Cán bộ xây nhà, tậu xe, ăn tiêu phung phí: Không ăn cắp của Nhà nước thì lấy đâu ra?

Cán bộ ăn cắp của Nhà nước chắc chắn phải thể hiện bằng việc xây nhà, mua xe, tiêu phung phí… Cái này ai phát hiện? Chỉ có ở địa bàn dân cư, dân biết chứ ít có cơ quan nào biết được.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt sai phạm trong công tác cán bộ đã xảy ra ở nhiều nơi, từ Trung ương đến địa phương, ở cấp nào, ngành nào cũng có. Điểu hình là vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh; hàng loạt cán bộ ngành ngân hàng, y tế, xây dựng… mắc sai phạm phải đưa ra xét xử trước pháp luật.

Những sai phạm này không phải bây giờ mới xảy ra mà nó là sự tích tụ của cả quá trình dài, có thể vài năm, thậm chí cả chục năm. Tình trạng này đòi hỏi phải nghiêm túc hơn nữa trong vấn đề trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cũng như việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo cán bộ.

Lấy “cái ta” để phục vụ “cái tôi”

Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm và nhận thiếu sót trước nhân dân vì đã không thể khắc phục được tình trạng tham nhũng, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là lời xin lỗi rất nghiêm túc, rất trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ gần 2 nhiệm kỳ. Đây cũng là một bài học để cho những người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải suy nghĩ.

 Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam

“Việc Thủ tướng Phan Văn Khải nhận khuyết điểm trước dân và xin lỗi dân chính là học tập phong cách của Bác Hồ. Khi thắng lợi, Bác nói là công lao của dân, của Đảng, nhưng sai lầm thì Bác nhận về mình với tư cách là người lãnh đạo cao nhất. Thế hệ đó ai cũng coi trọng tính Đảng, coi việc nhận trách nhiệm về mình. Khi thấy không làm được thì xin rút. Tôi cũng lo lắng một điều là càng thế hệ về sau, việc học tập Bác Hồ không còn như các thế hệ đi trước”- ông Nguyễn Túc trăn trở.

Lý giải việc này, ông Túc cũng cho rằng, thời buổi cơ chế thị trường cũng có quy luật của nó. Đó là “cái tôi” và “cái ta” đan xen nhau. Đảng ta cũng từng nhận định phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ đó. Nhưng tiếc rằng nhiều người không làm như vậy, mà để “cái tôi” át “cái ta”, lấy “cái ta” để phục vụ “cái tôi”, dẫn đến tình trạng tham nhũng, thoái hóa biến chất ngày càng nhiều.

“Làm kinh tế trong cơ chế thị trường cũng phải có “học phí”, nhưng học phí vừa qua chúng ta trả quá đắt ”

Nguyễn Túc

“Từ Đại hội VIII đến nay, số Ủy viên Trung ương vi phạm kỷ luật Đảng, thậm chí bị tù có xu hướng ngày càng nhiều hơn, thậm chí Ủy viên Bộ Chính trị cũng vướng vòng lao lý chỉ vì vấn đề kinh tế… Tôi cho rằng, làm việc gì cũng phải có trả giá. Làm kinh tế trong cơ chế thị trường thì cũng phải có “học phí”, nhưng học phí vừa qua chúng ta trả quá đắt, làm cho sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nhân dân trong thời gian qua giảm sút nghiêm trọng. Nếu chúng ta rút kinh nghiệm ngay và kiểm soát quyền lực ngay từ đầu và đẩy mạnh nhân dân kiểm soát quyền lực thì tình trạng này sẽ không được hạn chế”- ông Nguyễn Túc trăn trở.

Cán bộ sai phạm do kiểm soát quyền lực chưa tốt

Theo ông Nguyễn Túc, việc học tập Bác trong bối cảnh hiện nay hết sức cần thiết. Bản thân mỗi người phải thấy đây là trách nhiệm của người Đảng viên, chứ không phải là việc ép buộc. “Không ai ép được nếu bản thân mỗi người không tự giác. Nếu bản thân mỗi người không nhận thức được, thì giám sát kiểu gì, họ vẫn đi vào con đường sai trái”.

Để xảy ra nhiều việc sai phạm trong công tác cán bộ, có những cán bộ cấp Trung ương, Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị ra Tòa như vừa qua, vấn đề mấu chốt vẫn là do công tác cán bộ, do chưa kiểm soát tốt quyền lực.

“Những sai sót của các cán bộ vừa qua cũng một phần trách nhiệm từ cơ chế của Đảng ta, Nhà nước ta. Tội là của các cán bộ đó, nhưng cũng phải thấy được những thiếu sót của Đảng và Nhà nước. Nhiều cơ chế, chính sách tạo kẽ hở hoặc chưa được luật hóa cũng là “cơ hội” cho người ta lợi dụng để sai phạm. Tôi lấy ví dụ, Nghị quyết Đại hội 10 năm 2006 đã đưa ra chủ trương Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội giám sát và phản biện xã hội. Nhưng Nghị quyết đó ban hành từ tháng 6/2006 thì đến 12/12/2013, Bộ Chính trị mới ra được quy định Mặt trận và các tổ chức xã hội giám sát và phản biện xã hội. Rõ ràng, Nghị quyết của Đại hội mà phải sau đến 7 năm mới được triển khai và sau đó mới luật hóa được”.


“Cán bộ ăn cắp của Nhà nước chắc chắn phải thể hiện bằng việc xây nhà, mua xe, tiêu phung phí thông qua vợ, qua con, qua bồ nhí… ”

Theo ông Nguyễn Túc, Nghị định 38 về quy chế dân chủ ở cơ sở năm 1998 đã quy định việc “Mặt trận giám sát Đảng viên ở nơi cư trú và địa bàn dân cư”, nhưng chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Ông cha ta đã nói, “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bác đã từng nói “có dân là có tất cả”, trong thời gian qua quyền làm chủ của dân chưa được phát huy một cách mạnh mẽ. Nếu quyền của dân được phát huy tốt trong công tác kiểm tra thì sẽ hạn chế rất nhiều việc cán bộ sai phạm. Cán bộ ăn cắp của Nhà nước chắc chắn phải thể hiện bằng việc xây nhà, mua xe, tiêu phung phí thông qua vợ, qua con, qua bồ nhí… Cái này ai phát hiện? Chỉ có ở địa bàn dân cư, dân biết chứ ít có cơ quan nào biết được.

“Các báo cáo của Bộ Công an từ thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Lê Minh Hương… cho đến nay đều nhận định, các vụ án lớn đều do dân phát hiện ra, báo chí tung lên thì các cơ quan liên quan mới vào cuộc. Chứ thực tế cơ quan công an chủ động phát hiện không nhiều. Tôi tin rằng, nếu nhân dân có phong trào đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, thì chắc chắn hạn chế được việc này”- ông Túc nói.

Chỉnh đốn mạnh mẽ trong Đảng đang tạo niềm tin trong dân

Ông Nguyễn Túc cũng phấn khởi vì trong thời gian vừa qua, việc phòng chống tham nhũng cũng được thể hiện qua nhiều hình thức, trong đó có việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ… Những việc làm này đang dần lấy lại lòng tin trong nhân dân.

“Tôi nhớ không nhầm, từ ngày đổi mới đến giờ chúng ta đã có 5 lần chỉnh đốn Đảng. Lần gần đây là Trung ương 4 khóa XI và gần nhất là Trung ương 4 khóa XII, nhưng hiệu quả cao nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Chúng ta chỉnh đốn trong Đảng một cách mạnh mẽ, tạo niềm tin trong dân. Tôi tin rằng với đà hiện nay, khi chúng ta đã mở đầu thắng lợi, khi nhân dân phục hồi được niềm tin và hăng hái tham gia, cần có chính sách bảo vệ, hướng dẫn người dân thì chắc chắn cuộc đấu trang phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn và ngày càng củng cố niềm tin của dân với Đảng”- ông Túc nói.

Nhưng để làm được việc đó, theo ông Túc, phải làm tốt các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát phản biện và vấn đề tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. “Tham nhũng không chỉ lúc xảy ra ở thời điểm chúng ta phát hiện mà chúng ta phải ngăn chặn từ các dự án, các tổ chức chính trị xã hội tham gia ngay từ khi có dự án. Cần nhấn mạnh hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo trong nội bộ Đảng để Đảng lãnh đạo nhân dân thực sự tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”./.