Cấm đò, thu phí, bêu tên người vi phạm... để cách ly xã hội (Kỳ 2)

Mỗi địa phương lại có phương pháp cách ly xã hội khác nhau như buộc cách ly tập trung với người từ nơi khác đến, thu phí cách ly, đọc tên người đi chợ 2 lần/ngày trên loa...

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

"Sáng tạo" biện pháp cách ly xã hội

Ngày 7/4, UBND TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết địa phương này sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong giai đoạn cách ly xã hội, trong đó có hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không thật sự cần thiết, đi chợ quá 2 lần/ngày...

Đáng lưu ý là danh sách người vi phạm sẽ được "bêu tên" trên phương tiện thông tin đại chúng như Cổng thông tin điện tử, báo địa phương. 

Ngay sát Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh mới gia nhập danh sách các địa phương thực hiện cách ly những người đến hoặc đi qua vùng có dịch về địa phương. Trước đó, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, ... cũng đã thực hiện biện pháp này. 

Trong đó, TP.Đà Nẵng còn yêu cầu người dân từ TP.HCM và TP.Hà Nội đến sẽ phải đóng phí cách ly tập trung, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt và người đã hoàn thành cách ly. Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày rời khỏi Hà Nội và TP.HCM.

Phí cách ly gồm phí ăn, sinh hoạt thu theo quy định hiện hành. Tiền ở thu theo chi phí của cơ sở cách ly.

Tỉnh Quảng Nam vẫn thực hiện cách ly người trở về từ các địa phương có dịch, nhưng không thu phí trong thời gian cách ly tập trung mà nguồn kinh phí này sẽ được vận động xã hội hóa. 

Còn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu buộc những người ở ngoại tỉnh về Thừa Thiên Huế cam kết không ra khỏi nhà, cơ sở lưu trú khi chưa đủ 14 ngày, nếu vi phạm, sẽ bị đưa vào khu cách ly có trả tiền.  

Trước đó, ở Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử phạt những người ra đường khi không cần thiết. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP đã họp và ra thông điệp, tất cả những trường hợp không nằm trong diện quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng mà ra đường sẽ bị xử phạt.

Đã có 3 người bị xử phạt khi ra đường không đúng mục đích thiết yếu bị UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) xử phạt. Quyết định xử phạt căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 về hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế".

Ở TP.Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã ký ban hành văn bản số 2449 quy định tổ chức cách ly y tế tập trung đối với tất cả người từ các vùng dịch về Hải Phòng từ ngày 3/4. Những người cách ly không thuộc đối tượng được vào thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly. 

Cũng tại văn bản nói trên, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng yêu cầu người Hải Phòng đi đến tỉnh, thành phố khác sẽ phải có giấy xác nhận cho phương tiện ra ngoài thành phố của Chủ tịch UBND cấp quận, huyện và khi trở về phải cách ly tập trung..

"Ngăn sông" hạn chế đi lại

Các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có hệ thống giao thông đường thủy sôi động cũng đã áp dụng những biện pháp để thực hiện cách ly xã hội. Nhưng cũng như trên, mỗi địa phương có mức độ thực hiện khác nhau. 

Trong 3 ngày liên tiếp, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Sóc Trăng lần lượt ra 3 thông báo về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh này.

Ngày 30/3/2020, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng có thông báo số 498 về việc tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu các bến khách ngang sông thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Theo đó, hành khách đi qua các bến phà, bến khách ngang sông bắt buộc phải đeo khẩu trang, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời, cương quyết không vận chuyển khi hành khách không chấp hành theo hướng dẫn.

Sau đó 1 ngày, tức ngày 31/3, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng ra thông báo số 562 về việc dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

 

Các bến đò ở TP.Cần Thơ tạm dừng hoạt động

Đến ngày 1/4, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có thông báo số 564, theo đó, đối với các bến phà, bến khách ngang sông, Sở GTVT tỉnh này yêu cầu "hạn chế vận chuyển hành khách". Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cũng nêu rõ thông báo số 564 thay thế thông báo số 562 trước đó.

Người dân cho rằng việc "hạn chế vận chuyển hành khách" trên các phà, bến khách ngang sông chứ không cấm hẳn là hợp lý và cần thiết, qua đó góp phần phòng chống dịch Covid-19 được hiệu quả hơn.

Cũng như Sóc Trăng, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang chỉ yêu cầu các đơn vị có liên quan cho tạm dừng toàn bộ hoạt động đò dọc, riêng đối với đò ngang chỉ phục vụ nhu cầu thiết yếu dân sinh, khi vận chuyển không quá 50% theo giấy đăng ký phương tiện, bố trí người ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và giữ khoảng cách 2m. Chủ phương tiện phải trang bị yêu cầu khách đeo khẩu trang, trang bị nước sát khuẩn.

 

Các bến phà, đò ngang ở TP.Cần Thơ chỉ chở những trường hợp với lý do công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân cấp cứu.

Khác với 2 địa phương trên, Sở GTVT TP.Cần Thơ vừa có thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với tất cả các bến khách ngang sông trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4. 

Sở GTVT TP.Cần Thơ cũng nêu rõ, sẽ ngoại trừ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân cấp cứu.

Sau thông báo này, nhiều công nhân ngụ ở xã Tân Quới, xã Tân Lược (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) thường xuyên qua phà để làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc (TP.Cần Thơ) cho hay, họ buộc phải chạy đường vòng qua cầu Cần Thơ, tức phải xa hơn hàng chục cây số, làm mất nhiều thời gian.

Anh Nguyễn Văn Chính - ngụ ở xã Tân Lược (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) là công nhân làm trong Khu công nghiệp Trà Nóc (TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ qua đò là coi như tới. Bây giờ, đò ngang không hoạt động mấy ngày qua rồi, tôi phải chạy xe máy lên thị xã Bình Minh rồi qua cầu Cần Thơ. Rồi từ cầu Cần Thơ vào quận Ninh Kiều, tiếp đó là qua quận Bình Thuỷ rồi mới tới khu công nghiệp tôi làm rất thời gian và công sức".

Còn bà Lê Thi Chanh ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ nói: "Tôi mong cơ quan chức năng cho đò, phà hoạt động chở lại nhưng hạn chế người chở và cho kiểm tra sức khoẻ. Chứ cấm hẳn như hiện nay có người dùng ghe, vỏ lãi cá nhân lén chở người hoặc rau quả qua bên Vĩnh Long rất nguy hiểm".

Liên quan đến vấn đề đi lại của công nhân, ông Lư Thành Đồng - Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.Cần Thơ cho biết, theo thống kê có khoảng 800 công nhân có nhu cầu đi đò, phà bị ảnh hưởng bởi quy định về việc tạm dừng bến khách ngang sông, tập trung chủ yếu tại khu công nghiệp Trà Nóc 1&2.

Còn ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết, công nhân vẫn chưa được xét là trường hợp đặc biệt để qua sông bằng đò. Những người này còn có đường khác để qua Cần Thơ là đi qua cầu Cần Thơ.

Cũng theo ông Dũng, trên địa bàn TP.Cần Thơ có cù lao Tân Lộc là người dân còn phải dựa vào đò nên ngành chức năng đã cho hai trong số năm bến đò ngang hoạt động. Theo đó, người dân sinh sông ở cù lao Tân Lộc nếu đến bến đò ngang này và cho biết là đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn đi được.

Như TP.Cần Thơ, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp đều có thông báo đến các đơn vị có liên quan yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách của các bến phà, bến khách ngang sông nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sáng nay (7/4) Sở GTVT TP.Cần Thơ đã đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.Cần Thơ làm việc với các doanh nghiệp, thống kê cụ thể các trường hợp công nhân có nhu cầu đi phà từ phía bờ tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp sang TP.Cần Thơ và ngược lại để đi làm.

Sau khi có danh sách các công nhân trên, Sở GTVT thành phố sẽ trao đổi với Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp để có hướng giải quyết.

Ngày 6/4, tại cuộc họp thường kỳ giữa Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, khống chế dịch lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh thành thu phí cách ly người ở tỉnh, thành khác đến địa phương mình, cần cân nhắc lại để bảo đảm sự thuyết phục.