Cải cách lề lối làm việc của ngành thuế

(Mặt trận) - Ngày 13/9, tại Hà Nội, đoàn giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan do ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Tổng cục Thuế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tham dự buổi giám sát còn có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, việc cải cách hành chính thuế và ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế đã được cụ thể hóa thành các hoạt động, gắn với từng vụ, đơn vị, từng chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính thuế. Tổng cục Thuế đã đề xuất sửa đổi các thể chế, chính sách và thủ tục hành chính thuế; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý thuế và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế.

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến ngày 31/8, đã có 262.242 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 54,2 triệu hồ sơ; số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 668.297 doanh nghiệp… Những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế trong thời gian qua đã mang lại những kết quả được Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. 

Theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 81 bậc, từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN. Khảo sát đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách hành chính thuế năm 2016 là 75/100 điểm. Tuy vậy, công tác thuế vẫn còn những vấn đề tồn tại cần khắc phục. Cơ quan thuế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế để tiếp tục giảm số giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam theo chuẩn quốc tế mà Ngân hàng Thế giới đánh giá. Trong đó, quan trọng nhất là phải tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy định về chính sách, thủ tục hành chính thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ thuế điện tử đến các cá nhân, người khai thuế trước bạ, kết nối thông tin trao đổi với các bộ, ngành, các ngân hàng, các cơ quan chi trả…

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang có nhiều biện pháp quyết liệt để cải cách trong lĩnh vực thuế từ thể chế, thủ tục hành chính cho đến việc cắt giảm thời gian nộp thuế cho người nộp thuế. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ thuế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế đối với người nộp thuế; thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ thuế theo tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu cải cách.

Tăng cường giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc cải cách hành chính của ngành thuế trong 3 năm qua, chỉ đứng sau Ngân hàng Nhà nước, đứng thứ nhất về tuân thủ chi phí thủ tục hành chính. Điều đó thể hiện qua kết quả thu thuế trong những năm gần đây.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá cao việc mạnh mẽ ứng dụng công nghệ của ngành thuế, từ khai thuế, nộp thuế đến hoàn thuế đều qua điện tử. Đó là minh chứng rõ nét nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang được áp dụng rộng rãi trong ngành thuế; đồng thời đề nghị trong thời gian tới, ngành thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành thuế cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tinh giản biên chế, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu bởi thuế là lĩnh vực nhạy cảm; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống thất thu thuế và nợ thuế; tuyên truyền để người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ về nghĩa vụ nộp thuế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành thuế cần nâng cao trình độ chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, am tường luật pháp; tác phong, đạo đức chuẩn mực để có một đội ngũ cán bộ ngành thuế vừa có tài, vừa có đức, đáp ứng được yêu cầu, nhiêm vụ trong tình hình mới.

“Ngành thuế cần tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế tiêu cực; trong đó, vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên cần được đẩy mạnh để nâng cáo hiệu quả hoạt động của ngành thuế, mục đích giám sát của Mặt trận là để thúc đẩy hoạt động tốt hơn”,  Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.