh nghiệm và sửa chữa khuyết điểm. Đây không chỉ là kinh nghiệm riêng của một Đảng bộ mà còn là kinh nghiệm chung của toàn Đảng.

Đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái thời gian qua cho thấy ở Trung ương kiên quyết, nhưng ở một vài nơi dưới cơ sở còn hiện tượng ỉ lại, trông chờ. Điều đó cũng phản ánh ở các cơ quan, cấp ủy thiếu dân chủ nên tiếng nói đúng đắn không được nêu lên một cách mạnh mẽ nên cán bộ cứ thế va vấp, mắc khuyết điểm.

PV: Có ý kiến cho rằng, chống tiêu cực, suy thoái thì phải song hành với xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực thì mới giải quyết căn cơ của vấn đề. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Lê Quang Thưởng: Trước tiên, phải nói rằng, công tác đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái không được nguội lạnh mà phải luôn đốt lên lò lửa. Toàn Đảng, các cấp ủy phải vào cuộc, đặc biệt là người đứng đầu. Người đứng đầu kiên quyết, làm đúng mức thì sẽ tạo ra bước chuyển lớn.

Để kiểm soát được quyền lực, theo tôi phải cụ thể hóa được Nghị quyết của Trung ương thành những quy định của Đảng, và pháp luật của Nhà nước để giám sát cán bộ, đảng viên có chức, có quyền các cấp.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết, quyết định; kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Một cơ chế nữa là phải tìm mọi cách để phát động nhân dân góp ý với Đảng, phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng giám sát, góp ý để Đảng quản lý tốt độ ngũ cán bộ, đảng viên.

Vừa qua, Tổng Bí thư đã kí ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Theo đó, cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, làm hết sức mình đối với nhiệm vụ được phân công, phải gương mẫu trong lối sống, trong đạo đức, phẩm chất.

Trong quy định đó có một điểm đáng chú ý là cán bộ phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”; “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Đây là những quy định rất cụ thể để giám sát quyền lực, nếu làm tốt sẽ có kết quả tích cực, vững chắc trong công tác cán bộ nói chung, công tác xây dựng Đảng nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông.