(Mặt trận) - Sáng 21/5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tại phiên khai mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Tạp chí Mặt trận trân trọng đăng toàn văn Báo cáo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc.
Từ sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.459 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước.
I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
Cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm, đặc biệt là việc chăm lo Tết Nguyên đán cho nhân dân[1]. Cải cách thủ tục hành chính có bước tiến bộ. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại đạt được kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được đẩy mạnh và bước đầu đạt được những kết quả cụ thể, tích cực, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ...
Cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm[2].
Cử tri và Nhân dân vui mừng nhận thấy sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Quốc hội; chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân; xử lý “trúng” những vấn đề phức tạp, “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội; nỗ lực và quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động xấu hơn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân; tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng, bất an trong nhân dân.
II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CHÍNH CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
1. Về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã quan tâm thực hiện cải cách và đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp[3], phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân[4]. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh còn một số bộ, ngành và chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm cải cách hành chính hoặc thực hiện còn chậm và kết quả chưa rõ nét. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần xác định rõ trách nhiệm thực hiện, thường xuyên báo cáo, công khai kết quả thực hiện để cử tri và Nhân dân biết và giám sát.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đọc báo cáo trước Quốc hội sáng 21/5
Cử tri và Nhân dân phấn khởi trước những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp như: tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh, chất lượng nhiều mặt hàng nông sản được nâng cao, nhiều tiến bộ trong khoa học, công nghệ được ứng dụng vào sản xuất. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả tích cực[5]. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân một số địa phương phản ánh việc nông dân “không còn thiết tha” với đồng ruộng, môi trường kinh doanh nông nghiệp chưa hấp dẫn, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, công nghiệp chế biến phát triển chậm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất, quan tâm hỗ trợ việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật; mở rộng thị trường tiêu thụ; kịp thời thông tin về thị trường cho nông dân; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức thực hiện hiệu quả hơn các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; phát triển, nâng cao chất lượng các hợp tác xã kiểu mới để thực sự là hạt nhân trong chuỗi liên kết, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo ngại trước tình trạng sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; buôn lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây hại cho sức khỏe Nhân dân. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, lưu thông và sử dụng; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng cụ thể các điều cấm và tăng nặng hơn mức xử phạt các vi phạm, khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
2. Về y tế, giáo dục và đào tạo
Cử tri và Nhân dân phản ánh tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh ung thư giả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây bức xúc trong nhân dân[6]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc, quản lý chặt chẽ nhập khẩu và kinh doanh thuốc trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cử tri và Nhân dân phản ánh và bức xúc về tình trạng người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực đối với bác sỹ, nhân viên y tế. Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an, chính quyền các địa phương và các cơ sở y tế khẩn trương có giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục trong việc dạy và học, quan tâm hơn đến các địa phương vùng sâu, vùng xa; chấn chỉnh công tác xét duyệt, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Phong trào đổi mới, sáng tạo dạy và học trong nhà trường đã có nhiều điểm sáng, tấm gương tốt; học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế đạt được nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân phản ánh chất lượng dạy và học ở một số cơ sở giáo dục, trường học còn hạn chế, chạy theo thành tích; việc quản lý đào tạo sau đại học, cấp và quản lý bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo; còn nhiều hạn chế trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và tổ chức thi trung học phổ thông. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp học, quản lý chặt chẽ hơn trong đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo; khẩn trương rà soát và chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.
Cử tri và Nhân dân một số địa phương lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc[7]. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực sư phạm cho giáo viên, có giải pháp cụ thể phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức để giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Đề nghị các bộ, ngành có liên quan, các đoàn thể, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng, lên án mạnh mẽ những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
3. Về quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường
Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều hạn chế, bất cập, gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương[8]. Đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[9], tăng cường đối thoại, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định về quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương chấn chỉnh, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá, hủy hoại rừng. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng và thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương[10]; việc chặt phá, hủy hoại rừng tự nhiên vẫn diễn ra công khai ở một số nơi[11]. Cử tri và Nhân dân cho rằng, những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh.
Cử tri và Nhân dân ở nhiều địa phương lo lắng, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm các dòng sông như lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai - sông Sài Gòn[12]; việc xả rác thải sinh hoạt, chất thải trong sản xuất, chăn nuôi và ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, các làng nghề, khu dân cư vẫn chưa được khắc phục[13]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có giải pháp kịp thời để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên; phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở vi phạm.
4. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm
Cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu[14]. Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Cử tri và Nhân dân phản ánh tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, trong quản lý đất công; nhiều “dự án treo”, công trình, dự án lớn chưa đảm bảo chất lượng, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Một số ngành, cơ quan, địa phương và đảng viên, cán bộ, công chức chưa thực hiện nghiêm các quy định về văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công; nâng cao trách nhiệm, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
5. Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý đô thị
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường an ninh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân nhiều địa phương còn lo lắng trước tình trạng tội phạm giết người, cướp của, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có các biện pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân; đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân và cộng đồng.
Công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, sơ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thể hiện rõ nhất là vụ đánh bạc qua mạng internet, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa phương, thu giữ hàng ngàn tỷ đồng. Cử tri và nhân dân bất bình trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm[15]. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.
Cử tri và Nhân dân lo lắng, bất an trước tình trạng cháy, nổ xảy ra liên tiếp ở các khu chung cư, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và hộ gia đình, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản[16]. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để kiềm chế, phòng ngừa, tuy nhiên thực tế vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy, nổ; rà soát, kiểm tra những cơ sở, dự án, khu chung cư, nhà cao tầng về phòng cháy, chữa cháy; làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ các cơ sở, doanh nghiệp, ban quản trị, ban quản lý các khu chung cư, nhà cao tầng, nhất là của các cơ quan quản lý về công tác phòng, chống cháy, nổ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo dừng các dự án chung cư, căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm các thành phố lớn, phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng giao thông[17]…Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho rằng, những dự án đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng có quy mô lớn đã và đang triển khai ở khu vực trung tâm các thành phố lớn là nguyên nhân chính làm gia tăng mật độ dân cư, quá tải hạ tầng, gây tắc đường, ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, cuộc sống, sức khỏe của người dân và ô nhiễm môi trường. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, giám sát việc thực hiện các dự án, công trình xây dựng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp chung cư xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tránh tình trạng “việc đã rồi” mới giải quyết, khắc phục hậu quả.
6. Về kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ
Nhân dân quan tâm, hoan nghênh việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW. Cử tri và Nhân dân mong muốn việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình, đảm bảo sự đồng bộ, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị; cần tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm trước khi thực hiện trong cả nước.
Cử tri và Nhân dân ủng hộ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương. Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để nhân dân biết và giám sát.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XII) đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết này để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm.
Cùng với những vấn đề đã nêu trên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh, lo ngại về một số vấn đề như: một số nhóm, cá nhân với danh nghĩa “Hội thánh Đức Chúa trời” lôi kéo, tuyên truyền những nội dung mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở một số địa phương; một số đối tượng lợi dụng chính sách đối với người có công, người bị nhiễm chất độc da cam để “trục lợi”; nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm; nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng[18]; nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội; việc sử dụng tràn lan thuốc trừ cỏ ở một số tỉnh Tây Bắc...
III. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm giải quyết những vấn đề mà cử tri và Nhân dân đã phản ánh, kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội, như: bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiệt hại do thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông; thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và đời sống Nhân dân.
Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng gửi tới Quốc hội, Chính phủ 6 kiến nghị sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương thể chế hóa và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6, 7 (Khóa XII) về phát triển kinh tế, tổ chức và cán bộ, về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống như mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp như: dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị…
Đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội theo hướng tăng cường tiếp xúc thường xuyên, tiếp xúc chuyên đề, theo đối tượng và trực tiếp ở cơ sở để đông đảo cử tri có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của mình.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần sớm hoàn thành bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ từ tư duy đến hành động.
Thứ tư, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nghiêm túc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng; kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm thời gian qua. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra chất lượng và công tác quản lý các dự án khu chung cư, nhà cao tầng; tăng cường phòng, chống cháy, nổ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý để xảy ra cháy, nổ.
Thứ sáu, về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV từ năm 2013 đến năm 2017[19], nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt. Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch một lần nữa đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm, kiên quyết hơn đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, bao che cho các đối tượng vi phạm.
Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và 6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tin tưởng trong thời gian tới các đại biểu Quốc hội tiếp tục cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân tới Quốc hội. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nơi nhận:
- Các đại biểu Quốc hội;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Chủ tịch nước;
- Thường trực Chính phủ;
- Các Ban Đảng; VP TW Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ VN;
- Các TCTV của MTTQ VN ở Trung ương;
- Ủy ban MTTQ VN các tỉnh, thành phố;
- Lưu VT, DCPL.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Thanh Mẫn
|
CHÚ THÍCH
[1] Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, các địa phương đã tổ chức chuyển quà Tết của Chủ tịch nước cho các đối tượng chính sách hơn 386 tỷ đồng; gần 12.000 tấn gạo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; địa phương hỗ trợ khoảng trên 2.852 tỷ đồng với 4,7 triệu suất quà cho nhiều đối tượng chính sách; các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực tổ chức Tết cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo với tổng số tiền khoảng 627,8 tỷ đồng. Trong đó có một số địa phương có nguồn vận động xã hội hóa cao như: TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre.
* Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trích từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương 7,241 tỉ đồng, tương đương 6.900 suất quà để thăm hỏi, hỗ trợ các hộ nghèo cả nước; Ủy ban MTTQ các địa phương đã trích từ Quỹ “Vì người nghèo” và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ trên 2,7 triệu suất quà Tết trị giá trên 1,145 tỷ đồng.
* Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tổ chức phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Trung ương Hội đã phân bổ 6,57 tỷ đồng cho 63 tỉnh, thành hội để trao quà tặng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ tiền mặt và tặng quà cho gần 2,6 triệu đoàn viên và người lao động với tổng trị giá hơn 1.277 tỷ đồng. Hơn 85.000 đoàn viên, công nhân lao động được tặng vé xe để về quê với số tiền trị giá hơn 36 tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã trao tặng 219 mái ấm công đoàn với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Ước tính, có gần 237.000 đoàn viên, người lao động tham gia chương trình Tết sum vầy do các cấp công đoàn tổ chức; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cự Chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đều có các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.
[2] Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” (kỳ họp thứ tư), ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp” (năm 2018), Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội giám sát đối với 23 chuyên đề về các vấn đề mà cử tri và xã hội đang rất quan tâm. Từ phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 12-16/3/2018), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thực hiện thí điểm “Chất vấn và trả lời chất vấn ngay”.
[3] Thủ tướng Chính phủ đã tham dự nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các tầng lớp nhân dân, đại diện các doanh nghiệp, các hội nghị xúc tiến đầu tư tại nhiều địa phương như: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn (tháng 11/2017), Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp (tháng 12/2017), Hội nghị chuyên đề xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu (tháng 1/2018), Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long (tháng 3/2018). Hội nghị đối thoại với nông dân (ngày 9/4/2018), tại tỉnh Hải Dương; ngày 27/4/2018, Thủ tướng đối thoại với 15 chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Singapore; ngày 16/3/2018, tại TP.Sydney, Australia, Thủ tướng đã làm việc, đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu của Australia…
[4] Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Nếu tính cả 749 nghìn tỷ đồng của gần 12,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng.
[5] Đến nay cả nước có 3.320 xã (37,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 220 xã (2,47%) so với cuối năm 2017; bình quân đạt 14,25 tiêu chí/xã; còn 121 xã dưới 5 tiêu chí; có 50 đơn vị cấp huyện thuộc 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 07 huyện so với cuối năm 2017.
[6] Vụ việc Công ty TNHH Vinaca (Thanh Xuân, Hà Nội) có sản phẩm điều trị bệnh ung thư giả VinacaCo3.2 từng nhận được Giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cấp nhưng thực chất thuốc làm từ bột than tre; tình trạng thuốc Zinnat 500 mg giả, thuốc tẩy giun giả Fugacar của Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse (Bỉ).
[7] Vụ việc giáo viên ở Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh không giảng bài trước học sinh trong suốt hơn 3 tháng; vụ việc chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, quận 12, TP. Hồ Chí Minh bạo hành trẻ; vụ việc giáo viên Trường Mầm non 30-4, quận 1, TP. Hồ Chí Minh có lời lẽ thiếu văn hóa đối với trẻ em; vụ việc cô giáo mầm non tư thục ABC Montessori Preschool (TP. Vinh, Nghệ An) đánh trẻ; vụ việc giáo viên trường Tiểu học Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội đánh học sinh; việc giáo viên trung tâm MST English, Hà Nội lăng mạ học viên trong giờ học.
[8] Tại các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, có thời điểm đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất tràn lan, đầu cơ, “đẩy giá” đất gây bất ổn tại địa phương; nhiều người dân khiếu nại về việc thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
[9] Ngày 11/5/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 178/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường và xây dựng, ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn biến phức tạp, bảo đảm trật tự xã hội; Ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp giải quyết, chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đề xuất biện pháp giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2018 về Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
[10] Trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê, kè, ruộng đất canh tác, cây trồng của người dân, như: Ngã ba Kèo (sông Kinh Thầy) thuộc địa phận thị xã Chí Linh (sông Thái Bình) thuộc huyện Cẩm Giàng; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (khu vực sông Luộc); UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản, cắm bảng cấm khai thác cát 19 điểm bị sạt lở nghiêm trọng trên sông Krông Nô; UBND huyện Lắk (Đắk Lắk), đã có đề xuất đưa 24 khu vực tại 5 xã dọc bờ sông Krông Nô và Krông Ana bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài trên 10km vào diện cấm khai thác cát; từ năm 2013 TP. Hồ Chí Minh đã ngưng cấp phép khai thác cát mới nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, nhất là ở các tuyến sông giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Tiền Giang.
[11] Vụ phá rừng thông hơn 40 năm tuổi tại tiểu khu 151, thuộc phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng); vụ hơn 142 m3 gỗ quý bị chặt hạ trái phép tại rừng Phong Quang, tỉnh Hà Giang tháng 3/2018; tình trạng chặt phá rừng xảy ra ở tiểu khu 1297 (thuộc đồi Chư Jú, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; vụ chặt phá trái phép hàng trăm cây thông đang còn sống tại rừng cộng đồng bon Bu Koh (thuộc tiểu khu 1491, xã Đắk R’tih, tỉnh Đắk Nông); vụ việc triệt phá xưởng gỗ lậu số lượng lớn trong vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk - Đắk Nông); trong 4 tháng đầu năm 2018, diện tích rừng bị thiệt hại là 308 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 92 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 216 ha.
[12] Tình trạng ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sinh hoạt ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La vì rửa hạt cà phê khiến cuộc sống của 12 nghìn hộ dân sinh sống trên địa bàn thành phố rơi vào tình cảnh khó khăn; tình trạng giếng nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm dầu ở tỉnh Hà Tĩnh; việc hơn 800 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đang phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt …
[13] Tình trạng xả chất thải chăn nuôi ở huyện Văn Giang, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; tình trạng chất thải rắn sinh hoạt đổ đống gây ô nhiễm môi trường tại Thanh Hóa; ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội; 04 tháng đầu năm 2018 cả nước phát hiện 5.124 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 4.749 vụ với tổng số tiền phạt 66,2 tỷ đồng.
[14] Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC, tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin - Vinashinlines....
[15] Vụ việc một số cán bộ của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã bao che cho nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc trên trang bong88.com quy mô lên đến hàng ngàn tỉ đồng; vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
[16] Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 1.453 vụ cháy, nổ, làm 54 người chết và 141 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 840 tỷ đồng.
[17] Công văn số 3585/VPCP-CN ngày 18/4/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
[18] Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 6.020 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3.104 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.916 vụ va chạm giao thông, làm 2.788 người chết, 1.576 người bị thương và 3.060 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày, trên địa bàn cả nước xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, gồm 26 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 24 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 13 người bị thương và 25 người bị thương nhẹ.
[19] Các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các Báo cáo số 422/BC-MTTW-ĐCT, ngày 17/5/2013 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII; Báo cáo số 596/BC-MTTW-ĐCT, ngày 19/5/2014 tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII; Báo cáo số 135/BC-MTTW-ĐCT ngày 18/10/2015 tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII; Báo cáo số 300/BC-MTTW-ĐCT ngày 19/10/2016 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV; Báo cáo số 378/BC-MTTW-ĐCT ngày 19/5/2017 tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV; Báo cáo số 451/BC-MTTW-ĐCT ngày 20/10/2017 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV.