Bế mạc Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Mặt trận) - Chiều 18/8, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ Hai.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp  

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình Phiên họp thứ Hai. Các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, sâu sắc, chất lượng và rất tâm huyết. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao đối với các vấn đề quyết định theo thẩm quyền; thống nhất các định hướng lớn về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội để các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục chuẩn bị, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi cần được tiến hành kỹ lưỡng, toàn diện để bảo đảm sau khi ban hành tạo ra bước chuyển biến tích cực và rõ rệt trong công tác thi đua, khen thưởng, nhất là khắc phục được "bệnh" hình thức và bệnh thành tích trong tổ chức thi đua, khen thưởng. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cơ quan trình và Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tổ chức tọa đàm, hội thảo để hoàn thiện dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án Luật đầu tiên của Quốc hội Khóa XV nên phải bảo đảm quá trình xây dựng dự án Luật này trở thành hình mẫu tiêu biểu để hiện thực hóa tầm nhìn cũng như các định hướng, chủ trương nâng cao chất lượng công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Khóa XV.

Về thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng Quỹ; rà soát, chỉ đạo về định mức, mức đóng của các đối tượng, phạm vi và mức chi sử dụng Quỹ để bảo đảm cho việc sử dụng đúng tính chất quỹ ngắn hạn, hàng năm chỉ giữ lại khoảng 10% để làm công tác dự phòng, không để số dư quá lớn như hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để bảo đảm tính an toàn của Quỹ trong dài hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để kịp thời thể chế hóa các tinh thần, các quan điểm lớn của Trung ương tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

 

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc, định mức chung về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải làm rõ thêm để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành.

Để đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, đó là “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. Trong đó, thành viên Đoàn giám sát ngoài Thường trực các cơ quan của Quốc hội bổ sung và mời đại diện một số cơ quan của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng đề cương chi tiết về kế hoạch triển khai cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền trước khi tổ chức thực hiện giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân. Thông qua Nghị quyết về quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Giao Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ký ban hành.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất và đồng bộ để thực hiện các chính sách, pháp luật trong giai đoạn tới. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất định kỳ tại phiên họp hàng tháng sẽ xem xét tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân nguyện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội làm tốt hơn nữa công tác dân nguyện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với quyết tâm cao nhất, các cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp cơ quan tiếp tục bám sát tình hình, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng công tác chuẩn bị và đề xuất các phương án, với các kịch bản linh hoạt và hiệu quả để tổ chức thành công Kỳ họp thứ Hai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục cải tiến và đổi mới quy chế, nội quy Kỳ họp Quốc hội theo hướng cố gắng tiếp tục tiết kiệm tối đa thời gian nhưng vẫn bảo đảm được khối lượng công việc, nhất là đảm bảo chất lượng các nội dung trình Quốc hội.

Sau Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Nhất và tiếp tục hoàn thiện dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Hai gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Đối với các nội dung khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng triển khai các kết luận tại Phiên họp và hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước chủ động, tích cực phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hiệu quả công việc theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, không để diễn ra tình trạng chậm trễ gửi tài liệu các nội dung của Phiên họp, Kỳ họp hoặc rút nội dung ra do không kịp chuẩn bị hoặc xin bổ sung nội dung rất khẩn cấp nhưng lại không bảo đảm các thủ tục, kể cả thủ tục rút gọn, không bảo đảm chất lượng.