Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận 30 tỉnh phía Bắc

(Mặt trận) - Ngày 7/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức khai giảng Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận (lớp 3, khóa V, năm 2017) cho 226 học viên là cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, huyện của 30 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Quảng Trị trở ra. Tiến sĩ Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham dự và phát biểu tại lớp bồi dưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

 Toàn cảnh buổi khai giảng Khóa bồi dưỡng.

Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận lần này diễn ra trong 10 ngày (từ 7/8-15/8/2017). Khóa học sẽ tập trung nghiên cứu và trao đổi 11 chuyên đề gồm: Công tác vận động quần chúng nhân dân thông qua các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam; Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng trong giai đoạn hiện nay; Công tác đối ngoại nhân dân và vận động, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; Tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay...

Bên cạnh việc cập nhật những vấn đề cơ bản sát với tình hình thực tiễn của công tác Mặt trận hiện nay, các học viên tham gia khóa học sẽ có chuyến đi nghiên cứu thực tiễn tại tỉnh Hải Dương.

Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, Tiến sĩ Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, việc tổ chức các khóa bồi dưỡng có ý nghĩa hết sức quan trọng để kịp thời trang bị cho những người làm công tác Mặt trận kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản, chia sẻ, tích lũy những kinh nghiệm tốt... để mỗi cán bộ có đủ hành trang, tự tin làm công tác Mặt trận, Dân vận, với hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập, phát triển.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức của người cán bộ làm công tác Mặt trận là vô cùng quan trọng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc trong công tác Mặt trận đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm tháo gỡ. Từ Hiến pháp 2013 quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam đối với vấn đề giám sát, phản biện đến Quyết định 217-QĐ/BCT và Quyết định 218-QĐ/BCT của Bộ Chính trị và mới đây là Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; cùng với đó là Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn định mức chi cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội; thông tư sửa đổi chế độ chi cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. “Điều này đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Người đứng đầu Mặt trận khẳng định, trong thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vướng mắc của các địa phương, như việc cải thiện chế độ tiền lương, hướng dẫn sửa đổi để đảm bảo hoạt động cho Hội đồng tư vấn cấp quận, huyện...

Để đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong thời gian tới, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức của người cán bộ làm công tác Mặt trận là vô cùng quan trọng và đóng vai trò quyết định, là chìa khóa mở ra thành công trong công tác Mặt trận.

“Người cán bộ Mặt trận phải chủ động, tích cực, kiên nhẫn, thiết tha với công tác Mặt trận. Mỗi cán bộ phải tự học, tự rèn luyện vươn lên để nâng cao trình độ năng lực thực tiễn. Mặt khác cần gắn bó, gần dân, sát dân, hiểu dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Đồng thời, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị MTTQ các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; mở rộng hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân; hoàn thiện cơ chế nâng cao năng lực cán bộ để hoạt động Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, Mặt trận các địa phương trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua cần chọn điểm nhấn để qua đó tạo sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của người dân và toàn xã hội. Trong giám sát và phản biện xã hội, bên cạnh việc phát hiện, phát huy những cái tốt cần kịp thời phát hiện những sai phạm để kiến nghị xử lý theo tinh thần việc gì giúp dân, có lợi cho dân thì phải làm ngay để giám sát hiệu quả, không hình thức.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn, mỗi người cán bộ Mặt trận tại lớp tập huấn cần nghiêm túc nghiên cứu, tích cực học tập, cố gắng lĩnh hội và nắm vững các nội dung được quán triệt, truyền đạt tại Khóa bồi dưỡng này. “Trong 10 ngày tập huấn, đề nghị các học viên tập trung nghiên cứu để có thể cập nhật những lý luận cơ bản, từ đó áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công tác Mặt trận trong giai đoạn mới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

 Các đại biểu dự lễ khai giảng Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận (lớp 3, khóa V, năm 2017).