Cách ly xã hội, sao mỗi nơi một khác? (Kỳ 3)

Sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly trong xã hội phòng chống Covid-19, mỗi địa phương có cách hiểu và vận dụng khác nhau. Các luật sư đã có những phân tích về cơ sở pháp lý áp dụng các biện pháp cách ly, xử phạt hành chính của các địa phương.

5.932 tỷ đồng ủng hộ tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên phạm vi cả nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Không gian Pháp ngữ là mảnh đất tiềm năng cho hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại

Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thực hiện '5 tiên phong' phát triển cùng đất nước

Nhiều địa phương đã thực hiện biện pháp cách ly người từ tỉnh, thành hoặc đi qua nơi có dịch khi về địa phương. Đồng thời áp dụng thu phí cách ly tập trung với những trường hợp này. Điều này đang gây ra tranh luận về cơ sở pháp lý và cao hơn, các địa phương có đang lạm quyền của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia?

 

Người đến Đà Nẵng từ vùng dịch phải cách ly đủ thời gian. Ảnh: Đình Thiên.

Cần giải thích tường tận

Trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng Chỉ thị 16 và Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị đã được ban hành nhưng vẫn còn những cách hiểu khác nhau.

“Việc hiểu Chỉ thị 16 khác nhau, còn gây tranh cãi rồi từ đó mới có việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu sẽ xử phạt người ra đường không vì lý do thiết yếu, rồi việc ở địa phương đổ đất ngăn đường, rào làng, ngăn cấm người dân, phương tiện đi từ nơi nay sang nơi kia, có UBND xã phạt 3 người ngồi chung trong cabin xe ô tô”, TS Nguyễn Đình Quyền nói.

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hướng dẫn Chỉ thị 16 nhưng mới chỉ giải quyết được việc không “ngăn sông, cấm chợ”. Trong Chỉ thị 16 còn những nội dung khác nên được tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn để tránh xảy ra cách hiểu khác nhau, gây tranh cãi.

"Việc hướng dẫn cần phải lường hết tất cả những tình huống có thể xảy ra, để từ đó hướng dẫn cụ thể, như vậy người tiếp nhận sẽ có cách hiểu giống nhau, tạo nên hành động thống nhất. Hành động thống nhất sẽ tạo nên sức mạnh để giải quyết vấn đề mang tính cấp bách nhất của cộng đồng hiện nay là phòng chống dịch Covid-19" - TS Nguyễn Đình Quyền đề nghị.

Trong khi đó, trả lời báo chí ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng ý kiến của một số địa phương cho rằng những tỉnh, thành đã có người mắc bệnh thời gian vừa qua là vùng có dịch, là lạm quyền Bộ Y tế, vì chỉ Bộ Y tế mới có quyền công bố địa phương có dịch.

“Tại TP.Hà Nội có ổ dịch tại BV Bạch Mai, còn ở TP.HCM có quán bar Buddha. Đó là các ổ dịch chứ không phải TP.HCM và TP.Hà Nội là ổ dịch, không phải 2  thành phố này là vùng có dịch. Chẳng lẽ hàng chục tỉnh, thành đã có người mắc bệnh thì đều gọi là vùng có dịch hay sao? Các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam… cần xem lại quan niệm của mình”, ông Hòa nói. 

Còn TS Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa 14 trả lời trên VOV1: "Hải Phòng và Đà Nẵng nên thận trọng khi triển khai quyết định này. Các địa phương khác không làm như thế. Các địa phương muốn làm phải theo sự hướng dẫn của Chính phủ, không thể tự động làm riêng, làm như thế là chưa phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi chúng ta đang đoàn kết để chống dịch Covid-19”.

“Địa phương nào ban hành những văn bản vi hiến phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. Họ hơi sốt sắng quá thì các cơ quan của Chính phủ, Bộ Y tế nên kiểm soát lại để tránh tình trạng mỗi địa phương tự làm như Đà Nẵng và Hải Phòng trong thời gian vừa qua", luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nói.

 

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Chưa phù hợp quy định pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly 14 đối với một số người đến từ tỉnh có người nhiễm Covid-19 là một quyết định vội vàng.

Theo luật sư, trước hết một số địa phương không ban hành quyết định hành chính hoặc quyết định có chứa quy phạm pháp luật mà lại sử dụng loại hình văn bản là công văn để quy định cách ly với người đến từ địa phương khác và thu phí là chưa phù hợp với thể thức văn bản.

Công văn là văn bản truyền đạt thông tin từ cấp trên xuống cấp dưới tới các cơ quan chức năng chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật... Nếu UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thì đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc đối với toàn thể nhân dân ở địa phương này.

Mặt khác, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg thì nhà nào ở tại nhà đó, thôn nào ở tại thôn đó, xã nào ở tại xã đó, huyện nào ở tại huyện đó, tỉnh nào ở tại định đó...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã nhiều lần giải thích trước báo chí về tinh thần này của Chính phủ, không phải là chỉ đạo “ngăn sông, cấm chợ” mà chỉ là hạn chế đi lại, tiếp xúc và có sự kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo vệ sinh phòng bệnh...

Những đối tượng được phép đi lại, làm việc vẫn được đi lại, làm việc bình thường.

“Nếu quy định như công văn ở một số địa phương hiện nay, người ta có thể hiểu rằng tất cả những người đến làm việc ở địa phương này đều bị cách ly 14 ngày, như vậy là không đúng với tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg. Đến nay các văn bản của chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các văn bản pháp luật không quy định là công dân ra đường trái quy định là bị cách ly”, luật sư Cường nói.

Ông Cường cho rằng, việc xác định đâu là “vùng dịch” còn chung chung, mơ hồ, chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Trong văn bản quy định là những người đến và về từ “vùng dịch” sẽ bị cách ly 14 ngày...

"Nội dung này phù hợp với luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Tuy nhiên, chưa có căn cứ nào để xác định địa phương, vùng, miền, tỉnh nào của Việt Nam là vùng dịch theo công bố dịch từ Bộ Y tế hay từ địa phương. Hiện nay theo công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 447/QĐ-TTg toàn bộ Việt Nam đều là “vùng dịch” và đang áp dụng cách ly xã hội" - luật sư Cường phân tích.

Theo khoản 14, Điều 2 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Theo Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/4/2020, Việt Nam công bố dịch bệnh Covid-19 trên cả nước.

Nếu áp dụng các biện pháp chống dịch phải áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước chứ không áp dụng riêng đối với từng địa phương, vùng, miền.

Việc công bố dịch theo quy định của pháp luật là công bố toàn quốc, công bố trên phạm vi tỉnh, công bố trên phạm vi huyện, công bố trên phạm vi xã. Thẩm quyền công bố, thủ tục công bố được luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định rất cụ thể. Chỉ khi nào có công bố dịch theo quy định, đúng thẩm quyền, đầy đủ nội dung mới được coi là “vùng dịch”.

Theo luật sư, hiện nay có hơn 200 ca nhiễm bệnh ở Việt Nam có quốc tịch khác nhau, hộ khẩu thường trú khác nhau, nơi ăn ở, sinh sống, làm việc trước khi mắc bệnh khác nhau. Bởi vậy không thể cho rằng nơi họ có hộ khẩu thường trú hoặc nơi phát hiện mắc bệnh là vùng dịch.

Việc xác định vùng dịch là phải căn cứ vào công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cụ thể việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc của từng địa phương theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

“Nếu không xác định được đâu là “vùng dịch”, không xác định đúng đâu là vùng dịch thì việc bắt buộc cách ly y tế tập trung đối với công dân của một số khu vực sẽ không phù hợp với quy định pháp luật và ảnh hưởng đến quyền tự do, đi lại, cư trú của công dân, gây phiền hà, tốn kém cho xã hội, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ”, luật sư Cường nói thêm.

Khoản 16, điều 2 của Luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm cũng quy định rõ: Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch.

Như vậy, việc cách ly tế chỉ được áp dụng theo quy định tại điều 49 Luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm và hướng dẫn tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP, trong đó những người thuộc trường hợp quy định tại Điều 49 mới bị cách ly, thẩm quyền cách ly, thủ tục cách ly phải đúng quy định của pháp luật.