Cần cơ chế giám sát việc rèn luyện đạo đức của người đứng đầu

(Mặt trận) - Ngày 2/8, Hội nghị bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa IX); đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã diễn ra tại Vĩnh Long. Hội nghị do Ban Dân vận Trung ương tổ chức. Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị còn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Quang cảnh Hội nghị 

Mặt trận chủ động phối hợp tổ chức giám sát, phản biện

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã nâng cao nhận thức và tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nội dung giám sát, phản biện xã hội ngày càng có hiệu quả hơn, gắn với cuộc sống của người dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. 

UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, thực hiện 10 chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì, phối hợp triển khai các hoạt động giám sát về các vấn đề, lĩnh vực như: chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo; an toàn thực phẩm; xác định sự hài lòng của nhân dân đối với các dịch vụ hành chính công; thực hiện Luật Hợp tác xã…

Ở 63 tỉnh, thành phố, đã tổ chức được 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. Về công tác phản biện, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 784 cuộc phản biện xã hội, cấp huyện được 4.043 cuộc và cấp xã được 25.834 cuộc.

Để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục mở rộng dân chủ trong cơ quan, đơn vị một cách thực chất, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW. “Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu”, ông Chính nhấn mạnh.

Đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, ông Mai Đức Chính kiến nghị: Trung ương cần nghiên cứu cho ra có các quy định, chế tài đối với việc thực hiện kết luận giám sát hoặc phúc tra giám sát. Có quy định về mối liên hệ giữa người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên với cấp uỷ, chính quyền nơi công tác và nơi cư trú một cách thực chất, tránh tình trạng hình thức, kém hiệu quả.

Minh bạch thông tin để nhân dân biết và giám sát

Chia sẻ với các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, vấn đề giám sát và phản biện xã hội thực hiện theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị cơ bản đã đầy đủ văn bản và hướng dẫn. Điều quan trọng là chúng ta phải làm thế nào và triển khai ra sao cho hiệu quả và phát huy tối đa nhiệm vụ này.

 

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Người đứng đầu Mặt trận cho rằng, công tác giám sát, phản biện xã hội là việc làm thường xuyên, liên tục ở các địa phương, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh và huyện, còn cấp xã, phường chưa nhiều… Việc tham gia xây dựng chính quyền các ngành, các cấp thì có nhưng góp ý xây dựng Đảng thì chưa vào cuộc. Chính vì vậy, việc giám sát một tổ chức đã khó khăn, giờ đi vào giám sát cá nhân còn khó hơn nữa.

“Cái khó là hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng chưa bài bản, chưa phối hợp một cách đồng bộ, việc góp ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu còn hạn chế. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị chỉ dừng lại ở góp ý, chưa vào cuộc mạnh mẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận có hiện tượng né tránh, ngại va chạm”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thẳng thắn bày tỏ.

Điều mà người đứng đầu MTTQ Việt Nam trăn trở là hiện chưa có cơ chế để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân phát huy quyền, trách nhiệm trong công tác giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ đứng đầu và cán bộ, đảng viên. “Cần sớm xây dựng cơ chế cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên. Cần xác định cho được các nguyên tắc thực hiện; chủ thể thực hiện giám sát; đối tượng, phạm vi giám sát; tiêu chí giám sát; nội dung và phương pháp giám sát; trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức có liên quan, xử lý kết quả sau giám sát”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kiến nghị.

Người đứng đầu Mặt trận cũng đề nghị, làm rõ cơ chế nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị, thông qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp và thông qua quyền kiến nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. “Về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho đoàn viên, hội viên vào cuộc tham gia tố giác, phản ánh, góp ý với tổ chức. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến việc giám sát bằng nhiều kênh để nhân dân được biết và giám sát. Đồng thời tạo thuận lợi để nhân dân phản ánh, kiến nghị sau giám sát, gặp gỡ trực tiếp qua các cuộc họp, đối thoại…”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, hiện nay Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đang xây dựng quy trình UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, ý kiến của nhân dân về tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong đảng viên. Đây là vấn đề mà MTTQ đang xây dựng và thí điểm trong thời gian tới.

Giám sát, phản biện đảm bảo tính nhân văn, dân chủ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh thời gian qua. Nơi nào thực hiện nghiêm túc các quyết định này thì nơi đó tham gia thực hiện giám sát, phản biện xã hội sẽ tốt hơn. Bởi vậy, Quyết định 217, 218 là cơ chế tăng thêm sức mạnh cũng như hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện.

 

Bà Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Để thúc đẩy công tác giám sát, phản biện tốt hơn, bà Trương Thị Mai cho rằng, cần xác định được khái niệm của giám sát là: theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá và kiến nghị. Còn phản biện là: xem xét, đánh giá, nêu chính kiến và kiến nghị. “Mục đích của công tác giám sát, phản biện phải đảm bảo tính nhân văn, dân chủ, mang tính chất xây dựng khoa học và thực tiễn, phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Nếu không phối hợp thì tính hiệu quả sẽ không cao. Nếu không có chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia phản biện thì hiệu quả sẽ không cao”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định.

 

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.  

Về giám sát cá nhân, theo bà Trương Thị Mai, Ban Dân vận Trung ương muốn khoanh lại theo phân công Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đó là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên. “Qua theo dõi Hội nghị, với đề xuất: Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nắm tình hình, phản ánh dư luận và báo cáo lên cấp uỷ cùng cấp, sau đó đề nghị cấp uỷ cùng cấp thông tin trở lại cho Mặt trận biết kết quả xử lý của mình để Mặt trận trả lời cho dân biết. Theo tôi, đây là cách làm rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.