Đại biểu Quốc hội kiến nghị việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước cần được thực hiện quyết liệt, nếu không sẽ có lỗi với dân.
Hôm nay (30/10), bắt đầu tuần làm việc thứ hai, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Những bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy hành chính sẽ được chỉ rõ qua cuộc giám sát này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là qua giám sát, Quốc hội cần đưa ra được những giải pháp cụ thể để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu lực, hiệu quả.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quang Vinh)
Cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả là nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội khi đánh giá về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiện nay.
Theo Đại biểu Đặng Thuần Phong, đoàn Bến Tre, một thời gian dài, chúng ta đặt vấn đề tinh giản biên chế, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính nhà nước nhưng gần như không thực hiện được, thậm chí bộ máy ngày càng “phình” to hơn. Thực hiện Nghị Quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, 2 năm qua, dù giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng số Cục, Vụ. Thêm vào đó, những đơn vị sự nghiệp công lập nở rộ như “nấm sau mưa”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, một đất nước hơn 90 triệu dân mà có tới 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách thì lấy đâu ra nguồn để có được tiền lương đảm bảo. Đây là những thách thức thực sự lớn đối với việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính.
“Phải làm quyết liệt, nếu không sẽ có lỗi với dân. Vì ngân sách chúng ta thu đủ chi thường xuyên, không đủ để chi đầu tư phát triển và trả nợ. Sức ép rất lớn vì vậy muốn tăng lương nhưng không có nguồn để tăng? Chỉ có cách là giảm tổ chức bộ máy. Một Chính phủ hành động kiến tạo mà bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều vị trí trung gian sẽ khó có thể hành động, kiến tạo. Tôi mong rằng chúng ta sẽ làm quyết liệt để mang lại hiệu quả thực sự, đáp ứng được mong đợi của nhân dân”, đại biểu Đặng Thuần Phong nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp
5 năm qua, số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ mặc dù đã thực hiện sắp xếp điều chỉnh ở nơi này, nơi khác nhưng về tổng thể vẫn tăng 28 đơn vị. Số đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Xu hướng nâng cấp Vụ lên cấp Cục diễn ra ở nhiều Bộ. Một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn duy trì nhiều Phòng trong các Vụ chuyên môn. Do vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, qua giám sát lần này, Quốc hội cần đưa ra các giải pháp cụ thể để tổ chức lại bộ máy từ Trung ương đến cơ sở.
“Việc tổ chức bộ máy phải có lộ trình. Những cơ quan, đơn vị cùng chức năng thì nên tổ chức ghép lại để giảm được đầu mối, giảm biên chế. Ở tỉnh cũng vậy, như các văn phòng của cấp Ủy, văn phòng của Nhà nước, sở ngành mà trùng nhau nên tổ chức ghép lại. Việc làm này ảnh hưởng đến tổ chức, con người nên phải thận trọng, có lộ trình, làm sao để sau khi tinh giản hoạt động hiệu quả hơn, tạo niềm tin với người dân hơn”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ, những hạn chế trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước thời gian qua là do chưa được thực hiện trên nền tảng khoa học, chưa có tầm nhìn dài hơi, gặp đâu làm đó, tùy theo cảm hứng người đứng đầu dẫn đến hay thay đổi. Các điều kiện đảm bảo cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nhất là chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế. Do vậy, vấn đề quan trọng thời gian tới là quản lý và kiểm soát được cơ cấu bên trong các đơn vị bằng pháp luật.
Ông Đinh Duy Hòa đề xuất: “Quốc hội nên giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng một Nghị định về Phòng, Vụ, Cục, Tổng cục. Những đơn vị tổ chức hành chính này được quy định theo hướng thống nhất, có tiêu chí cụ thể. Các quy định này được đưa vào trong văn bản và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành, thống nhất trong bộ máy hành chính”.
Cùng với việc Trung ương vừa ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã cho thấy quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đây cũng là việc cần làm ngay bởi không nguồn ngân sách nào “nuôi” nổi một bộ máy hành chính cồng kềnh và kém hiệu quả như vậy./.
Theo Minh Châm-Lê Thơm/VOV-Trung tâm Tin